Soi kế hoạch tái cơ cấu Vietnam Airlines
Vietnam Airlines sẽ bước vào đợt tái cơ cấu tổng thể lớn và toàn diện nhất kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2014.
Mệnh lệnh sống còn
Mặc dù định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) thông qua vào đầu tuần này, nhưng chi tiết về nội dung, lộ trình tái cơ cấu hãng hàng không quốc gia vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, áp lực tái cơ cấu tổng thể trong 4 năm tới có thể coi là mệnh lệnh sống còn để Vietnam Airlines có thể tiếp tục trụ vững trước khi tiến tới phục hồi, phát triển bền vững sau những tác động bất lợi rất lớn của Covid-19.
Trong vai trò là cổ đông chi phối, ngay sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt gói giải pháp tài chính hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khó khăn của đại dịch, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo Hãng khẩn trương xây dựng Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn, bao gồm chiến lược phát triển, cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, các giải pháp phù hợp để thích nghi với tình hình mới, đặc biệt là trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Vietnam Airlines đang đặt mục tiêu giảm chi phí thuê tàu giai đoạn 2021-2025 là 5.250 tỷ đồng. Với các tàu bay chưa nhận, Hãng tiếp tục đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); hủy một số hợp đồng các tàu bay chưa nhận. Dự kiến, số giảm do không nhận tàu vào khoảng 3.000 tỷ đồng, giảm trách nhiệm pháp lý trả nợ (Liability) do hủy nhận tàu khoảng 12.550 tỷ đồng.
Bản thân Vietnam Airlines cũng đang có nhu cầu phải triển khai gấp quá trình tái cơ cấu tổng thể, tạo ra bước đột phá về chiến lược để nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi, trong đó mục tiêu hàng đầu là đảm bảo vốn chủ sở hữu không bị âm để tránh các hệ lụy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Chúng tôi kỳ vọng những nội dung này không chỉ là sự thay đổi của Vietnam Airlines để duy trì sản xuất - kinh doanh, ứng phó, vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19”, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Cần phải nói thêm, tác động của đại dịch đã khiến hoạt động khai thác của các doanh nghiệp hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, bị ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm đột ngột, thậm chí có giai đoạn không có nguồn thu, trong khi chi phí cố định lớn, nên phát sinh lỗ lớn.
Uớc tính, lỗ lũy kế hợp nhất và của Công ty mẹ Vietnam Airlines tại thời điểm cuối năm 2021 có thể lên tới 24.552 tỷ đồng và 21.403 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines bị giảm sút mạnh, dòng tiền thâm hụt nặng, nợ quá hạn tăng cao (dư nợ vay ngắn hạn và nợ phải trả quá hạn cuối năm 2021 dự kiến là 4.402 tỷ đồng và 12.091 tỷ đồng).
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, gói hỗ trợ của Chính phủ hiện đã được Vietnam Airlines giải ngân khoảng 60% giá trị thực sự là nguồn lực quý, giúp Hãng tạm thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản dòng tiền. “Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này mới chỉ bù đắp tình trạng mất cân đối về thu chi trong năm 2020, trong khi tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm 2021 rất khó khăn”, ông Hiền cho biết.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong năm 2022 vẫn sẽ rất yếu. Trong kịch bản lạc quan nhất, Vietnam Airlines cũng chỉ dự báo thị trường hàng không nội địa năm 2022 bằng 70% năm 2019 và thị trường hàng không quốc tế bằng 25% so với năm 2019.
Với lực cầu rất thấp như trên, Vietnam Airlines sẽ dư thừa ít nhất 60 tàu bay trong năm 2022 trong khi vẫn phải trả lãi gốc, lãi vay đầu tư mua sắm hoặc trả chi phí thuê tàu bay. Điều đáng nói là, dư thừa tàu bay thậm chí có thể kéo dài đến năm 2023, gây thua lỗ lớn, làm thâm hụt và suy giảm dòng tiền một cách nghiêm trọng, nếu Vietnam Airlines không có giải pháp thích ứng phù hợp.
Những giải pháp “cắt da, cắt thịt”
Ông Hòa cho biết, phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như: tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu... Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp mang tính “cắt da, cắt thịt” và không dễ triển khai trong tình hình thị trường hàng không trong nước và thế giới suy thoái sâu.
Cụ thể, Vietnam Airlines đang thực hiện 65 hợp đồng thuê tàu bay/107 tàu đang khai thác với 12 đối tác cho thuê tàu bay, trong đó có 9 hợp đồng thuê tàu bay mới chưa nhận (các tàu bay này có lịch nhận theo hợp đồng vào năm 2020).
Trong cơ cấu chi phí của Vietnam Airlines, chi phí thuê tàu bay là nhóm chi phí cố định có tỷ trọng lớn, chiếm đến 14-16% tổng chi phí (giai đoạn trước Covid-19) và lên tới 31-32% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid-19). Nếu tính toàn bộ chi phí tàu bay, thì tổng chi phí tàu bay (gồm tàu thuê và tàu sở hữu) chiếm khoảng 20-22% (giai đoạn trước Covid-19) và tăng lên 37 - 42% giai đoạn 2020-2021 (giai đoạn Covid-19).
Do vậy, kết quả đàm phán tái cơ cấu chi phí đội tàu bay với các bên cho thuê tàu bay đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp Vietnam Airlines giảm lỗ đáng kể trong giai đoạn Covid-19, mà còn nhằm cấu trúc lại chi phí trong thời kỳ hậu Covid-19.
Vietnam Airlines thừa nhận, việc đàm phán với các bên cho thuê tàu bay là quá trình rất khó khăn, do Hãng không có thế mạnh trong đàm phán vì đối tác đều cho rằng, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia với cổ phần chi phối của Nhà nước, nên khó có khả năng phá sản. Mặc dù hầu hết các bên cho thuê tàu bay khẳng định chia sẻ, hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng phần lớn chỉ chào hỗ trợ trong giai đoạn ngắn hạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ yếu cho giãn, hoãn thanh toán tiền thuê trong 3 - 6 tháng.
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa trong phương án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines là Hãng sẽ tiến hành cơ cấu lại đội tàu bay sở hữu để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, vừa có thêm dòng tiền và thu nhập. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 29 tàu bay, trong đó 23 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72.
Do hoạt động vận tải hàng không còn đang khủng hoảng, thị trường vẫn phải đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay, nên việc thanh lý tàu bay cũng có những rủi ro nhất định về tính khả thi và giá bán, đặc biệt là đối với kế hoạch thanh lý 6 tàu bay ATR72. Trên thế giới hiện có hơn 1.900 tàu trong tổng số hơn 4.600 tàu ATR72 không khai thác, trong số này, khoảng 950 tàu là tàu dư thừa, không có nhà khai thác.
Tiếp tục tăng vốn điều lệ
Một trong những thông tin được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong kế hoạch tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines là việc Hãng sẽ thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu thông qua việc tiếp tục triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong bối cảnh nguồn lực tài chính bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, giải pháp kêu gọi bổ sung tiền khẩn cấp từ các cổ đông để có ngay dòng tiền kịp thời ứng phó với tình huống khủng hoảng được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. Đây là phương án đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo, đặc biệt khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài, vừa giúp cải thiện quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, vừa đảm bảo các chỉ số tài chính không bị mất cân đối.
Ngoài ra, đây là nguồn vốn dài hạn, không có chi phí vốn trực tiếp, nhờ đó giúp Hãng giảm chi phí, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh để từng bước xóa lỗ lũy kế theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 135/NQ2020/QH14 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài đợt tăng vốn vào năm 2021 (phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô phát hành là 8.000 tỷ đồng), Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo các hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ bổ sung dòng tiền thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh kéo dài, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm, nhằm sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, Hãng sẽ cân nhắc việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là một kênh huy động quan trọng, mở ra kênh huy động vốn mới bên cạnh kênh huy động truyền thống từ các tổ chức tín dụng mà từ trước tới nay Vietnam Airlines vẫn đang thực hiện.
Liên quan đến phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư, Vietnam Airlines sẽ tính toán phương án chuyển nhượng vốn một số công ty con để có nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay tái cơ cấu được hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2024, Hãng sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không, gồm dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng -MASCO, dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài - NASCO, xuất nhập khẩu hàng không - AIRIMEX, dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn - SPT, cung ứng, xuất nhập khẩu lao động hàng không - ALSIMEXCO, nhựa cao cấp hàng không - APLACO.
Vietnam Airlines có thể triển khai phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn tại 3 doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không, trong đó có Công ty Xăng dầu hàng không (SKYPEC) để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho Công ty mẹ.
Hãng cũng cân nhắc triển khai cổ phần hóa tại 3 công ty TNHH một thành viên khác vốn đang được xem là con gà đẻ trứng vàng, trong đó có Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, với hình thức là bán bớt phần vốn của Vietnam Airlines tại 3 công ty. Tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa tại các doanh nghiệp này là 51%.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới. Đây là thời điểm tốt để tiến hành chuyển nhượng, đặc biệt là thực hiện chuyển nhượng vốn tại các công ty có tính độc quyền cao như SKYPEC”, một chuyên gia cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận