Ngành thủy sản chờ đợi gì cho năm 2024?
Dù kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2023 của các doanh nghiệp thủy sản trên sàn (HOSE, HNX và UPCoM) kém tích cực, giá cổ phiếu vẫn tăng. Năm 2024, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Số liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng lãi ròng của 11 doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản trong quý 4/2023 (không tính BLF vì chưa công bố BCTC) đạt 196 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ở quý 3/2023, lãi ròng của 12 doanh nghiệp thủy sản trên sàn giảm 74% so với cùng kỳ.
Thuộc nhóm tôm, Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Camimex Group (CMX) có lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhất, lần lượt ghi nhận 82 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, tương ứng tăng 5% và 95% so với cùng kỳ. Dù vậy, lũy kế từ đầu năm 2023, lãi ròng của hai doanh nghiệp này đều đi lùi. FMC đạt 278 tỷ đồng (-11%), còn CMX đạt 51 tỷ đồng (-22%).
Ông lớn ngành tôm khác là Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng trong năm 2023, chủ yếu do lợi nhuận của quý 2 (11 tỷ đồng) và quý 4 (12 tỷ đồng) không đủ bù cho mức lỗ nặng của quý 1 (-97 tỷ đồng) và quý 3 (-23 tỷ đồng).
Nhóm doanh nghiệp cá tra phần lớn đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong quý cuối năm 2023. Gặp khó ở thị trường Mỹ, lãi ròng của Vĩnh Hoàn (VHC) chỉ đạt gần 48 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ. Cả năm 2023, con số này là 897 tỷ đồng, giảm 55% so với mức cao kỷ lục của năm trước.
Có kết quả kém nhất trong quý 4/2023, CTCP Nam Việt (ANV) lỗ ròng hơn 518 triệu đồng. Doanh thu thuần ở mức 1,111 tỷ đồng, giảm 3%. Trong đó, doanh thu thị trường nội địa tăng đến 80% (369 tỷ đồng) nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm 21% của hàng xuất khẩu (742 tỷ đồng). Tính từ đầu năm 2023, ANV lãi ròng 42 tỷ đồng, rơi 94% so với năm trước.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh đi lùi, phần lớn doanh nghiệp thủy sản đều không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Điểm sáng FMC cũng chỉ vượt 2% kế hoạch lợi nhuận sau khi con số kế hoạch này được điều chỉnh giảm 25% so với mức cũ. Duy nhất có ABT là doanh nghiệp hiếm hoi vượt 17% kế hoạch năm.
Tình hình thực hiện kế hoạch các doanh nghiệp thủy sản năm 2023
Đvt: Tỷ đồng
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, một số doanh nghiệp thủy sản khác thua lỗ hàng chục quý liên tiếp. Điển hình là Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD) lỗ ròng 27 tỷ đồng trong quý 4/2023, đánh dấu 28 quý liên tiếp kinh doanh thu lỗ. Năm 2023, doanh nghiệp này lỗ ròng 142 tỷ đồng.
Năm 2023, giá cổ phiếu các doanh nghiệp thủy sản nhìn chung đều tăng. Chỉ số ngành chế biến thủy sản VS-Seafood tăng 15%, cao hơn so với mức tăng trung bình 12% của VN-Index. Trong đó, FMC (+47%) và ANV (+43%) là 2 cổ phiếu có mức tăng giá vượt trội nhất; còn cổ phiếu có mức tăng giá thấp nhất là MPC (+1%).
Bước sang năm 2024, phong độ của nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn được duy trì. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2, chỉ số VS-Seafood tăng 3%, bám sát mức tăng 6% của VN-Index. Trong đó, một số cổ phiếu như CMX (-1%) hay MPC (-2%) có dấu hiệu hụt hơi ngay từ đầu năm.
Chờ đợi gì trong năm 2024?
Dự báo cho năm 2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản sẽ có sự hồi phục và tình hình sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt từ 9.5 - 10 tỷ USD, tức tăng từ 6 - 11% so với năm trước.
Tuy cùng quan điểm ngành thủy sản sẽ có sự hồi phục trong năm 2024, đội ngũ phân tích của SSI Research cho rằng, tốc độ hồi phục sẽ chậm. Các chuyên viên chỉ ra tốc độ giảm của xuất khẩu thủy sản đã giảm dần kể từ quý 2/2023, tuy nhiên không ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể và giá bán trung bình so với năm trước vẫn đang suy giảm.
“Kết quả sơ bộ về đợt rà soát cho thuế chống bán phá giá đem lại nhiều triển vọng cho ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam ở năm 2024, khi mức thuế suất giảm 94% so với năm ngoái, giúp sản phẩm cá tra của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ” - các chuyên viên của VCBS nhận định trong báo cáo ngành thủy sản được phát hành gần đây.
Năm qua, nhiều doanh nghiệp cá tra trên sàn cũng có câu chuyện riêng, tăng đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy. Báo cáo của VCBS chỉ ra, ANV đang có kế hoạch tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 của mảng C&G để nâng công suất mỗi năm lên 1,200 và 2,400 tấn; và mảng này đã có doanh thu ở cuối quý 4/2023.
VHC cũng đã mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy C&G trong năm qua, dự kiến công suất mảng này sẽ tăng 50% sau khi hoàn thành, phục vụ chủ yếu cho thị trường châu Âu. Giữa tháng 12/2023, HĐQT của VHC cũng thông qua việc chi hơn 20.5 tỷ đồng cho 6 thửa đất ở tỉnh An Giang để mở rộng vùng nuôi.
Cũng theo báo cáo của VCBS, dự kiến nhà máy chế biến cá tra fillet số 3 của IDI sẽ hoàn thiện trong quý 3/2024, nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet thêm 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ngày. Bên cạnh đó, IDI cũng đã lên kế hoạch để nâng khả năng tự chủ từ 85% lên 90% thông qua việc nâng công suất nhà máy bột cá lên 600 tấn nguyên liệu/ngày, mở rộng vùng nuôi liên kết thêm 450ha để chuẩn bị nguồn nguyên liệu khi nhà máy số 3 hoàn thiện.
Giá bán tôm bình quân trong năm 2024 có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia với mức giá chiết khấu cao hơn.
Tuy nhiên, ngành tôm có thể sẽ phải đối diện với khó khăn mới. Trước đó, vào ngày 21/11/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Điều này gây lo ngại hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
“Vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm Việt từ nguyên đơn bên Mỹ sẽ là thách thức không nhỏ từ năm 2024” - trích nhận định của ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT FMC trong một bài đăng trên website Công ty vào đầu năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường