Ngành Tiêu dùng - Bán lẻ năm 2025: “Cơ hội hay Thách thức”
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2024 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt hơn 5.8 triệu tỷ, tăng 8.8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bán lẻ tiếp tục duy trì tỷ trọng cao khi chiếm 60-70%. Thương mại điện tử cũng phát triển mạnh mẽ với doanh thu tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trên tổng mức bán lẻ, nhờ đóng góp tích cực từ sự phục hồi ấn tượng của nhóm các công ty liên quan đến mảng ICT, bao gồm: MWG DGW FRT PET...
Một số yếu tố tác động tích cực đến thị trường bán lẻ và tiêu dùng trong thời gian qua có thể kể đến như: (1) Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, (2) Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 15.8 triệu lượt người, tăng 41% so với thời điểm năm 2023 (Cập nhật số liệu mới nhất: hết năm 2024 tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17.6 triệu lượt người), (3) Khách du lịch nội địa tăng 6.3% đạt 19.6 triệu lượt người, theo đó góp phần lan tỏa tích cực đến kết quả hoạt động của một số ngành kinh tế có tác động trực tiếp đến tiêu dùng Việt Nam.
Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2024 là các doanh nghiệp đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có hơn 79% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh. Và các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22.6% so với cùng kỳ năm 2023). Cùng với đó là tăng cường liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp chuỗi logistic nhằm hướng tới mục tiêu bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại cũng được quan tâm, đặc biệt là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại và đảm bảo an toàn.
Bước qua năm 2025, ngành tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhờ tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.
+ Trong nước:
(1) Kinh tế tăng trưởng ổn định giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao (khoảng 6-7%), tạo cơ hội cho việc gia tăng thu nhập và chi tiêu của người dân; Cùng với đó là quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng mạnh mẽ cũng góp phần tăng cường tiêu dùng tại các thành phố lớn cũng như khu vực nông thôn.
(2) Cơ cấu doanh số trẻ: với hơn 60% là dân số trong độ tuổi lao động và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ tiện ích sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, lối sống hiện đại hóa và sự gia tăng nhận thức về sức khỏe, tiện nghi cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong các lĩnh vực như thực phẩm hữu cơ, sản phẩm công nghệ, và giải trí.
(3) Đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ: các Tập đoàn bán lẻ quốc tế như AEON, Central Group và Lotte đang đầu tư mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, giúp mang lại nhiều lựa chọn và tiêu chuẩn mới cho người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp nội địa như WinMart, Thế Giới Di Động cũng không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng hệ thống.
(4) Sự bùng nổ của thương mại điện tử: thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt giá trị hàng tỷ USD vào năm 2025, nhờ sự mở rộng của các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, và Tiki, cùng với sự tham gia của các thương hiệu quốc tế. Cùng với đó, xu hướng mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục chiếm ưu thế, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng thanh toán và logistic được cải thiện.
(5) Sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại: Các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và trung tâm thương mại tiếp tục mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh chóng và tiện lợi. Sự kết hợp giữa trải nghiệm truyền thống và công nghệ số sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong tương lai.
(6) Xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững: Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, bao bì tái chế và các thương hiệu có trách nhiệm xã hội. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tập trung vào phát triển sản phẩm bền vững và xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị cộng đồng.
Song song đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính Phủ nhằm đẩy mạnh và tối ưu hóa ngành tiêu dùng trong nước, như: Chính sách kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chính sách khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; Chính sách khuyến khích tiêu dùng bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp,... Đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% tiếp tục được gia hạn đến tháng 6 năm 2025, cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đã có hiệu lực từ 1/7/2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp như hiện nay sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân.
+ Ngoài nước:
(1) Tình hình kinh tế toàn cầu: sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tác động đến nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu Việt Nam. Sự phục hồi của các thị trường lớn này sẽ giúp duy trì nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam.
(2) Động thái giảm lãi suất của FED sẽ hỗ trợ tích cực tâm lý tiêu dùng
(3) Donal Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngành tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
(4) Các gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tác động trong năm 2025, từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trở lại của người dân.
Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng Việt Nam có thể sẽ đối mặt với một số thách thức trong năm 2025 như: (1) Cuộc chiến về áp thuế cao, tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (tránh giả mạo hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam) của chính quyền Donal Trump; (2) Áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa và quốc tế; (3) Biến động kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng; (4) Sự đòi hỏi cao về đổi mới công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng để đáp ứng sự mong đợi của khách hàng.
Kết luận: Với tiềm năng tăng trưởng lớn, ngành tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam vào năm 2025 hứa hẹn sẽ là điểm sáng. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư cần chú ý đến các yếu tố như sự đổi mới, thích nghi và tận dụng hiệu quả xu hướng thị trường
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường