Cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam: Cần dòng tiền lớn để kích hoạt chu kỳ tăng giá
Đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam là giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng cao và free float của đa số các ngân hàng (trừ các ngân hàng quốc doanh) là rất lớn. Do đó, chuyên gia của FIDT nhấn mạnh “muốn tạo ra một chu kỳ tăng giá mới cho các cổ phiếu ngành ngân hàng ở Việt Nam đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn vào thị trường”.
Ngân hàng là ngành có sức ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế. Ngành ngân hàng càng mạnh thì nền kinh tế càng mạnh hơn. Còn nếu lĩnh vực này suy yếu thì nền kinh tế cũng bắt đầu đi xuống. Trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Cổ phiếu ngân hàng thường là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất, kéo theo đó là sức ảnh hưởng mạnh nhất tới toàn bộ thị trường chứng khoán.
Hiểu về chu kỳ của cổ phiếu ngân hàng không chỉ giúp nhà đầu tư có thêm căn cứ để xác định thời điểm đầu tư vào cổ phiếu ngành này, mà còn có thêm nền tảng để đánh giá về thực trạng cũng như triển vọng của thị trường chứng khoán nói chung.
2 tác nhân quan trọng
Để hiểu về chu kỳ của cổ phiếu ngân hàng, trước tiên phải bắt đầu từ ngành ngân hàng nói chung.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư, Công ty Cổ phần FIDT, cho biết ngân hàng được xem là ngành có chu kỳ bởi khách hàng của các ngân hàng là các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế. Do đó, tính chu kỳ của nền kinh tế sẽ phản ánh rất mạnh vào kết quả kinh doanh, chất lượng tài sản cũng như triển vọng của các ngân hàng. “Chu kỳ đó đặc trưng bởi 2 yếu tố cần theo dõi là chu kỳ kinh tế và chính sách tiền tệ”, ông Phương nhấn mạnh.
Giải thích thêm, chuyên gia của FIDT cho hay chu kỳ kinh tế đặc trưng bởi sự tăng trưởng rồi suy giảm của các hoạt động kinh tế, phản ánh qua các chỉ số về thu nhập thực tế của người dân, tình trạng thị trường việc làm, bán lẻ, sản xuất công nghiệp và chỉ số được mọi người quan tâm nhiều nhất là tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, ngân hàng là ngành được kiểm soát và quản lý chặt chẽ bởi các ngân hàng trung ương của nước sở tại nên chu kỳ của ngành phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương từng thời kỳ, ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, lãi suất và tăng trưởng tín dụng là 2 yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới ngành ngân hàng. Các ngân hàng hoạt động chính là kinh doanh tiền và thu nhập từ lãi là cấu phần lớn nhất trong thu nhập của các ngân hàng. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng và lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và thu nhập lãi của các ngân hàng.
Những giai đoạn tăng trưởng tín dụng cao kéo dài sẽ giúp quy mô tín dụng tăng nhanh thường đi kèm với việc lợi nhuận của toàn ngành tăng trưởng tốt trong giai đoạn đó và thậm chí sau đó vài quý. Hay những giai đoạn lãi suất bắt đầu giảm thường đi kèm với việc lãi tiền gửi của các ngân hàng giảm nhanh hơn trong khi đó lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh chậm hơn giúp biên lãi ròng của các ngân hàng có thể tăng tốt trong giai đoạn này, qua đó giúp kết quả kinh doanh của các ngân hàng tốt lên.
“Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên tính chu kỳ của ngành ngân hàng nhưng có thể xem 2 yếu tố trên chính là tác nhân chính tạo ra chu kỳ ngành ngân hàng”, chuyên gia của FIDT kết luận.
Kích hoạt chu kỳ tăng giá cổ phiếu ngân hàng: Cần dòng tiền lớn
Nếu xét trên tổng thể các cổ phiếu ngân hàng, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng các cổ phiếu này mang tính chu kỳ tương tự như chu kỳ ngành của mình, việc này tương tự như các ngành khác khi tính chu kỳ của một ngành sẽ phản ánh vào giá các cổ phiếu trong ngành đó nếu nhìn trên bình diện chung. Tuy nhiên, chu kỳ của các cổ phiếu trong ngành thường đi trước chu kỳ kinh doanh của ngành trong 1 đến 2 quý cũng giống như thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế thực vài quý.
Các yếu tố tạo ra chu kỳ ngành cũng là yếu tố tạo ra chu kỳ của cổ phiếu, theo ông Phương. Tuy nhiên, đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam là giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường và free float (tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) của đa số các ngân hàng (trừ các ngân hàng do Nhà nước chi phối như VCB, BID, CTG) là rất lớn. Do đó, ông Phương nhấn mạnh rằng “muốn tạo ra một chu kỳ tăng giá mới cho các cổ phiếu ngành ngân hàng ở Việt Nam đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn vào thị trường”.
Đối với các cổ phiếu có tính chu kỳ nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng, chuyên gia của FIDT cho rằng việc đoán đỉnh, đáy là rất khó, thường qua đỉnh mới biết đâu là đỉnh hay qua đáy thì mới biết đó là đáy. “Vì thị trường có thể hưng phấn lâu hơn bạn nghĩ nhiều, việc thị trường định giá cao hay một nhóm cổ phiếu định giá cao có thể kéo dài rất lâu. Ngược lại, đáy của một nhóm ngành đòi hỏi giá cổ phiếu giảm sâu hơn những gì nhà đầu tư có thể tính toán trước. Và ngành ngân hàng cũng không ngoài vòng xoáy này”, ông Phương lưu ý. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, một số dấu hiệu ban đầu có thể xem xét về vùng bắt đầu của một chu kỳ mới là khi giá các cổ phiếu ngân hàng giảm sâu với rất nhiều tin tức bất lợi cho nền kinh tế và ngành ngân hàng liên tiếp xuất hiện, kết hợp với điều kiện đủ là chính sách tiền tệ phải đảo chiều mạnh sang hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành liên tục và các biện pháp khác để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Đây là điểm đảo chiều cho ngành sau khi các tin tức tiêu cực đã phản ánh nhiều vào giá cổ phiếu.
Đó là dấu hiệu nhận diện vùng đáy của cổ phiếu ngân hàng, còn với vùng đỉnh, theo ông Phương, các dấu hiệu ban đầu của các giai đoạn kết thúc của chu kỳ thường gắn với việc nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng đi kèm với lạm phát. Và đây là dấu hiệu của nền kinh tế đã chạm hoặc vượt quá tăng trưởng tiềm năng dẫn đến lạm phát, báo hiệu cho việc chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều sang thắt chặt.
Cần tôn trọng chu kỳ cổ phiếu ngân hàng, tránh lạc quan quá mức
Trong quá trình đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Phương cho rằng các nhà đầu tư cần tôn trọng tính chu kỳ của cổ phiếu ngân hàng.
“Trong các uptrend (thị trường giá lên) lớn, nhiều người cho rằng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và do đó ngân hàng là ngành tăng trưởng, điều này dễ dẫn đến tâm lý lạc quan quá mức về cổ phiếu ngân hàng. Với việc chất lượng tài sản và khả năng sinh lãi phụ thuộc nhiều vào triển vọng của nền kinh tế thì nhà đầu tư luôn phải thận trọng với tính chất chu kỳ của ngành này”, chuyên gia của FIDT lưu ý.
Bên cạnh đó, để gia tăng khả năng đầu tư thành công, nhà đầu tư cũng cần lưu tâm rằng với việc đóng góp tỷ trọng lớn vào các chỉ số chứng khoán cùng free float lớn, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ dễ bị định giá thấp hơn triển vọng thật trước khi các rào cản về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết hoặc dòng tiền vào thị trường phải đủ lớn trong các đợt uptrend lớn.
“Sau khi cân nhắc các yếu tố trên thì nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu ngân hàng ở các giai đoạn định giá thấp với tầm nhìn dài hạn sẽ phù hợp hơn hoặc chọn được cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng về tái cơ cấu, bán vốn”, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT khuyến nghị.
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông Phương cho biết cổ phiếu ngành này vẫn có triển vọng phục hồi sắp tới và thực tế đã phục hồi gần đây. Điều này thường đi kèm với đầu chu kỳ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt sang hỗ trợ nền kinh tế với việc Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi sắp tới mạnh hay yếu sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng tín dụng và tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm. Và đây là yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi sắp tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận