Ngân hàng "thừa tiền" nhưng không đẩy được ra ngoài, liệu có phải Nhà nước đang kìm hãm sự phát triển của ngân hàng?
Ngân hàng "thừa tiền" do "cạn" room tín dụng...
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5/2022 đạt 7.75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, việc các NHTM đều đã hết room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (LSLNH) có diễn biến giảm mạnh, LSLNH kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.
Mặt khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40 nghìn tỷ (tương đương số vốn 2 triệu tỷ lãi suất thấp) đã chính thức được thông qua trong tháng 5 vừa qua và đã được NHNN bắt đầu triển khai thực hiện với các NHTM. Trong nửa sau của năm, khi NHNN thực hiện nới room tín dụng cho các NHTM, gói cấp bù lãi suất này sẽ là động lực giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ngân hàng "cạn" room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước biết nhưng...
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cũng đã chỉ ra rằng, nền kinh tế bước đầu phục hồi, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, là nguyên nhân kéo tín dụng tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm nay.
Điều đáng nói, việc tín dụng tăng cao, giới hạn tín dụng sắp hết nên cần nới room tín dụng vì nếu không sẽ khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, với áp lực lạm phát trên thế giới tăng cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới tăng trưởng tín dụng vì điều này có thể sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nước – theo ông Hùng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý thêm, mục tiêu của NHNN là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát. Do đó, dù biết rất rõ tình hình các tổ chức tín dụng gặp khó về room tín dụng nhưng lãnh đạo NHNN phải cân nhắc rất cẩn trọng, để có giải pháp phù hợp nhất.
Theo đó, NHNN sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy việc nới room chắc chắn không đều. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn.
Chẳng hạn, Thông tư 22 quy định bên cạnh việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022, do đó ngân hàng nào không đạt yêu cầu, sẽ khó có cơ hội được nới room – ông Hùng dẫn chứng.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, tại văn bản phát đi vào 26/5, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước thông báo.
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội phục vụ cho phiên chất vấn vào ngày 8 – 9/6 tới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc, tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.
=> “Tăng room tín dụng là việc không dễ dàng. Tăng nóng thì kiểm soát lạm phát khó, thắt tín dụng thì khó cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng phải giải quyết thỏa đáng giữa các mục tiêu này. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát hiện hữu, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng đòi hỏi phải tính toán rất nhiều”, theo ông Đào Minh Tú - phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước chia sẻ.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận