24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kẽ hở để FLC Faros tăng vốn ảo

Câu chuyện FLC Faros tăng vốn ảo và đưa cổ phiếu lên sàn một cách dễ dàng đặt ra dấu hỏi lớn ở khâu giám sát cho các cơ quan quản lý

Những ngày qua, dư luận và giới đầu tư một lần nữa rúng động trước vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (FLC) - bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì đã tăng khống vốn điều lệ gấp hàng ngàn lần cho Công ty CP Xây dựng FLC Faros (FLC Faros - mã chứng khoán ROS), một doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của FLC, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Câu chuyện tưởng chừng phi lý nhưng vẫn có thể qua mặt cơ quan quản lý một cách dễ dàng.

Thổi vốn để chiếm đoạt

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và cựu chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho FLC Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS, sau đó đưa số cổ phiếu này lên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bản cáo bạch ở thời điểm niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE (tháng 9-2016), FLC Faros chỉ có 2 cổ đông lớn. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phiếu (41,79% vốn điều lệ). Cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH MTV FLC Land sở hữu 5,23%.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi lên sàn, cổ phiếu ROS đã tăng phi mã từ 10.500 đồng lên hơn 220.000 đồng vào cuối năm 2017. Có giai đoạn cổ phiếu này tăng kịch trần 30 phiên liên tiếp, trở thành "ngôi sao" sáng nhất trên sàn, đưa ông Quyết thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán nhưng không được tạp chí Forbes công nhận. Cổ phiếu ROS sau đó còn được xếp vào rổ VN30, nhiều thời điểm còn chi phối cả 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index.

Tuy vậy, theo cơ quan điều tra, sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, nhóm Trịnh Văn Quyết đã bán số cổ phiếu mà họ nắm giữ để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Theo đó, tính đến ngày 24-2-2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỉ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Hàng loạt bất thường

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, không chỉ có FLC Faros mà hơn 10 năm qua, nhóm doanh nghiệp trực thuộc FLC cũng có những đợt tăng vốn, tổng tài sản rất mạnh và bất thường. Điển hình như quy mô vốn của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes được thổi lên tới 4.100 tỉ đồng và tổng tài sản là 9.100 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) tăng vốn từ 9,9 tỉ đồng lên 1.635 tỉ đồng và giá trị tổng tài sản lên tới 2.410 tỉ đồng. Công ty mẹ FLC từ số vốn ban đầu năm 2008 là 18 tỉ đồng đến nay đã tăng lên hơn 7.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng năm 2010, FLC có 3 lần thực hiện tăng vốn từ 18 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng được báo cáo nộp đủ. Thế nhưng sau đó, số vốn này lại được chi ra cho một công ty là cổ đông lớn sở hữu hơn 30% vốn của FLC. Tức là sau khi góp vốn vào FLC, cổ đông này rút tiền ra thông qua bút toán (ghi nhận sổ sách) cho vay.

Đồng thời, FLC còn thành lập các công ty con bằng cách bút toán đầu tư tài chính và số tiền cũng được rút ra ngay sau đó với hình thức tương tự. Như thế, FLC và các công ty con đều được tăng vốn lên hàng ngàn tỉ đồng thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, tạm ứng tiền, ký quỹ, đặt cọc...

Mục đích của quá trình tăng vốn nói trên là gì? Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho rằng việc tạo ra các bút toán tăng vốn, giúp nhóm cổ đông FLC bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu đang sở hữu thông qua thị trường chứng khoán để thu tiền về. Ngoài ra, việc tăng vốn còn để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Đơn cử năm 2015, để đáp ứng một trong những tiêu chí mua cổ phiếu của một tổ chức tài chính, FLC và các công ty con, trong đó có FLC Faros đã tìm mọi cách thổi vốn thông qua bút toán ghi nhận sổ sách. Từ đó, quỹ đầu tư Market Vectors ETF Trust - Market Vectors - Vietnam ETF đã bổ sung cổ phiếu FLC vào danh mục nắm giữ khi mua hơn 24,3 triệu cổ phiếu, chiếm 6,49% vốn của tập đoàn vào thời điểm đó và giúp nhóm Trịnh Văn Quyết thu về hàng trăm tỉ đồng.

Dù vậy, không chỉ tới khi Bộ Công an thông tin nhóm Trịnh Văn Quyết bị điều tra bổ sung về hành vi nâng khống vốn FLC Faros mà từ nhiều năm trước, nhà đầu tư đã có thể thấy được nhiều điểm bất thường trong hành trình tăng vốn "khủng" của doanh nghiệp này. Thậm chí quá trình thổi vốn của nhóm FLC đã từng bị đơn vị kiểm toán lưu ý là bất thường. Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016 của FLC Faros, Công ty TNHH Kiểm toán ASC (ASC) chỉ ra đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 có 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỉ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8-1-2016. Điều đáng nói là sau khi ASC chỉ ra bất cập, FLC Faros đã đổi đơn vị kiểm toán.

Chưa hết, nhìn vào báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2016, nhà đầu tư còn thấy được tổng tài sản FLC Faros thời điểm đó là 7.972 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 3.450 tỉ đồng hồi đầu năm 2016. Phần lớn trong tổng tài sản của FLC Faros khi đó là các khoản đầu tư. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong danh sách nhận đầu tư của FLC Faros là các công ty con trong hệ sinh thái của FLC, cùng hàng loạt cá nhân khác, bao gồm cả những cá nhân là cổ đông đã góp tiền tăng vốn và có thỏa thuận ủy thác đầu tư với công ty này.

Dù có không ít điểm bất thường nhưng nửa cuối quý III/2016, cổ phiếu ROS vẫn vượt qua được nhiều quy định khắt khe để chính thức niêm yết trên sàn HoSE, rồi sau đó lọt vào rổ VN30 - nhóm những cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Lê Đạt Chí, Phó Khoa Tài chính - Doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng câu chuyện FLC Faros đã "phù phép" nâng vốn ảo không phải cá biệt nhưng ngay từ đầu đã không được cơ quan quản lý cảnh báo, kiểm soát. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế là cơ quan chức năng chưa đủ thẩm quyền và đủ lực để kiểm soát chi tiết các báo cáo tài chính, các cách mà doanh nghiệp triển khai tăng vốn. Tuy có những khoản loại trừ hay các nội dung mà đơn vị kiểm toán lên tiếng nhưng không được cơ quan quản lý và nhà đầu tư chú ý.

Cũng theo ông Chí, ban kiểm soát là tổ chức giám sát công ty nhiều nhất nhưng vai trò còn mờ nhạt, hầu hết đều do HĐQT lập ra, không có thành viên độc lập nên họ thường không thể hiện hết trách nhiệm kiểm soát của mình để bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư. "Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có quy định và ràng buộc rõ trách nhiệm ban kiểm soát để chấn chỉnh việc này. Việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư chứng khoán trong nước mà còn thu hút, tạo sự an tâm cho chính các tổ chức quốc tế nhìn vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam hướng đến xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm quốc tế" - TS Lê Đạt Chí nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng hiện nay rất nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng FLC Faros sẽ được tái cấu trúc khi có chủ mới nhưng điều này rất khó. Bởi đây là một doanh nghiệp "ảo", tài sản thực không có nên gần như không có lối thoát cho nhà đầu tư lỡ "ôm" cổ phiếu của doanh nghiệp này. Theo ông Minh, từ năm 2014-2016, đơn vị kiểm toán đã từng có lưu ý liên quan đến hành trình tăng vốn của FLC Faros trước khi niêm yết, nếu nhà đầu tư tìm hiểu rõ sẽ hiểu và có cái nhìn thận trọng hơn trước khi chọn đầu tư vào những cổ phiếu như vậy.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển chỉ ra lỗ hổng của luật hiện nay là việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp chưa lên sàn rất dễ, vì vậy mà nhóm doanh nghiệp FLC đã chọn chiêu tăng vốn trước khi lên sàn để không phải nộp tiền vào tài khoản và công khai minh bạch như các doanh nghiệp trên sàn. "Ông Quyết là người am hiểu luật và ông đã làm trò để qua mặt cơ quan chức năng và lừa nhà đầu tư. Nếu cơ quan quản lý ngay từ đầu để tâm, mạnh tay xử lý thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua, nhà đầu tư cũng không phải rơi vào cảnh đứng ngồi không yên như hiện nay" - ông Hiển nói.

Liên quan tới việc FLC Faros dễ dàng vượt qua các khâu kiểm soát để niêm yết trên sàn HoSE, sau đó thổi giá cổ phiếu, "lùa gà" rồi "úp sọt" nhà đầu tư, ông Hiển đặt vấn đề vai trò của công ty chứng khoán đã tư vấn cho cổ phiếu ROS lên sàn như thế nào, rồi trách nhiệm thẩm định của Sở Giao dịch chứng khoán ra sao? Ngay cả các công ty kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán cũng khó tránh khỏi vô can.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), cho biết bản thân ông cũng như hiệp hội thời gian qua đã gửi nhiều kiến nghị đến các cơ quan quản lý liên quan việc kiểm tra, kiểm soát những cổ phiếu "rác", bao gồm cả nhóm cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán nhưng không được để ý. Ông Hải cho rằng chính khâu quản lý, giám sát trên các sàn giao dịch chứng khoán còn lỏng lẻo đã để xảy ra tình trạng "hàng dỏm", "hàng kém chất lượng" tràn lan, thậm chí cổ phiếu ROS còn vào rổ VN30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm. "Ban lãnh đạo HoSE có thể biện minh rằng họ chọn ROS vào rổ VN30 vì cổ phiếu đó có thanh khoản tốt và đủ tiêu chí chọn lọc nhưng họ không biết rằng thanh khoản đó là giả tạo, bị điều khiển bởi các "đội lái", đội thao túng giá để dụ dỗ hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ vào ôm "bom". Từ đó những kẻ thao túng có cơ hội bán giấy lấy tiền thật tới hàng ngàn tỉ đồng" - ông Hải nhấn mạnh.

Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch LP Group: Kiện thì dễ nhưng khó thắng

Các công ty đại chúng phải tôn trọng và minh bạch với cổ đông chứ không cần đợi pháp luật gọi tên. Nhưng khi họ đã có ý định lừa nhà đầu tư thì rõ ràng họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vấn đề ở đây là ai bảo vệ nhà đầu tư? Họ có đi kiện được không? Câu chuyện không hề đơn giản. Kiện thì có thể nhưng thắng thì khó.

Khi nhà đầu tư đã chọn mua cổ phiếu ROS hay bất cứ cổ phiếu nào khác thì trách nhiệm, quyền lợi đều do họ quyết định. Không thể khi lỗ thì đổ trách nhiệm cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu trường hợp họ cảm thấy mình là nạn nhân, họ có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với các cơ quan quản lý vì trong quá trình quản lý, giám sát đã để lọt cổ phiếu ảo, cổ phiếu kém chất lượng lên sàn. Tuy nhiên, việc này thuộc về yếu tố bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ mà luật hiện chưa có cơ chế bảo vệ cụ thể nên cổ đông buộc tự đứng ra kiện hay ủy thác cho các hiệp hội. Và kết quả khiếu nại như thế nào lại là câu chuyện khác bởi nếu doanh nghiệp đã muốn lách luật thì họ sẽ tìm mọi cách để làm, rất tinh vi và biến tướng mà ngay cả cơ quan quản lý cũng không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nói gì thì nói, các nhà đầu tư cũng cần mạnh dạn lên tiếng để cơ quan quản lý, các nhà làm luật đưa quy định bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán vào luật để thị trường chứng khoán tương lai sẽ minh bạch hơn, bền vững hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,286.07 -0.60 (-0.05%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả