menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Rủi ro và cơ hội đan xen trên thị trường chứng khoán

Sau hai tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán tuần qua (từ 13 – 17/2) đã có sự hồi phục trở lại, nhưng với mức tăng nhẹ và thanh khoản cũng vẫn dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy vẫn còn sự thận trọng của dòng tiền.

Dù còn rất nhiều rủi ro khi kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được nâng đỡ từ các thông tin tích cực trong nước đến từ các chính sách và định hướng của Chính phủ.

Đón nhận một số thông tin hỗ trợ

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, trong tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay. Cùng đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang được xem xét thông qua.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần.

Mặc dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp.

Theo đó, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 12,2% so với tuần giao dịch trước đó xuống 43.161 tỷ đồng. Trong khi giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,9% lên 4.851 tỷ đồng. Như vậy, tính chung bình mỗi phiên giao dịch chỉ đạt 9.603 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) Phạm Bình Phương đánh giá khả năng thanh khoản đã tạo đáy, tạo cơ hội cân bằng cho thị trường.

Về mặt điểm số, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,01 điểm lên 1.059,31 điểm, HNX-Index tăng 1,45 điểm lên 209,95 điểm.

Nhóm ngân hàng có vai trò lớn nhất giúp VN-Index hồi phục trong tuần. Cụ thể, BID, TCB là 2 vị trí đầu tiên trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng chỉ số với mức tác động lần lượt 3,6 điểm và 0,7 điểm lên chỉ số VN-Index, ngoài ra CTG, ACB, STB và VIB cũng có mặt trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số VN-Index. KBC là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong top 10 với mức tăng 7,9%, nhưng mức tác động chỉ 0,3 điểm lên VN-Index.

Ở chiều giảm điểm, nhóm bất động sản, dẫn đầu là VHM tác động lớn nhất đến điểm số giảm của VN-Index.

Sau nhiều tuần mua ròng, khối ngoại đã chuyển sang bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị khoảng 410 tỷ đồng. STB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 317 tỷ đồng, cổ phiếu này cũng vướng vấn để về tranh cãi room ngoại và sau đó bị khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần. Chiều mua ròng tỏ ra khá khiêm tốn khi PVD dẫn đầu với giá trị chỉ 86 tỷ đồng.

Về các thông tin vĩ mô thế giới và trong nước có tác động đến thị trường chứng khoán, Công ty Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, thị trường lao động Mỹ cho thấy số liệu lạc quan hơn kỳ vọng, số liệu thất nghiệp ở mức 3,4% thấp nhất trong vòng 53 năm trở lại đây.

Cùng đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 của nước này tăng 0,5% cao hơn mức tăng 0,1% so với tháng trước. Tất cả các số liệu trên làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất một cách kiên quyết trong các kỳ họp tới đây.

Trong nước, nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm lớn tới Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” với kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt.

Nhận định về vĩ mô trong ngắn hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, những tín hiệu giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại là tích cực, tuy nhiên kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine có xu hướng leo thang, khiến giá năng lượng và nhiều mặt hàng nguyên liệu cơ bản tiếp tục biến động khó lường. Theo đó, nguy cơ lạm phát, lãi suất tiếp tục tăng vẫn là rủi ro lớn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã có tuần hồi phục nhẹ sau nhịp điều chỉnh 2 tuần liên tiếp trong bối cảnh thanh khoản thấp và khối ngoại quay đầu bán ròng. Dù vậy, điểm tích cực là độ rộng thị trường ghi nhận sự hồi phục trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu; trong đó, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu đầu tư công, dầu khí, sản xuất điện….

Bên cạnh đó, việc thanh khoản tuần này dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng cũng cho thấy áp lực bán không còn mạnh, nhà đầu tư bắt đáy có lãi cũng không vội bán ngay. Hiện tại, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ để hồi phục mạnh, dòng tiền chủ yếu vận động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Với thanh khoản ở mức thấp, khả năng chỉ số VN-Index vẫn duy trì trạng thái dao động trong vùng 1.040 – 1.075 điểm ở tuần sau.

Triển vọng tăng lãi suất “dai dẳng” phủ bóng chứng khoán thế giới

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam có sự hồi phục nhẹ thì tại thị trường chứng khoán Mỹ, tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,3%; S&P 500 giảm 0,1% còn Nasdaq tăng 0,6% so với tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 6%, trong khi Nasdaq đã phục hồi khoảng 13% sau khi giảm sâu trong năm 2022. Tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn nhờ kỳ vọng vào kịch bản nền kinh tế có thể "hạ cánh mềm" sau khi các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, lo ngại đang nổi lên rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong vài tháng tới.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại St Louis, ông James Bullard đã cảnh báo về những đợt tăng lãi suất tiếp theo. Ông nhận định, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài chống lại lạm phát và có lẽ Fed sẽ cần tiếp tục thể hiện quyết tâm chống lạm phát khi bước sang năm 2023. Ông cũng không loại trừ khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng Ba.

Trước đó, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland cho rằng lãi suất cần phải tăng mạnh hơn và duy trì trong một thời gian.

Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn trong tiến trình kiểm soát lạm phát. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin khẳng định ngân hàng trung ương vẫn cần tăng lãi suất, nhưng có thể giữ nguyên mức tăng 25 điểm cơ bản.

Ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America dự báo Fed sẽ đưa ra thêm ba lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Thị trường kỳ vọng, ít nhất Fed sẽ tăng lãi suất hai lần nữa và lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 5,3% vào tháng 7/2023.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 17/2 trước triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Kết thúc phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,7% xuống 27.513,13 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,3% xuống 20.719,81 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,8% xuống 3.224,02 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Mumbai, Bangkok, Jakarta, Wellington, Đài Bắc và Manila cũng đều giảm điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại