Tham vọng hệ sinh thái ngành dịch vụ ô tô của “ông trùm” BOT Tasco
Với việc thâu tóm thành công SVC Holdings và đổi tên thành Tasco Auto, Tasco có thêm mảnh ghép quan trọng hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái xoay quanh phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô.
Tasco có gì trước khi thâu tóm SVC Holdings?
Trước thâu tóm, CTCP Tasco (HNX: HUT) được biết đến là một trong những ông lớn về đầu tư dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Có thể kể đến các dự án BOT quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình; BOT 39, Thái Bình; BOT Lê Đức Thọ, Hà Nội; BOT Hải Phòng; cải tạo BOT Đông Hưng, Thái Bình…
Ngoài ra, CTCP VETC - công ty con của HUT - là nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động đường bộ (VETC) với hơn 75% thị phần, 117 trạm thu phí trên cả nước; phục vụ khoảng 3 triệu khách hàng. Trong đó, VETC đầu tư lắp đặt và vận hành 47 trạm, còn lại do nhà đầu tư BOT lắp đặt và VETC vận hành.
Ông lớn mảng thu phí tự động kỳ vọng năm 2025 sẽ tăng lượng người sử dụng lên 5 triệu, duy trì 75 - 80% thị phần, mở rộng thêm các dịch vụ thanh toán xăng dầu, bãi đậu ô tô, thu phí tại các cảng hàng không… Lãnh đạo HUT cũng cho biết, đây tiếp tục là mảng kinh doanh trọng tâm sắp tới.
Để dọn đường cho ngành dịch vụ ô tô và hạ tầng thông minh, HUT đã thoái vốn khỏi các lĩnh vực không trọng tâm; đơn cử như thoái toàn bộ vốn tại Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông. Tương tự, HUT từng tham gia vào lĩnh vực y tế với các dự án đầu tư hạ tầng bệnh viện mắt Hà Nội 2 và tổ hợp bệnh viện đa khoa quy mô 500 giường T’Hospital, nhưng hiện đã rút lui thông qua thoái 100% vốn Công ty TNHH T’Hospital.
Hoàn tất mảnh ghép lớn nhất trong hệ sinh thái
Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp trong khu vực, nhưng lại có tốc độ tăng nhanh tầng lớp trung lưu. Việc thâu tóm đơn vị phân phối xe ô tô đầu ngành được xem là bước quan trọng để HUT xây dựng hệ sinh thái hướng đến phục vụ trọn vòng đời sử dụng dịch vụ ô tô.
Theo đó, HUT chính thức sở hữu 100% vốn CTCP SVC Holdings và đổi tên thành Công ty TNHH Tasco Auto sau thời điểm kết thúc đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi cổ phần vào tháng 8/2023.
Yếu tố đáng kể nhất ở Tasco Auto có lẽ là việc doanh nghiệp này sở hữu 54.1% vốn CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC). Thương vụ mua lại giúp HUT nghiễm nhiên trở thành một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô nội địa lớn nhất, đồng thời sở hữu 86 đại lý trên cả nước.
Cuối năm 2021, SVC là nhà phân phối lớn nhất của Toyota (hơn 22% thị phần), Ford (33% thị phần) và Volvo (với 8% thị phần xe sang). Đến nay SVC đang hợp tác đưa 14 hãng xe ra thị trường, chiếm 13.5% thị phần.
Là một phần của HUT, Tasco Auto trở nên tham vọng hơn khi đặt mục tiêu phát triển thành 120 đại lý vào năm 2026, tìm cơ hội phân phối thêm các thương hiệu xe sang, xe điện… và không ngoại trừ khả năng sẽ tham gia chuỗi giá trị cao hơn của ngành công nghiệp ô tô.
Động thái mới nhất, Tasco Auto thông qua đơn vị thành viên là Greenlynk Automotives hoàn thành thủ tục đăng kiểm, xây showroom để đưa Lynk & Co - thương hiệu xe Bắc Âu thuộc sở hữu của Tập đoàn Geely Trung Quốc từ năm 2010 - về Việt Nam vào cuối năm 2023.
Bổ nhiệm sếp Ford Việt Nam vào Tasco Auto
Sau thâu tóm, HUT bổ nhiệm ông Phạm Văn Dũng, cựu sếp Ford Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022, vào vị trí Chủ tịch Tasco Auto và ông Nguyễn Thiện Minh làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC và Chủ tịch Hội đồng công nghệ của Tasco, bắt đầu từ tháng 11/2023.
Ông Dũng có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn toàn cầu như GM-Daewoo, Ford, Inchcape… Cá nhân ông cũng từng giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất nhiều nhiệm kỳ của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt nam (VAMA) và là thành viên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM).
Tương tự, ông Minh có hơn 20 năm kinh nghiệm xây dựng các nền tảng công nghệ ở các doanh nghiệp khởi nghiệp, tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ, châu Âu, Singapore như PayPal, Wells Fargo, BestBuy, OpenTV, DTT, Callaway Golf Interactive, American Airlines… và tại Việt Nam như ILA, Geniebook. Ngoài ra, ông Minh còn là đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của ứng dụng gọi xe Be hay ngân hàng số Cake.
Hệ sinh thái ô tô - bảo hiểm - tài chính
Hướng đến “cung cấp dịch vụ suốt vòng đời của phương tiện”, cuối năm 2022, Tasco Auto đầu tư vào Carpla - nền tảng phân phối ô tô đã qua sử dụng với tiện ích từ online (Carpla) đến offline (các showroom của SVC).
Carpla mua lại các xe cũ, sau đó mang đi kiểm tra, kiểm định, làm sạch và khử trùng trước khi đưa ra trưng bày ở cửa hàng. Hiện nền tảng này có 6 automall trên toàn quốc.
Tasco sẽ không chỉ bán xe mới, xe cũ, dịch vụ phụ tùng, sửa chữa, làm đẹp xe mà còn có các dịch vụ gia tăng như bảo hiểm, cho vay mua xe. Cuối năm 2022, Công ty đã nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp).
Dù ra đời từ năm 2001, vị thế của Groupama Việt Nam rất khiêm tốn. Theo báo cáo thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2021, công ty bảo hiểm phi nhân thọ này không ghi nhận doanh thu trong năm 2020 và 2021, đồng thời chi phí bồi thường/trả tiền bảo hiểm lần lượt chỉ 6 triệu đồng và 326 triệu đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 295 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 287 tỷ đồng.
HUT đổi tên Groupama Việt Nam thành Bảo hiểm Tasco (TIC), hướng đến mảng bảo hiểm xe cơ giới, tham vọng doanh thu 300 tỷ đồng năm 2023. Trong một Nghị quyết cuối năm 2022, Tasco cho biết sẽ rót hơn 612 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của TIC từ 405 tỷ đồng lên hơn 1,017 tỷ đồng.
Tương tự, nhận ra khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mua xe của khách hàng có thể trở thành yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái ô tô, “trùm BOT” tham gia mảng cung cấp giải pháp tài chính (Tasco Finance) cho người muốn sở hữu xe, có thể vay với các ngân hàng…
Ban lãnh đạo HUT mong muốn khoảng 2.7 triệu người đang sử dụng dịch vụ do VETC cung cấp khi mua, bán hay đổi xe, sử dụng dịch vụ về xe đều thông qua công nghệ để kết nối hạ tầng dịch vụ xe ô tô từ VETC cho tới Carpla và SVC.
Kết quả chưa thể như kỳ vọng
Với SVC, kết quả kinh doanh 10 năm qua hưởng lợi từ nhu cầu xe tại Việt Nam có xu hướng tăng, chỉ chững lại ở giai đoạn đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu.
2023 tiếp tục là năm thành công về mặt doanh số khi ông lớn mảng phân phối xe mang về xấp xỉ 21 ngàn tỷ đồng doanh thu, gấp 3 lần con số năm 2013. Dù vậy, kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp chi nhiều hơn cho khuyến mãi khiến lãi ròng giảm sâu, chỉ còn 29 tỷ đồng, bằng 10% năm 2022, thậm chí còn thấp hơn năm 2013, khiến biên lãi ròng mảng phân phối ô tô vốn đã “eo hẹp” nay còn tệ hơn.
Kết quả này đưa doanh thu HUT gấp 10 lần sau hợp nhất, đạt gần 11 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ hoàn thành được một nửa kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Lãnh đạo HUT từng kỳ vọng việc sáp nhập sẽ mang về 600 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2023, trong đó Tasco Auto đóng góp 85%. Thực tế năm 2023 cho thấy, ngành ô tô tiếp tục lao đao, HUT chỉ thu vỏn vẹn 53 tỷ đồng, chưa được 10% kế hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận