Nhiều ngân hàng chi hàng nghìn tỷ chia cổ tức
Động lực từ chính sách chia cổ tức đang định hình xu hướng tăng trưởng ổn định, thu hút dòng tiền và củng cố niềm tin đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) tiếp tục gây ấn tượng với giới đầu tư khi duy trì mức chia cổ tức cao suốt 5 năm liên tiếp.
Ngày 12/12 tới, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 20 cổ phiếu mới). Tổng số cổ phiếu phát hành thêm đạt hơn 582,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị phát hành theo mệnh giá 5.825 tỷ đồng.
Trước đó HDBank đã chi trả cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% vào tháng 7/2024. Tính cả lần này, HDBank sẽ chia cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 30%. Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ vượt 34.900 tỷ đồng, củng cố vị thế thuộc Top dẫn đầu.
Chính sách cổ tức 10% tiền mặt và 20% cổ phiếu của HDBank được giới đầu tư đánh giá là hài hòa, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của cổ đông ưa chuộng dòng tiền vừa chiều lòng nhà đầu tư dài hạn trông đợi cơ hội tăng trưởng.
Sau thời gian vắng bóng, các ngân hàng quốc doanh cũng đã lên kế hoạch chia cổ tức, tạo nên sức hút mạnh mẽ trên thị trường.
Chiều 30/11, Quốc hội khóa XV đã đồng ý bổ sung hơn 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước vào Vietcombank (VCB) từ nguồn cổ tức bằng cổ phiếu (lấy từ lợi nhuận lũy kế đến hết năm 2018 và năm 2021). Dự kiến, ngân hàng sẽ sớm phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 49,5%, nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng, cao nhất hệ thống.
Ngoài ra, BIDV (BID) dự kiến chia cổ tức 21% vào đầu năm 2025 sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt. Trong năm 2024, BIDV chưa chia cổ tức; lần gần nhất là tháng 12/2023.
Tại VietinBank (CTG), theo Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình, ngân hàng đã được NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận giữ lại lợi nhuận 2022 (11.678 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21%. Lần chia cổ tức gần nhất của VietinBank là tháng 12/2023, nâng vốn lên 53.700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường