Ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ, tài sản thế chấp
Nợ xấu của các ngân hàng phần lớn đều tăng trong quý I. Các ngân hàng liên tục hạ giá bán tài sản liên tục để xử lý nợ. Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo thống kê của Người Đồng Hành, trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu của 29 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tăng 10%, ở mức 116.3115 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng 15% lên 172.892 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng từ 142% lên 149%.
OCB (HoSE: OCB) là đơn vị ghi nhận tăng nợ xấu cao nhất, gần 70%, ở mức 2.293 tỷ đồng tại cuối quý I. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 79%, lên 583,6 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 2,4 lần, lên gần 700 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn là 1.011 tỷ đồng, tăng 38%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,32% hồi đầu năm lên 2,16%. Trong khi đó, kế hoạch năm nay đề ra, ngân hàng sẽ giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 83% giảm còn 61%.
Sau OCB, TPBank (HoSE: TPB) ghi nhận tăng trưởng nợ xấu hơn 48%, lên 1.714 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 25%, lên 637,9 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 80%, lên 629,3 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 50%, lên 447,1 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 0,81% lên 1,14%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 35,6% cuối năm 2021 xuống 20,75% tại cuối tháng 3.
Vietcombank (HoSE: VCB) và MB (HoSE: MB) là hai đơn vị tiếp theo ghi nhận mức tăng nợ xấu lần lượt 37% và 26%, ở mức 8.372 tỷ đồng và 4.129 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, 4 ngân hàng có nợ xấu giảm. Sacombank (HoSE: STB) công bố nợ xấu giảm 9%, xuống 5.299 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn giảm 43% còn 318,7 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn giảm gần 4% xuống còn 4.303 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,47% đầu năm xuống 1,28%.
Nợ xấu BacABank (HNX: BAB) giảm 0,2% ở mức 654 tỷ đồng, trong khi PGBank (UPCoM: PGB) và BaoVietBank giảm 7-8%.
Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tại cuối quý I. Đơn vị: tỷ đồng, %.
Xét về giá trị tuyệt đối, VPBank là đơn vị có lượng nợ xấu lớn nhất với 18.093 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước. Ngân hàng này sở hữu công ty tài chính tiêu dùng FE Credit với thị phần lớn nhất tại Việt Nam – đây cũng là lý do khiến lượng nợ xấu hợp nhất dẫn đầu ngành.
VietinBank có 15.231 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 12,2%, xuống 6.232 tỷ đồng, nợ nghi ngờ giảm 0,5%, xuống 1.993 tỷ đồng nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng 36%, lên 7.095 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,26% xuống 1,24% nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 190% lên 195%.
Một đại diện khác trong nhóm Big4, BIDV ghi nhận nợ xấu 13.730 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỷ trọng hơn 63% với hơn 8.683 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu quanh 0,97%.
Nhóm dưới có cách biệt nợ xấu so với top 3. Vietcombank báo nợ xấu 8.372 tỷ đồng, tăng 37% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 95% lên gần 1.459 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 75% lên 1.692 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 18,3% lên 5.220 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay nâng từ mức 0,64% đầu năm lên 0,81%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 424% về 373%.
Một số đơn vị khác như SHB, Sacombank, VIB, MB… có dư nợ xấu dao động 4.000-6.500 tỷ đồng.
Liên tục đấu giá, hạ giá bán nợ
Thời gian qua, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua đấu giá và bán tài sản thế chấp. Một số nhà băng liên tục hạ giá khoản nợ nhằm thanh lý dứt điểm, thu về nợ gốc nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Đơn cử, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ nợ của Nông trường Sông Hậu thành phố Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu). Tạm tính đến 30/3/2021, tổng dư nợ của Nông trường Sông Hậu là 348,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 96,8 tỷ và nợ lãi là hơn 252 tỷ đồng. Ngân hàng lưu ý tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 30/3/2021 đến khi Nông Trường Sông Hậu thanh toán hết nợ gốc tiền vay.
Từ cuối tháng 4/2022, Agribank đã nhiều lần đưa khoản nợ này ra đấu giá nhưng không thành công. Giá khởi điểm của khoản nợ hạ từ 348,8 tỷ đồng trong lần đầu tiên, xuống 228,9 tỷ trong các lần tiếp theo. Trong lần đấu giá này, mức khởi điểm giảm xuống 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp tài sản ký giữa Agribank chi nhánh TP Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu. Tài sản đảm bảo cũng gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Cần Thơ cấp ngày 24/3/1999 và quyết định số 710 về việc giao đất và cấp quyền sử dụng đất cho Nông Trường Sông Hậu.
VietinBank chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông báo lần thứ 5 về việc bán đấu giá khoản nợ thương mại của công ty TNHH Lợi Nguyên. Tính đến 27/3, toàn bộ số tiền gốc, lãi, lãi quá hạn là hơn 66 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc ngoại bảng gần 21 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 32 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn gốc là 13 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng đấu giá tài sản thế chấp của các khoản nợ. Ảnh minh họa.
Từ đầu tháng 5 tới nay, khoản nợ này nhiều lần được thông báo đấu giá nhưng bất thành, VietinBank liên tục phải hạ giá đấu giá để thu hút người mua. Ngân hàng chào bán khoản nợ trên lần đầu ngày 13/4 với giá 66 tỷ đồng, lần hai (ngày 11/5) giảm còn 59,4 tỷ đồng, lần thứ ba (ngày 18/5) là 53,5 tỷ đồng, lần thứ 4 (ngày 24/5) xuống 48,1 tỷ đồng. Trong lần thứ 5, giá khởi điểm rao bán VietinBank ở mức 43,3 tỷ đồng, thấp hơn 23 tỷ đồng so với giá ban đầu.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là loạt bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, quyền khai thác mỏ đá và một số máy móc, dây chuyền nghiền đá... Tài sản gồm hai quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm tại ấp Tân Lễ B, Châu Pha, huyện Tân Thành, rộng 2.528 m2 (thời hạn sử dụng đến năm 2055) và thửa đất 46.343 m2 (thời hạn sử dụng đến 2025). Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền khai thác mỏ đá Lợi Nguyên, hai dây chuyền máy nghiền đá Hàn Quốc công suất 350 tấn/giờ và 250 tấn/giờ, dây chuyền máy nghiền đá Nhật công suất 250 tấn/ giờ và một số loại máy móc khác.
Vietcombank cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (HNX: PVE) với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay. Tiền đặt cọc tham gia đấu giá là 10%. Công ty Đấu giá hợp danh Vạn Thành An là đơn vị tổ chức bán đấu giá
Trước đó, ngân hàng cũng đã rao bán nhiều lần khoản nợ trên nhưng đều không thành công. Tại lần rao bán trước vào tháng 2, Vietcombank công bố giá khởi điểm hơn 340 tỷ đồng, như vậy tới nay mức giá chào bán giảm 20%.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng 'treo' nhiều tài sản thế chấp. Ngân hàng này đang bán nhiều lô đất trên đường Lý Thường Kiệt, TP HCM với giá hơn 122 tỷ đồng, nhiều cấu phần của dự án XI GRAND Court với giá 49-362 tỷ đồng, cùng nhiều căn hộ có giá 3-9 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác như BIDV, VIB, SHB… cũng liên tục thông báo bán nợ đấu giá bán tài sản đảm bảo hoặc bán nợ có tài sản thế chấp để xử lý từ đầu năm. Tại phiên họp thường niên 2022, Tổng giám đốc BIDV, ông Lê Ngọc Lâm dự báo thu nợ ngoại bảng của ngân hàng năm nay ước tính 8.000-9.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 24/5, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Những bước đi này nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận