24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su phân hóa trong quý II/2022

Quý II/2022, có những cái tên trong ngành cao su tăng trưởng mạnh song vẫn có một số doanh nghiệp lao dốc vì gánh nặng chi phí và tác động của thị trường.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường cao su quý II/2022 bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông thường, sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị tác động bởi diễn biến giá cao su và cung cầu của thị trường. Do đó, khi các yếu tố này biến động sẽ liên đới đến cả doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong ngành.

Thực tế, kết thúc kỳ tài chính quý II/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su chia thành hai nhóm riêng biệt. Có những cái tên tăng trưởng mạnh song vẫn có một số doanh nghiệp lao dốc vì gánh nặng chi phí và tác động của thị trường.

Doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su phân hóa trong quý II/2022

Điển hình trong nhóm doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2022, Cao su Đồng Phú (mã: DPR) thu về 73,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 121% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất của quý II hàng năm công ty đạt được trong vòng 5 năm qua.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17%, đạt mức gần 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức 119,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu doanh thu ở mức 910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng. Theo đó, sau 6 tháng, công ty đã thực hiện gần 55% mục tiêu doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một cái tên nổi bật khác trong nhóm doanh nghiệp ngành cao su cũng báo lãi lớn là Cao su Thống Nhất (mã: TNC) báo doanh thu quý II đạt 33,2 tỷ đồng, tăng hơn 190% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 44,2 tỷ đồng, tăng gần 180%.

Công ty cho biết, kết quả tăng trưởng này là do trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính tăng thêm 9,3 tỷ đồng và thu nhập khác tăng 17,8 tỷ đồng. Trong đó, cổ tức được chia từ Công ty Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa chuyển về công ty tăng so với quý II năm ngoái 10,5 tỷ đồng và hoạt động thanh lý cây cao su trong quý này tăng so với cùng kỳ 17,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 47,4 tỷ đồng tăng 107%.

Cao su Thống Nhất lên kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 123 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 31,5 tỷ đồng. Với kết quả trên, sau nửa năm, doanh nghiệp đã thực hiện 39% mục tiêu doanh thu và vượt hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Cao su Tân Biên (mã: RTB) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu thuần cao hơn lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần của công ty tăng 39% so cùng kỳ, lên hơn 277 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 101,5 tỷ đồng, tăng 3%.

Tính chung doanh thu 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 512 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 202,7 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su phân hóa trong quý II/2022

Mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 5.558 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu, doanh thu từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su của Tập đoàn duy trì trên 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ, chiếm 58% tổng doanh thu. Kế tiếp là doanh thu từ chế biến gỗ, chiếm hơn 1/5 với con số ghi nhận 1.179 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính đạt 240,6 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ nhờ lãi chênh lệch tỉ giá tăng cùng với khoản lợi nhuận khác của công ty tăng 15,3% lên 307,6 tỷ đồng nhờ lãi thanh lý vườn cây cao su và thanh lý tài sản cố định giúp tập đoàn thu về 1.199 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 10.452 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.923 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.514 tỷ đồng. So với chỉ tiêu doanh thu 29.707 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.480 tỷ đồng cho cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện được lần lượt 35% mục tiêu doanh thu và 45% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.

Chi phí tăng cao kéo ghì lợi nhuận

Ở chiều ngược lại, Cao su Phước Hòa (mã: PHR) lại báo doanh thu và lợi nhuận quý II/2022 đều lao đốc. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty giảm gần 50% về còn 241,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 32,6% về mức 54,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su phân hóa trong quý II/2022

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế có sự sụt giảm do lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm so với cùng kỳ 19,2%, trong đó, sản lượng mủ tiêu thụ giảm dẫn đến kết doanh thu bán thành phẩm trong quý II giảm so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động khác giảm so với cùng kỳ 85,2% do trong quý II doanh nghiệp không ghi nhận tiền thu nhập từ thanh lý vườn cao su.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cao su Phước Hoà đạt gần 607 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 108% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 353,8 tỷ đồng. Kết quả này nhờ vào việc công ty được bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III trong quý đầu năm nay.

Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.253 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng. Như vậy, công ty hiện mới thực hiện được 15,3% kế hoạch doanh thu và 47,5% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Tương tự, Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) cũng ghi nhận doanh thu giảm 4,7% trong quý II/2022, ở mức 1.148 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 83,8 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 9,5% so với cùng kỳ, về mức 204,8 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 80,4%, tương ứng tăng từ 9,9 tỷ đồng lên 17,88 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 43,9%,; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,6%, tương ứng tăng thêm 10,53 tỷ đồng lên 101,26 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su phân hóa trong quý II/2022

Giải trình về kết quả quý II/2022 bị sụt giảm so với cùng kỳ, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân lợi nhuận giảm là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh và kinh tế chính trị thế giới biến động, giá xăng dầu tăng cao, tình hình tiêu thụ sụt giảm, các chi phí đầu vào tăng làm lợi nhuận giảm.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 2.431,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 149,68 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.428 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 256 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và giảm 12% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 58,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
37.30 -0.15 (-0.40%)
28.15 +0.70 (+2.55%)
57.20 +1.30 (+2.33%)
26.20 +0.50 (+1.95%)
36.25 (0.00%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả