24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp ngành gỗ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

Bức tranh xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam chuyển từ gam màu xám sang màu sáng, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 8, một số đến cuối năm. Liệu ngành gỗ có đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim năm 2021?

Doanh nghiệp ngành gỗ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

Ảnh minh họa

Trái ngược với năm ngoái, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm gỗ, nội - ngoại thất là một trong 6 nhóm ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất 4 tháng đầu năm, đạt 4.9 tỷ USD, tăng 25% (tương ứng tăng 979 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 2.7 tỷ USD, tăng gần 32% (tương ứng tăng 643 triệu USD) và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Sự khởi sắc từ thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ báo cáo kết quả kinh quý 1/2024 khả quan, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong số 15 doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ trên sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, có 9 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp đạt gần 4.1 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023 song lãi ròng lại tăng mạnh 46%, lên hơn 313 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành gỗ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

Thêm nhiều gam màu sáng

Xét về con số tuyệt đối, Phú Tài (PTB) đứng đầu doanh thu quý 1, đạt gần 903 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm gỗ, chiếm 64% tổng doanh thu và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản lượng tiêu thụ gỗ tăng. Biên lãi gộp mảng này giảm 0.5 điểm phần trăm, xuống mức 20.6%.

Lãi từ hoạt động tài chính tăng thêm hơn 20 tỷ đồng, giúp lãi ròng của PTB đạt hơn 89 tỷ đồng, tăng 42% và là mức lãi cao nhất trong 3 quý gần nhất, kể từ quý 3/2023.

Gỗ An Cường (ACG) đứng đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 với 124%, đạt hơn 81 tỷ đồng. Công ty cho biết, đã đẩy mạnh các dòng hàng có biên lợi nhuận tốt, đồng thời thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tăng năng suất và tiết giảm chi phí.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT ACG cho biết, Công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 11, vì thị trường Mỹ đã hồi phục. Dự báo tình hình xuất khẩu của Công ty trong năm 2025 và 2026 sẽ tích cực hơn.

“Hiện nay, các nhà máy của An Cường cơ bản hoạt động với 70% công suất, riêng nhà máy xuất khẩu hoạt động với hơn 110% công suất, thậm chí Công ty còn phải gia công thêm ở bên ngoài” - ông Nghĩa thông tin thêm.
Doanh nghiệp ngành gỗ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

Thành quả của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, VIF) là mức lãi cao nhất 6 quý trở lại đây, kể từ quý 4/2022, đồng thời là quán quân lợi nhuận quý 1 với gần 117 tỷ đồng, tăng 16%.

Vinafor cho biết, lợi nhuận tăng do một số công ty có vốn góp của Tổng Công ty có lợi nhuận khai thác sản phẩm tốt hơn cùng kỳ và tiết giảm chi phí hoạt động cũng như chưa triển khai một số chi phí theo kế hoạch.

Xét từng mảng kinh doanh chính, doanh thu bán gỗ nguyên liệu, thành phẩm đạt gần 228 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu, nhưng thấp hơn 31% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp mảng này cải thiện 2 điểm phần trăm, lên gần 9%, giúp nới rộng biên lãi gộp toàn Công ty lên 18.5%.

Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT)biên lợi nhuận gộp với mức 32.6%, trong khi quý 1/2023 chỉ đạt 26.6%. Kết quả này giúp lãi ròng đạt hơn 9.5 tỷ đồng, tăng 26%.

GDT cho biết, do năm nay Công ty không giảm giá bán nữa, cùng với việc dồn 2 nhà máy lại thành 1 nên ngoài việc tiết giảm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển... Công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng đã dời đi.

Theo chia sẻ của bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch HĐQT GDT tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, tính tới thời điểm này, đơn hàng của Công ty đã kín tới cuối tháng 8. Nếu trước đây Gỗ Đức Thành nhận mọi đơn hàng thì giờ là lúc chọn lọc đơn hàng, chỉ làm những đơn hàng tốt, có biên lợi nhuận cao.

Đan xen gam màu xám

Trường hợp của Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) là hoạt động kinh doanh cốt lõi kém sáng với doanh thu giảm 2%, còn hơn 323 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm gần 9 điểm phần trăm, xuống mức 13.1%.

Tuy nhiên, do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Buôn Ma Thuột xóa nợ đối với các khoản lãi phát sinh liên quan đến lãi chậm nộp chưa thanh toán, giúp Công ty hoàn nhập chi phí tài chính. Sau cùng, lãi ròng của TTF đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng 63%.

Trước đó, Gỗ Trường Thành trải qua năm kinh doanh 2023 đầy tiêu cực khi chuyển từ lãi ròng 11 tỷ đồng trong báo cáo tự lập sang lỗ 134 tỷ đồng sau kiểm toán, qua đó nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 3,230 tỷ đồng và giảm còn hơn 3,226 tỷ đồng tại cuối quý 1/2024.

Gỗ MDF VRG - Quảng Trị (MDF) Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (NHT) là những dấu ấn tiêu cực trong quý 1 khi tiếp tục lỗ gần 11 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Riêng MDF đánh dấu 3 quý liên tiếp thua lỗ và nâng lỗ lũy kế tới cuối quý 1/2024 vượt 34 tỷ đồng.

Chưa tới mức lỗ nhưng Tổng Công ty Pisico Bình Định (PIS); Nam Việt (Navifico, NAV)Chế biến gỗ Thuận An (GTA) chứng kiến lợi nhuận lao dốc từ 20-50%, còn từ 2-3 tỷ đồng. Trong đó, NAV ghi nhận mức lãi thấp nhất kể từ quý 2/2019 (tức 20 quý qua); lãi của GTA ở mức thấp nhất 5 quý qua, kể từ quý 1/2023.

Cổ phiếu ngành gỗ vẫn kém tích cực?

Sự phục hồi về đơn hàng những tháng đầu năm đã đem lại sự lạc quan cho bức tranh chung, nhưng diễn biến cổ phiếu ngành gỗ trên sàn lại “ảm đạm”. Tính từ đầu năm, có 11/15 mã nằm dưới mức tăng trung bình 12% của VN-Index; trong đó MDF, GTA và XHC là những dấu ấn tiêu cực nhất, giảm từ 11-26%.

Doanh nghiệp ngành gỗ đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng?

Hẩm hiu hơn là 3 mã cổ phiếu TTF, PIS và TLD, đang thuộc diện cảnh báo. Hiện cả 3 doanh nghiệp này đều đã có văn bản giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán.

Cổ phiếu ACG, SAV, PTB và GDT là những điểm sáng hiếm hoi trong ngành, với mức tăng giá từ 14-28% so với đầu năm. Riêng thị giá PTB hiện giao dịch quanh mức 72,000 đồng/cp, tăng hơn 125% so với đáy hồi giữa tháng 11/2022 và là vùng giá cao nhất 2 năm qua. Thành quả của GDT là vùng giá cao nhất hơn 8 tháng qua, giao dịch quanh mức 29,000 đồng/cp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
9.70 (0.00%)
20.45 (0.00%)
3.00 (0.00%)
6.00 -0.38 (-5.96%)
41.80 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả