Chứng khoán giảm mạnh nhất 2,5 tháng, nhiều cổ phiếu BĐS nằm sàn
VN-Index đóng cửa giảm tới hơn 34 điểm (2,68%). Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số chính, kể từ cuối tháng 6. Hơn 420 cổ phiếu trên HoSE giảm giá,
Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường, không có nhóm ngành nào đủ sức chống đỡ, hay ngược dòng đáng chú ý.
Sức nặng của các bluechip như VCB, BID, GAS, VHM, VPB, VNM, CTG, MSN, TCB, MWG lấy đi của chỉ số chính hơn 16 điểm. Toàn bộ các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản điều chỉnh giảm. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán ghi nhận nhiều mã xuống sát giá sàn, giảm 5-6%, kể cả các mã lớn như SSI, VND, HCM. Biên độ điều chỉnh của nhóm này tương đối rộng. VND là cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay.
Thanh khoản HoSE tăng mạnh, vượt 20.000 tỷ đồng trong ngày VN-Index giảm sâu. Từ lúc áp dụng chu kỳ thanh toán rút gọn T+2, thanh khoản thường có dấu hiệu tăng nhanh trong phiên chiều (cổ phiếu T+0 về tài khoản sẵn sàng giao dịch). Phiên giao dịch hôm nay không nằm ngoại lệ. Phiên sáng, giá trị giao dịch của HoSE chỉ tương đương hôm qua, nhưng từ khoảng 13h30, thanh khoản bắt đầu tăng nhanh. Chỉ trong khoảng 1 tiếng 15 phút (13h30 – 14h45), giá trị khớp lệnh HoSE tăng gấp đôi, từ khoảng 9.000 tỷ đồng, lên 18.826 tỷ đồng khi kết phiên. Như vậy, gần 10.000 tỷ đồng “trao tay” chỉ trong nửa cuối phiên chiều.
Sau nhịp phục hồi tiếp cận vùng 1.300 điểm vừa qua, đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất của VN-Index. Khối ngoại gia tăng bán ròng, với giá trị hơn 430 tỷ đồng trên HoSE. Từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9, 3 phiên gần đây khối ngoại đều bán ròng với giá trị lớn. Hôm nay, khối ngoại tập trung “xả” VND, GEE, HPG, STB, SSI, GEX, VJC...
Thanh khoản cao nhất hôm nay là NKG, VND, HPG, VPB, STB, SSI, KBC... KBC giảm sàn, trắng bên mua, chịu lực bán mạnh. Cùng trong nhóm bất động sản, còn có ITA, LDG, HTN, DXG, CII... giảm sàn. Chỉ qua 1 tuần, KBC “bốc hơi” hơn 11% thị giá, sau việc lợi nhuận 6 tháng 2022 giảm tới 92% sau kiểm toán.
Trước đó, ở báo cáo tự lập, KBC báo lãi hơn 2.400 tỷ. Giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), KBC cho biết, sự chênh lệch đến từ việc ghi nhận tạm thời thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần từ bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại SDN lên 48% (giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng trong khi giá trị hợp lý của khoản đầu tư là gần 2.500 tỷ đồng). Giá trị hợp lý tài sản thuần từ SDN được ước tính là 4.800 tỷ đồng.
Kiểm toán BCTC cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định, do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.
Kiểm toán viên cũng lưu ý, KBC vẫn trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn định giá chuyên nghiệp để xác định giá trị hợp lý chính thức của khoản đầu tư vào SDN.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 34,23 điểm (-2,68%) xuống 1.243,17 điểm. HNX-Index giảm 9,22 điểm (-3,14%) xuống 284,05 điểm. UPCoM-Index giảm 1,26 điểm (-1,37%) xuống 90,38 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 43,5% lên mức 18.827 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận