Ngân hàng năm 2024: Kỳ vọng điều kiện tốt hơn từ khả năng tăng vốn
Những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan.
Năm 2024, các ngân hàng chưa lên đầy đủ các kế hoạch hoạt động kinh doanh, bao gồm hoạt động tăng vốn. Kế hoạch này thông thường sẽ tuân thủ phê duyệt của ĐHĐCĐ từ năm trước để lại, được sự chấp thuận của NHNN hoặc là lên tờ trình chờ ĐHĐCĐ năm nay thông qua; từ đó, chính thức triển khai.
Tại thời điểm hiện nay, theo thống kê của SSI Research và có thể chưa cập nhật đầy đủ cho đến khi kết mùa ĐHĐCĐ 2024, nếu không tính đến kế hoạch chi trả cổ tức, thì một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay bao gồm:
Vietcombank (VCB) với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; BIDV (BID) với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; MBB cũng tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội. HDB có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế trị giá 500 triệu USD đã được phê duyệt trong năm 2022; Ngân hàng dự kiến thực hiện kế hoạch này năm 2024.
Các ngân hàng trong “rổ” nhóm ngành SSI Research theo dõi như CTG, ACB, STB, TCB, VPB, TPB, VIB, OCB, MSB theo CTCK này đều KHÔNG có kế hoạch tăng vốn (trừ chia cổ tức) trong năm 2024.
Tuy nhiên xin nhấn mạnh lại là thống kê chỉ dừng ở tháng 1/2024 và chưa cập nhật các kế hoạch có thể phát sinh tới đây.
Trong khi đó, nhìn lại diễn biến của 2023 và kỳ đầu năm, đã có một loạt ngân hàng “nhanh chân” tăng vốn. Cụ thể ngay từ những ngày đầu năm 2024, căn cứ trên cơ sở được NHNN có công văn về việc chấp thuận cho một số ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương án như phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…, một loạt NH đã công bố về việc tăng vốn điều lệ.
Ngay ngày 2/1, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho biết sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch phát hành diễn ra trong quý II/2024 ngay khi được UBCKNN chấp thuận.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), cũng được tăng vốn lên hơn 25.576 tỷ đồng trong đợt này, nhờ đó, cạnh tranh trong top những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn của hệ thống.
Với kế hoạch tăng vốn được chấp thuận, thêm hơn 308 tỷ đồng, dự kiến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) sẽ nâng vốn điều lệ lên 3.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ mới, SaigonBank vẫn nằm áp chót trong bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đợt này, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank, PGB) sau cả thập kỷ không được tăng vốn điều lệ, cũng đã được NHNN chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ. Thực hiện 2 phương án phát hành, dự kiến thành công sẽ đưa mức vốn điều lệ PG Bank vượt qua SaigonBank, đạt mốc 5.000 tỷ đồng.
Biểu đồ CAR của các ngân hàng cho thấy dù nhóm ngân hàng lớn niêm yết đều cao hơn tỷ lệ NHNN quy định, song các định chế vẫn nhận định các ngân hàng còn mỏng vốn, hệ số CAR thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó nhu cầu tăng vốn sẽ là tất yếu và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ thời gian tới
Nhìn lại trong năm 2023, một loạt các ngân hàng gồm HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacABank, VietABank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, KienLongBank, NamABank, NCB, VPBank cũng đã được NHNN chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, nhóm quốc doanh đã được NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước. Cụ thể BIDV bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Vietcombank và VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…
Những kế hoạch tăng vốn đã được chấp thuận và triển khai của các ngân hàng ở 2023 có thể xem là cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngoài kế hoạch chia cổ tức, không ít nhà băng “tạm dừng” tăng thêm vốn năm nay - như theo thống kê của SSI Research.
Tại tháng 1/2024, SSI Research định giá, với các ngân hàng mà nhóm phân tích nghiên cứu, có mức P/B 2024 là 1,1x và riêng nhóm ngân hàng TMCP là 0,92x. Trong khi đó, nếu giả định tỷ lệ LGD (tỷ trọng tổn thất ước tính theo mô hình Basel) đối với các khoản nợ có vấn đề là 50% và sau khi sử dụng nguồn dự phòng đã trích lập thì mức độ ảnh hưởng đối với vốn chủ sở hữu sẽ ở mức 11%. Do đó, các nhà phân tích cho rằng mức định giá hiện tại phần lớn đã phản ánh rủi ro tín dụng đến từ nợ quá hạn và khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02. Tuy nhiên, mức định giá này có thể chưa phản ánh hết các khoản vay tái cấp vốn cho chủ đầu tư bất động sản được giải ngân trong năm 2023 tại một số ngân hàng nhất định (được phân loại ở nợ Nhóm 1). Ngoài ra, khi xem xét đến diễn biến giá của các ngân hàng trong chu kỳ trước, định giá hầu như không thay đổi trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên sẽ được định giá lại trong vòng 6-12 tháng trước khi hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu. Trong quá trình này, những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác.
Song việc “tạm dừng” tăng vốn trong 2024 ở một số ngân hàng, nếu thực sự diễn ra, theo nhiều chuyên gia, cũng chỉ là ngắn hạn, bởi nhìn trên toàn diện hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số CAR thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một chuyên gia cho biết việc tăng vốn sẽ cho các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng.
Đáng chú ý trong 2024, các ngân hàng sẽ vừa phải đảm đương câu chuyện bù đắp bộ đệm dự phòng đã bị bào mỏng ở 2023, xử lý nợ xấu dồn tích trong 2024, đồng thời tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu tiết giảm chi phí và giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng, do đó yêu cầu về năng lực tài chính mạnh càng là áp lực lớn. Điều này có thể khiến các kế hoạch tăng vốn sẽ lại được xem xét, thúc đẩy sớm, song song với chia cổ tức, đặc biệt trong điều kiện nếu thị trường chứng khoán tích cực và cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phát huy giá trị "cổ phiếu vua" - tạo điều kiện cho các đợt phát hành.
Lưu ý một trong yếu tố sẽ khiến các nhà băng, đặc biệt nhóm ngân hàng thương mại sẽ phải xem xét và cân đối kỹ kế hoạch tăng vốn điều lệ, sau khi thực hiện cả kế hoạch chia cổ tức nếu có, đó là phải cân đối vốn mới phát hành đảm bảo tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn tổ chức, cá nhân và nhóm liên quan… tuân thủ ở mức quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). “Đây là một bài tính tổng thể nên các NHTM chắc chắn sẽ phải cần thời gian xem xét”, một chuyên gia nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận