24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Uyển Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thực trạng vận dụng giá trị hợp lý tại các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam - Rào cản và giải pháp

Nghiên cứu nhằm nhận diện rõ thực trạng vận dụng giá trị hợp lý hiện nay trong các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, các tồn tại bất cập trong việc chuyển đổi từ việc vận dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 13, từ đó đưa ra các gợi ý chính sách về giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng giá trị hợp lý (GTHL) trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã và đang được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ tại các quốc gia trên toàn thế giới, một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng đã áp dụng thành công chuẩn mực này, chẳng hạn như Singapore, Thái Lan, Malaysia,…

Tại Việt Nam, IFRS cũng là một từ khóa thu hút nhiều sự quan tâm, tìm kiếm của các chuyên gia, các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Nền kinh tế của chúng ta đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ trong phạm vi khu vực cũng như trên trường quốc tế. Do đó, việc đổi mới, cải cách và hòa nhập là điều tất yếu, bởi có hội nhập, có thay đổi thì chúng ta mới có thể phát triển và tồn tại trong thị trường biến đổi đa phương, đa chiều.

Một trong những thay đổi trước tiên đó là thay đổi về chuẩn mực kế toán, là nền tảng của kế toán, là những nguyên lý cơ bản, chuẩn mực kế toán đưa ra những khuôn khổ pháp lý, những định hướng vận hành cho công tác kế toán. Mỗi quốc gia có mỗi chế độ kế toán riêng, đa dạng và khác biệt do sự khác nhau về văn hóa, truyền thống và kinh nghiệm riêng dẫn đến sự khác biệt trong báo cáo tài chính tại mỗi nước, điều này gây khó khăn cho những đối tượng tiếp nhận thông tin trên báo cáo tài chính, những người nước ngoài, những nhà đầu tư trên thế giới. Khi sức ép của sự phát triển và hòa nhập càng mạnh, thì yêu cầu về sự thay đổi và thống nhất càng thật sự cần thiết.

Báo cáo tài chính hiện nay đang sử dụng chủ yếu 2 nguyên tắc định giá, đó là nguyên tắc giá gốc và nguyên tắc GTHL. Trong nhiều năm qua và cho đến nay, nguyên tắc giá gốc (hay còn gọi là giá phí lịch sử) vẫn là nguyên tắc cơ bản trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Giá gốc đã thực hiện tốt vai trò trong việc cung cấp thông tin trên báo cáo tài chính, giúp các nhà quản trị, các nhà đầu tư, nhà hoạch định chiến lược có cái nhìn tổng thể về tình hình kinh doanh của mỗi đơn vị. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giá gốc đã dần bị thay thế bởi GTHL tại hầu hết các nước phát triển. IFRS số 13 về việc đo lường GTHL ra đời là bước tiến quan trọng, khẳng định ý nghĩa của GTHL trong việc cải thiện tính nhất quán của thông tin tài chính toàn cầu.

Báo cáo tài chính được công bố theo GTHL cung cấp thông tin theo giá trị thực của các tài sản nói chung. Điều đó giúp cho báo cáo tài chính trở nên minh bạch, đáng tin cậy và phần nào diễn giải những biến động của thị trường kinh tế, giúp cho nhà đầu tư, nhà quản trị có cái nhìn thực tế, khách quan và đưa ra những quyết định đúng đắn. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, các nước vận dụng nguyên tắc GTHL trong báo cáo tài chính, thì nguồn vốn đầu tư tăng lên đáng kể.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm tác giả nghiên cứu các vấn đề lý luận bằng phương pháp nghiên cứu định tính, cụ thể là nghiên cứu tình huống, hay còn gọi là nghiên cứu điển hình. Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống, nhóm tác giả tìm hiểu, đánh giá một cách toàn diện và có chiều sâu về thực trạng vận dụng giá trị hợp lý (fair value) hiện nay trong các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh.

Để thực hiện nghiên cứu tình huống, nhóm tác giả thu thập thông tin qua các nguồn dữ liệu thứ cấp từ giáo trình, báo, tạp chí, luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học, chế độ kế toán, từ đó tổng hợp và phân tích, nhằm hệ thống lý luận về các vấn đề liên quan đến nội dung và phương pháp đào tạo kế toán viên hiện nay trên thế giới và Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả tổng hợp các BCTC mới nhất trong quý 2 và quý 3 năm 2020 của các DN niêm yết trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh để xem xét thực trạng vận dụng GTHL trong việc công bố thông tin. Kết quả nghiên cứu tình huống cho phép nhóm tác giả đưa ra lời giải thích về thực trạng vận dụng giá trị hợp lý (fair value) hiện nay, cũng như những khó khăn, vướng mắc khi vận dụng giá trị hợp lý trong các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu trên sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, rút ra được các bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp cho giai đoạn triển khai IFRS nói chung và GTHL nói riêng trong thời gian tới.

3. Kết quả nghiên cứu

Trong 3 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam hiện nay (gồm: Sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, Sàn giao dịch TP. Hà Nội và Sàn giao dịch UpCom), điều kiện để niêm yết tại Sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh áp dụng với các tổ chức niêm yết khắt khe nhất, nhưng lại là nơi dễ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế. Tính minh bạch và tuân thủ các quy định về kế toán - kiểm toán đòi hỏi các tổ chức niêm yết phải luôn cập nhật các chính sách kế toán để đảm bảo doanh nghiệp mình được đánh giá cao trong mắt nhà đầu tư tiềm năng.

Tác giả xem xét BCTC từ quý 2, quý 3 năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết theo thứ tự ưu tiên: danh sách VN30 (là số nhóm các cổ phiếu có vốn hóa lớn trong bộ chỉ số được Sở giao dịch Chứng khoán - TP. Hồ Chí Minh triển khai ngày 6/2/2012, với mục đích tổng hợp các mã cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, về giá trị vốn hóa và thanh khoản), danh sách VN100 (gồm 30 cổ phiếu thành phần của VN30 và 70 cổ phiếu thành phần VNMidcap) để xem xét về việc áp dụng GTHL trong trình bày giá trị tài sản và khoản nợ.

Đối với VN30, tác giả nhận thấy hầu hết đều có áp dụng GTHL bên cạnh nguyên tắc giá gốc khi trình bày về giá trị của tài sản và công nợ, bao gồm:

+ Đối với các khoản mục tài sản cố định: hầu hết các doanh nghiệp đều trình bày theo nguyên tắc giá gốc.

+ Các khoản đầu tư tài chính: đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác thì GTHL được xác định dựa vào các định giá tương ứng theo giá thị trường của các khoản đầu tư vào ngày kết thúc kỳ kế toán hoặc xác định trên cơ sở giá cổ phiếu niêm yết đóng cửa của sàn giao dịch chứng khoán; điển hình như tại BTTC quý 2/2020 của các Công ty CP FPT (FPT); Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), Tập đoàn Địa ốc NoVa (NVL), Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG),...

Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các khoản đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác hay thậm chí là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (trái phiếu) phải dựa vào giá trị sổ sách (không thể xác định được giá trị hợp lý) do không xác định được giá niêm yết trên thị trường và Chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán Việt Nam và các quy định pháp lý không hướng dẫn chi tiết về cách tính giá trị hợp lý.

+ Đối với các khoản mục bất động sản đầu tư (thường là khoản mục trọng yếu với giá trị rất lớn): hầu hết các doanh nghiệp đều trình bày theo nguyên tắc giá gốc. Nguyên nhân doanh nghiệp không thể xác định được GTHL do thiếu thông tin để định giá vì không có thị trường hoạt động (active market); điển hình như tại BCTC quý 2/2020 của các Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty CP đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SAB),...

Đối với VNMidcap, tác giả nhận thấy, hầu hết đều có áp dụng nguyên tắc giá gốc, không sử dụng GTHL khi trình bày về giá trị của tài sản và công nợ, điển hình như tại BTTC quý 3/2020 của các Công ty CP và Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG), Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM),...

Như vậy, với mẫu nghiên cứu 100 doanh nghiệp tiêu biểu cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, dữ liệu cho thấy, ngoại trừ 30 doanh nghiệp hàng đầu có quan tâm và áp dụng bước đầu GTHL trong công tác kế toán, hầu hết các doanh nghiệp còn lại chưa quan tâm đến việc vận dụng GTHL khi công bố thông tin vì nhiều lý do. Điều này phần nào làm giảm tính minh bạch của thông tin công bố và cũng làm gia tăng nguy cơ cho các nhà đầu tư cũng như làm giảm cơ hội của doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

4. Kết luận và giải pháp gợi ý

4.1. Những khó khăn và thách thức

Một là, sự chưa phổ biến của thị trường hoạt động (active market) tại Việt Nam. Hiện nay, hiện tượng các tổng công ty, tập đoàn nhà nước Việt Nam chậm cổ phần hóa, hoặc sau khi đã IPO lại chậm niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán theo quy định, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra khó khăn khi xác định giá trị các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, việc còn thiếu các sàn giao dịch các loại hàng hóa, công cụ đầu tư tài chính hay thiếu các tổ chức định giá có uy tín, đầy đủ pháp lý cũng làm cho việc xác định GTHL còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp có nhu cầu.
Hai là, sự thiếu đầy đủ về hướng dẫn cách xác định giá trị hợp lý. Chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán Việt Nam và các quy định pháp lý không hướng dẫn chi tiết về cách tính giá trị hợp lý. Mặc dù, trong một số trường hợp, giá trị tài sản được xác định lại trên cơ sở bảng giá Nhà nước quy định hoặc Hội đồng định giá tài sản thống nhất xác định. Tuy nhiên, bảng giá Nhà nước quy định lại không theo kịp và phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, đặc biệt là đối với khoản mục bất động sản đầu tư (thường là khoản mục trọng yếu).
Ba là, sự thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh về công bố thông tin của doanh nghiệp. Mặc dù 26 Chuẩn mực kế toán (CMKT) Việt Nam được tham khảo, xây dựng dựa trên hệ thống CMKT quốc tế, tuy nhiên sự khác biệt về nội dung là đáng kể, đặc biệt là có những nội dung chưa có hành lang pháp lý để vận dụng.

GTHL được xem là một trong những nội dung quan trọng giúp khắc phục được sự bất hợp lý khi hạch toán theo giá gốc (historical cost), đặc biệt là đối với Việt Nam, một đất nước mà rất nhiều doanh nghiệp có được lợi thế từ đất đai. Tuy nhiên, do chưa có một thị thường hoạt động đủ mạnh nên việc xác định GTHL theo nội dung hướng dẫn của IFRS để hạch toán trong nhiều trường hợp là không khả thi. Thậm chí dù có thể xác định được giá trị thông qua thị trường niêm yết (như cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán), việc xác định giá trị vẫn không đáng tin cậy, do có quá nhiều chiêu trò làm giá, gian lận và sai sót trong công tác kiểm toán.

Từ đó, dẫn đến việc đánh giá GTHL của các khoản mục quan trọng như tài sản (bất động sản), nợ phải trả nhằm trích lập dự phòng hay ghi nhận các khoản lỗ trong tương lai,… rất khó để xác định. Điều này làm giảm niềm tin vào BCTC, hay nói cách khác làm khó ngay chính người làm công tác kế toán khi làm ra những sản phẩm (BCTC) kém chất lượng.

Bốn là, sự khác biệt về nội dung giảng dạy kế toán hiện nay và khi triển khai IFRS theo lộ trình. Bên cạnh đó, việc IFRS chủ yếu được xây dựng dựa trên nền tảng các nguyên tắc kế toán (principle-based) cũng sẽ làm cho việc giảng dạy và đào tạo kế toán - kiểm toán viên gặp nhiều bỡ ngỡ khi bước vào giai đoạn quá độ áp dụng IFRS. Việc chuyển trọng tâm từ hạch toán nợ - có sang trọng tâm nội dung BCTC sẽ tạo ra một khoảng cách giữa những kế toán - kiểm toán viên tương lai và những người đang làm công tác kế toán - kiểm toán hiện tại. Ngoài ra, chính các nguyên tắc kế toán sẽ là nguyên nhân gây ra nhiều tranh chấp trong công tác kê khai thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, khi có sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán các khoản chi phí có liên quan đến việc xác định giá trị tài sản hay các khoản nợ phải trả...

4.2. Một số đề xuất của nhóm tác giả

Dựa trên những khó khăn tồn tại nêu trên, cũng như xu hướng phát triển của ngành Kế toán trong sân chơi hội nhập quốc tế, nhóm tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp có liên quan về vấn đề vận dụng GTHL trong giai đoạn triển khai IFRS tại Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều các sàn giao dịch hàng hóa hoạt động, tạo cơ sở dễ dàng hơn cho doanh nghiệp trong việc tham chiếu xác định giá trị tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần tăng cường cơ chế giám sát để tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của hoạt động các sàn giao dịch. Ngoài ra, nhanh chóng thúc đẩy tiến độ thoái vốn của các tập đoàn Nhà nước nhằm gia tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng trên sàn giao dịch, từ đó giúp thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ kéo theo các định chế tài chính quốc tế tham gia công tác định giá tại Việt Nam.
Thứ hai, sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Chính phủ là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là vai trò của Bộ Tài chính. Bên cạnh việc ban hành kịp thời các văn bản để hướng dẫn triển khai IFRS, việc tổ chức các lớp học, các hội thảo tài chính để đối thoại giữa các cơ quan thuế và các tổ chức hiệp hội kế toán - kiểm toán và các giảng viên giảng dạy kế toán trong các trường đại học để tìm tiếng nói chung, thống nhất nội dung đào tạo và công tác kế toán trong thực tế là vô cùng cần thiết, tránh những tranh chấp trong công tác thanh tra - kiểm tra trong giai đoạn đầu triển khai vận dụng IFRS nói chung và xác định GTHL nói riêng.
Thứ ba, ban hành các quy định bắt buộc thay vì tự nguyện đối với một số đối tượng doanh nghiệp nhằm gia tăng tính minh bạch, hợp lý trong việc công bố thông tin BCTC. Điều này giúp bảo vệ các nhà đầu tư và gián tiếp ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc thời kỳ hậu khủng hoảng Covid-19. Là một trong số ít quốc gia và vùng lãnh thổ đạt mức tăng trưởng dương trên thế giới và là duy nhất ở khu vực ASEAN (đạt 2,12% tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020), Việt Nam lại vừa ký kết thành công hiệp định hợp tác với châu Âu giúp gia tăng cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này, cũng như thu hút vốn đầu tư FDI trên thế giới. Do vậy, việc hoàn thiện ngôn ngữ kế toán chung bằng cách triển khai vận dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hội nhập, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Amira Pobrić. (2019). The application of fair value accounting in Bosnia and Herzegovina. University of East Sarajevo, Faculty of Economics Brčk, Acta Economica, pp. 149-167.
  2. Al-Khadash and H. A. & Abdullatif, M. (2009). Consequences of fair value accounting for financial instruments in the developing countries: The case of the banking sector in Jordan. Jordan Journal of Business Administration, 5(4), 533-551.
  3. Bick, P., Orlova, S. & Sun, L. (2018). Fair value accounting and corporate cash holdings, Advances in Accounting, 40, 98-110.
  4. Diana C. I. (2015). Fair Value measurement under IFRS 13. Constantin Brâncuşi, University of Târgu Jiu, 3, 55-59.
  5. Jan Dvořák (2017). How do Czech companies report fair value measurement under IFRS 13? European Financial and Accounting Journal, 12(13), 117-128.
  6. Hodder, Leslie D., Hopkins, P., & Wahlen, J. (2006). Risk-Relevance of Fair-Value Income Measures for Commercial Banks. The Accounting Review, 81(2), 337-375.
  7. Ronen Joshua (2008). To Fair Value or not to Fair Value: A Broader Perspective. Abacus, 44, 181-208.
  8. Sebastian, E., Dănuţ, C., & Maria, D.L. (2014). Relevance and Credibility of the Fair Value Measurement During the Crisis. Procedia. Economics and finance, 8, 306-312.
  9. Siam, M. & Abdullatif, W. (2011). Fair Value Accounting Usefulness and Implementation Obstacles: Views from Bankers in Jordan. Accounting in Asia- Research in Accounting in Emerging Economies, 11, 83-107.
  10. Peng, S. and Bewley, K. (2010). Adaptability to fair value accounting in an emerging economy: A case study of China's IFRS convergence. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 23(8), 982-1011.
  11. Dương Thị Thanh Hiền (2017). Giá trị hợp lý và giá gốc trong kế toán: Định hướng áp dụng để phù hợp với thông lệ quốc tế. Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/gia-tri-hop-ly-va-gia-goc-trong-ke-toan-dinh-huong-ap-dung-de-phu-hop-voi-thong-le-quoc-te-133897.html
  12. Đặng Thị Bích Ngọc (2020). Mô hình giá gốc, giá trị hợp lý trong kế toán - Thực tiễn và định hướng áp dụng tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mo-hinh-gia-goc-gia-tri-hop-ly-trong-ke-toan--thuc-tien-va-dinh-huong-ap-dung-tai-viet-nam-72195.htm.
  13. Lê Vũ Ngọc Thanh (2018). Định hướng về việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  14. Lê Thị Thu Hương (2017). Điều chỉnh báo cáo tài chính theo mô hình giá trị hợp lý trong điều kiện nền kinh tế lạm phát. Tạp chí Công Thương, http://www.tapchicongthuong.vn/bai-viet/dieu-chinh-bao-cao-tai-chinh-theo-mo-hinh-gia-tri-hop-ly-trong-dieu-kien-nen-kinh-te-lam-phat-26683.htm
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
12.70 +0.80 (+6.72%)
16.80 -0.45 (-2.61%)
133.90 +0.90 (+0.68%)
69.20 +1.00 (+1.47%)
26.10 +0.25 (+0.97%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả