Ngân hàng thương mại dồn dập báo lãi khủng năm 2023
Sau nhóm Big 4 đồng loạt có lãi cao, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang dồn dập đua nhau báo lãi quý IV/2023 và cả năm 2023.
Tính đến cuối tuần này, ước đã có khoảng 20 ngân hàng công bố/ ước tính kết quả kinh doanh 2023, như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB, Sacombank, LPBank, MSB, TPBank, Eximbank, BacABank, PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, BVBank, NCB...
MB có đặc thù về cơ cấu cổ đông, nhưng không được xếp vào nhóm SOEs - Big 4, hiện đang vượt lên về lợi nhuận năm 2023 so với nhiều NH
Trong đó, ngoại trừ nhóm Big 4 đã công bố kết quả kinh doanh ước tính từ khá sớm tại các Hội nghị tổng kết năm, nhóm NHTM top đầu cũng đang ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng tích cực.
Dẫn đầu trong nhóm NHTMCP (tạm tính trên nhóm đã có công bố), MBBank (mã CK: MBB) đã ước tính kết quả đột phá tại hội nghị ngân hàng, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất (LNTTHN) đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái và hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Trong đó, ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22%. Như vậy, so với nhóm Big 4, MB hiện đang “chen chân” vị thứ trước cả VietinBank (mã KC: CTG, hơn 24.000 tỷ đồng), Agribank (25.300 - 25.400 tỷ đồng), chỉ đứng sau BIDV (mã CK: BID, 26.750 tỷ đồng) và Vietcombank (mã CK: VCB, 40.400 tỷ đồng). Lợi nhuận các công ty con, công ty liên kết của MB đạt mức 1.993 tỷ đồng, giảm 14%. MB có tín dụng chỉ tín riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng tới 28,8% so với đầu năm, huy động vốn tăng trưởng cao tương ứng (hơn 29%) nhưng CASA giảm, trong khi ngân hàng số tiếp tục tạo lợi thế cho ngân hàng tiếp tục tăng tốc tiếp cận khách hàng. Đây cũng là kết quả rất tích cực của MB khi trước đó, các khoản vay liên quan đến Novaland tại MB là tâm điểm chú ý của thị trường.
>>> "Dấu ấn" trái phiếu và thị trường bất động sản tác động lên lợi nhuận ngân hàng
Techcombank (mã CK: TCB), bám sát MB, cũng đã có công bố KQKD quý IV/2023 với LNTT đạt 5,8 nghìn tỷ – tăng 21,6% n/n. Tính chung cả năm 2023, LNTT đạt 22,9 nghìn tỷ, vượt kế hoạch 22 nghìn tỷ đồng LNTT trình cổ đông hồi tháng 4. Trong thông tin phát hành chính thức, 2 thông điệp đáng chú từ ông Jens Lottner – CEO Techcombank, là: Thứ nhất, Techcombank tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2023, hoàn thành hoặc vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Thứ hai, từ kết quả khả quan và nội tại, cho phép ngân hàng lên kế hoạch chiến lược cổ tức tiền mặt lâu dài cho cổ đông.
Techcombank trong nhiều năm liên tục đã không chia cổ tức cho cổ đông do đó đây là tin đáng kỳ vọng của những nhà đầu tư nắm TCB cũng như canh thời gian để in timing (vào giao dịch) cổ phiếu TCB trong nhịp sóng tăng chung của ngành bank hiện tại.
ACB (mã CK: ACB) cũng đã có một năm hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở ĐHĐCĐ, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20 nghìn tỷ. Thông cáo của ACB cũng tiếp tục nhấn mạnh thông điệp là ngân hàng “ tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành”.
Điểm sáng trong KQKD của ACB là tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Điều đó cho thấy rằng thu các mảng ngoài cho vay của ACB đang được đẩy mạnh tích cực và có hiệu quả cao, nó cũng sẽ là lợi thế trong bối cảnh chung của hệ thống với nhiều nhà băng vẫn đang quá phụ thuộc kinh doanh vào thu nhập cho vay, trong khi hấp thụ vốn khó khăn hơn.
Với VIB (mã CK: VIB), ngân hàng này đã có chặng tăng trưởng tín dụng đầu năm chậm hơn so với kỳ vọng, nhưng kết thúc 2023, lợi nhuận của VIB đã vào top Câu lạc bộ ngân hàng từ 10.000 tỷ đồng. Cụ thể tại cuối năm, VIB ghi nhận đạt tổng doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2022, trong đó thu nhập từ lãi đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm 22% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, bảo hiểm, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.
VIB được biết là một trong những ngân hàng đang “dẫn đầu xu thế thẻ”, ngoài ra, rất mạnh về thị phần banca với hợp tác phân phối bảo cùng Prudential. Đợt khủng hoảng niềm tin vào bảo hiểm - bancassurance khiến cả bảo hiểm, ngân hàng đều phải tái cơ cấu mảng hoạt động này trong 2023 nhưng không tác động lớn đến thu nhập ngoài lãi của VIB, cho thấy có khả năng những tác động bắt đầu từ Luật các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực với quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm vay, sẽ không ảnh hưởng lớn đến nhà băng này.
Gần mấp mé cửa CLB lợi nhuận 10.000 tỷ, Sacombank (STB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm trước và đạt 100% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Năm 2023, Sacombank tiếp tục là một trong những ngân hàng tâm điểm thu hút sự chú ý khi có khoản cho vay và có tham gia tái cơ cấu Bamboo Airways. Cùng với đó, cổ phiếu Sacombank cũng được đánh giá là có câu chuyện riêng từ thực thi xử lý nợ xấu, tiệm cận hoàn tất đề án tái cơ cấu và thực tế đã được tạo ra không nhịp sóng cho nhà đầu tư lớn, nhỏ. Trọng tâm kết quả của Sacombank công tác thu hồi và xử lý nợ được quyết liệt thực hiện, ước gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ; trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, vì vậy, tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo ra câu chuyện kế tiếp trong năm nay.
Với LPBank (LPB), đây cũng là ngân hàng thu hút được sự chú ý khi có sự kết hợp, liên minh cùng Thaiholdings, mặt khác, là có khoản cho vay địa ốc với Tập đoàn Hưng Thịnh. Theo báo cáo quý IV/2023, LPBank đạt 2.627,9 tỷ đồng, tăng 293,5% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, chỉ sau Saigonbank (xét mức nền rất thấp nhóm NH từ dưới lên). Tính đến 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (1,45%) và thấp hơn nhiều so với quý III/2023. Tỷ lệ này đưa LPBank lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 5.572,2 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của quý IV và cả năm lần lượt ở mức 3.352,6 tỷ đồng và 7.039,4 tỷ đồng - đều là mức lãi cao nhất trong lịch sử của ngân hàng. LPBank giải trình kết quả đột biến trong quý IV/2023 đến từ việc đẩy mạnh cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đồng thời, dịch vụ ngoại hối cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng vọt, cũng như LPBank triển khai nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thu nhập dịch vụ.
Theo công bố, về cơ cấu nợ xấu, tính đến cuối năm 2023, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của LPBank ở mức 812,7 tỷ đồng, giảm 24%. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 69,9% lên 1.706 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 1.169 tỷ đồng, giảm 13,5% so với thời điểm cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu qua đó giảm từ 1,45% xuống 1,33%. Tuy nhiên, đáng chú ý, ở khoản mục tài sản có khác của LPBank ghi nhận mức hơn 8.656 tỷ đồng, tăng hơn 1.660 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, các khoản lãi, phí phải thu ở mức hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 888 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 21,5% so với đầu năm. Theo đó, khoản lãi dự thu được ghi vào KQKD với tỷ lệ này quá lớn, cũng tiềm ẩn dấu hiệu cảnh báo có rủi ro về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng. Về mặt lý thuyết chung, các chuyên gia cho rằng đây cũng có thể là giải pháp kỹ thuật để “né” nợ xấu, đẩy nợ xấu tiềm ẩn về tương lai.
Ở nhóm ngân hàng top sau như TPBank, Eximbank, BacABank, PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, BVBank, NCB…, rất đáng chú ý với các trường hợp như Eximbank (EIB) vừa có Nghị quyết HĐQT về kế hoạch 2024 với chỉ tiếu tăng trưởng cao từ nền thấp của 2023. Năm 2023, Eximbank ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 2.720 tỷ đồng, giảm gần 27% so với thực hiện năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản Eximbank ở mức 201.399 tỷ đồng (tăng 8,8% so với hồi đầu năm); huy động vốn đạt mức 158.329 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 140.524 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vọt lên mức 2,7%.
Eximbank năm qua có nhiều xáo trộn về HĐQT và Ban lãnh đạo với Quyền Tổng Giám đốc. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với ước tính kết quả thực hiện được trong năm 2023; các chỉ tiếu khác như tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 được kỳ vọng tăng thêm 11% (dự kiến đạt 223.500 tỷ đồng); huy động vốn tăng 10,5% (dự kiến 175.000 tỷ đồng); dư nợ tín dụng tăng 14,6% (161.000 tỷ đồng), hạ tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng về 1,8%... cho thấy quyết tâm và tham vọng của dàn lãnh đạo ngân hàng trong năm nay.
NCB ghi dấu ấn về nỗ lực chuyển đổi số và đang hứa hẹn một hướng chuyển mình về sản phẩm dịch vụ riêng, tuy nhiên NH này vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm trong lộ trình tái cơ cấu
Trong khi đó, Ngân hàng Quốc Dân (NCB), một trong những ngân hàng đang thực thi tái cơ cấu cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023. Trong đó, tăng trưởng khách hàng, huy động vốn và tăng trưởng ngoại hối tiếp tục đạt kết quả vượt trội. Cụ thể, giữa bối cảnh lãi suất được điều chỉnh giảm trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tổng tiền gửi khách hàng tại NCB tại 31/12/2023 vẫn đạt hơn 76.850 tỷ đồng, tăng gần 1.490 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III và tăng 5.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 7,7% so với thời điểm 31/12/2022.
NCB cho biết nhờ nắm bắt nhanh nhạy cơ hội thị trường và không ngừng đổi mới sản phẩm dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và phát hành giấy tờ có giá của NCB tăng trưởng mạnh. Tính đến 31/12/2023, hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng khi đạt doanh thu luỹ kế năm 2023 gần 202,5 tỷ đồng, tăng gần 142% so với năm 2022. Phát hành giấy tờ có giá tại NCB tăng trưởng 59% so với cuối năm 2022, đạt giá trị gần 3.167 tỷ đồng. Huy động từ tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá không chỉ mang đến nguồn thu tích cực cho ngân hàng mà còn cho thấy lòng tin của các khách hàng vào NCB ngày càng gia tăng. Đặc biệt, tổng tài sản của NCB cuối 2023 đạt gần 96.249 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối 2022 và vượt kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức tháng 4/2023.
Lũy kế năm 2023, tổng thu nhập hoạt động thuần hợp nhất đạt hơn 719 tỷ đồng. Các chỉ số an toàn hoạt động của NCB tiếp tục duy trì và đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 13,79%, cho thấy ngân hàng đang duy trì một “bộ đệm thanh khoản” có khả năng chống chịu tốt trước những biến động trên thị trường.
NCB cũng cho biết hiện đang tiếp tục đầu tư công nghệ và đã hợp tác với nhiều đối tác hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và bắt tay với đơn vị tư vấn chiến lược uy tín hàng đầu thế giới để xây dựng chiến lược mới mang tính bước ngoặt cho NCB giai đoạn 2023-2028, hứa hẹn một “diện mạo” mới và hướng đi của NH đang được kỳ vọng tạo ra lợi thế và câu chuyện riêng trên thị trường cạnh tranh về tín dụng và sản phẩm dịch vụ chung…
Theo đánh giá của chuyên gia Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích MSVN, trong quý IV/2023 vừa qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, góp phần giữ KQKD tích cực ở cả năm 2023.
Dự kiến và ước tính trong cả năm 2023, mức tăng trưởng của các ngân hàng vẫn sẽ duy trì ở mức +5% so với cùng kỳ năm trước (nền tăng trưởng rất cao ở 2022), củng cố mức ROE tốt của nhóm ngân hàng (bình quân hơn 17%), và đây là mức tăng trưởng lợi nhuận hợp lý, ông Thành cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận