Cổ phiếu "vua" trước áp lực của thị trường tài chính toàn cầu
Tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước cuộc họp chính sách của Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) và những xáo trộn của thị trường tài chính toàn cầu đã khiến chỉ số VN-Index biến động mạnh trong những phiên vừa qua. Điều này cũng gây sức ép lên nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nước vốn đang chịu nhiều áp lực.
Khó tránh ảnh hưởng tâm lý ngắn hạn
Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua 10 ngày căng thẳng sau khi Ngân hàng SVB Mỹ công bố phá sản cùng với vấn đề thanh khoản ở Credit Suisse. Những lo ngại về mối nguy tiềm tàng với hệ thống tài chính toàn cầu đã khiến làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng xảy ra trên diện rộng và đang tạm khép lại sau khi UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse.
Cùng với đà phục hồi của chứng khoán toàn cầu trong ngày 21/3, chỉ số VN-Index cũng có sự hồi phục đáng kể khi đóng cửa tăng 9,33 điểm lên 1.032,4 điểm, dù có những giằng co khá mạnh trong phiên sáng. Toàn sàn có 279 mã tăng giá, 109 mã giảm giá và 71 mã đứng giá. Khối ngoại hôm nay cũng trở lại mua ròng 113,93 điểm trên HOSE và 7,2 tỷ đồng trên HNX.
Đóng góp vào đà tăng của VN-Index hôm nay phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trên sàn HOSE, có tới 13/17 cổ phiếu ngân hàng phủ trong sắc xanh, chỉ có 2 mã giảm giá và 2 mã đứng ở mốc tham chiếu. Trong số đó, VPB tăng 3,3%, STB tăng 1,7%, VCB tăng 1,65%, CTG tăng 1,1%...
Diễn biến của VN-Index và nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây dường như đồng pha với thị trường thế giới. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là ảnh hưởng tâm lý trước những lo ngại về khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể xảy ra.
Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, những sự việc đã tác động đến SVB và một số ngân hàng khu vực khác của Mỹ sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời và khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam.
Đại diện VinaCapital phân tích, nhiều thông tin cho rằng các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư của SVB cùng với tiền gửi tại ngân hàng giảm đáng kể là những yếu tố chính dẫn đến tình trạng SVB nhanh chóng mất khả năng thanh toán. Các ngân hàng Việt Nam cũng nắm giữ trái phiếu Chính phủ trên bảng cân đối kế toán (ngân hàng ở hầu hết các nước cũng vậy, nhưng lưu ý rằng ở Việt Nam không có chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp) và giá trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 15% kể từ giữa năm 2021 khi lợi suất tăng.
Tuy nhiên, trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm khoảng 6% tổng tài sản của các ngân hàng niêm yết và trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn chiếm chưa đến 2% tổng tài sản. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 5 - 10% điển hình của các ngân hàng Mỹ và thấp hơn nhiều so với mức gần 45% tài sản của SVB nằm ở trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn trên bảng cân đối kế toán.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm này, câu chuyện xảy ra ở các ngân hàng của Mỹ và châu Âu không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các ngân hàng củng cố lại chất lượng tài sản, tín dụng và tăng cường bộ đệm dự phòng nhiều hơn.
Tìm kiếm những câu chuyện riêng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Điều này sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn và các ngân hàng thương mại có nhiều dư địa và chủ động hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Tuy vậy, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, việc giảm chi phí huy động vốn nhằm hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Do đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ không được hưởng lợi nhiều từ quyết định này.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, để đánh giá tác động của quyết định trên đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023 là chưa rõ ràng. Triển vọng của ngành ngân hàng trong năm sẽ gặp nhiều thách thức khi nhu cầu tín dụng và huy động vốn vẫn thấp. Đồng thời áp lực nợ xấu gia tăng, trong bối cảnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, "nhà đầu tư có thể tập trung vào các ngân hàng có câu chuyện riêng và chờ đợi thời điểm thích hợp để giải ngân", chuyên gia của Agriseco khuyến nghị.
Một trong những "câu chuyện riêng" đang được giới đầu tư quan tâm, đó là thông tin Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE:VPB) có thể ký thỏa thuận bán hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) của Nhật Bản vào cuối tháng này.
Theo Bloomberg, giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỷ USD. Trong số đó, VPBank có thể phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu cho SMBC Consumer Finance, công ty thành viên của SMFG, với giá chào bán là 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ khi thị trường rộ tin này, cổ phiếu VPB của VPBank trở thành tâm điểm giới đầu tư. Đóng cửa phiên 21/3, VPB giao dịch ở mức 20.350 đồng/cổ phiếu, tăng 3,3% so với phiên hôm qua và tăng gần 20% kể từ cuối tháng 2, trong khi VN-Index tăng chưa tới 1%.
Ngay cả sau sự cố Ngân hàng SVB của Mỹ công bố phá sản dẫn đến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo những ngày qua, thì VPB vẫn hút dòng tiền. Đơn cử như phiên ngày 13/3, thị giá VPB tăng hơn 6%, với hơn 42 triệu đơn vị cổ phiếu được chuyển giao; đồng thời liên tục nằm trong top cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trên HOSE.
Trong phiên hôm nay, VPBank đã vươn lên vị trí thứ 7 trong Top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên HOSE, tăng 4 bậc so với vị trí thứ 11 ở cuối tháng 2. Giới đầu tư kỳ vọng thị giá cổ phiếu VPB còn nhiều dư địa để tăng giá trong thời gian tới.
Bên cạnh các thương vụ bán vốn, mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay cũng tiết lộ các ngân hàng lên kế hoạch chi trả cổ tức "khủng" cho cổ đông.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 16/3, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết: Với kết quả kinh doanh năm 2022, VIB hoàn toàn có thể chia cổ tức tỷ lệ 38%, tuy nhiên để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), ngân hàng chỉ quyết chia tỷ lệ 35%, trong đó có 20% cổ phiếu thưởng và 15% tiền mặt.
Đồng thời, lãnh đạo VIB cũng tiết lộ, trong năm 2024, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước, VIB có thể chia cổ tức trên 30% đối với khoản lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.
Ngân hàng Tiên Phong Việt Nam (TPBank) cũng đang hút dòng tiền trong những phiên qua nhờ phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu trong năm nay, sau 7 năm không chia...
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, cổ tức cao và ổn định được cho là nhân tố quan trọng giữ chân nhà đầu tư. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản "sạch" trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản cũng được giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ…
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, P/B (tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách) trung vị ngành ngân hàng năm 2023 đang ở mức 1,0x với ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) năm 2023 là 19%. Đây vẫn là mức định giá rất hấp dẫn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có thuận lợi cũng như khó khăn riêng của mình. Do đó, việc tìm kiếm cổ phiếu ngân hàng đáp ứng cả về yếu tố định giá, dòng tiền và có nền tảng kinh doanh vững chắc sẽ mang lại lợi nhuận cho các cổ đông ưa thích nhóm "cổ phiếu vua" trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận