BSC: ’Ngành phân bón tiếp tục khả quan trong quý IV’
BSC dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2021 của nhóm phân bón sẽ tiếp tục khả quan nhờ diện tích gieo trồng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nông sản nội địa kỳ vọng tích cực so với cùng kỳ và tồn kho ngành phân bón thấp do nhu cầu tích trữ lương thực trong dịch.
Giá các loại phân bón thế giới tăng mạnh trong năm 2021. Tính tới thời điểm cuối tháng 10, giá bán các loại phân bón Ure, DAP, và Kali đã tăng lần lượt 97%, 67%, và 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), giá phân bón tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021 chủ yếu do một số nguyên nhân như: Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh; giá khí tự nhiên (tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái) và than (tăng 226%) tăng mạnh khiến nhiều nhà máy phân bón ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung.
Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất (chủ yếu là chi phí vận chuyển) các loại phân bón tăng cao.
Ngoài ra, nhu cầu phân bón trên thế giới phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và đẩy mạnh tích trữ lương thực dẫn đến tình trạng cung không kịp đáp ứng...
Dù vậy, BSC cũng lưu ý rằng giá nguyên vật liệu đầu vào (than, khí, dầu) sẽ biến động khó lường trong thời gian tới. Cụ thể, giá than bất ngờ sụt giảm mạnh kể từ cuối tháng 10 sau khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp can thiệp vào thị trường.
Theo đó, các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất than tăng sản lượng, đồng thời áp mức giá trần nhằm hạ giá than. Bên cạnh đó, cùng với biến động của giá dầu, giá khí tự nhiên cũng điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của biến thể Omicron mới của dịch bệnh, và mùa đông tại Mỹ và Châu Âu được dự báo sẽ ấm hơn so với nhận định trước đó. BSC cho rằng, giá các nguyên liệu như khí và than sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, BSC vẫn kỳ vọng nhu cầu phân bón trong năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ổn định do các nhà cung cấp lớn như Trung Quốc, Nga và Ai Cập lại hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu. Các quốc gia này ưu tiên tăng cường dự trữ ure, để đảm bảo nhu cầu nội địa.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy các quốc gia tăng cường dự trữ phân bón và lương thực.
Ngoài ra, giá dầu và giá khí đốt thế giới được dự báo sẽ biến động khó lường trong thời gian tới, cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng tới giá phân bón; Một số nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung; Luật thuế VAT (trong nước) được sửa đổi sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành phân bón....
Triển vọng các doanh nghiệp phân bón trong nước
BSC nhận định, việc bán bình quân sản phẩm ure tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với lượng tiêu thụ cao đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành phân bón tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021 của DPM ghi nhận lãi ròng đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm ngoái, và vượt 311% kế hoạch năm. Sản lượng kinh doanh đạt trên 900.000 tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK Phú Mỹ đạt gần 123.000 tấn, tăng 77%, hoàn thành 88% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, DCM cũng lãi lớn 9 tháng năm 2021 với doanh thu đạt 6.048 tỷ VND tăng 14% và lãi ròng tăng 78% lên 822 tỷ đồng. Ngoài ra, những doanh nghiệp như LAS, DDV hay PMB cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan.
BSC dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2021 của nhóm phân bón sẽ tiếp tục khả quan nhờ diện tích gieo trồng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nông sản nội địa kỳ vọng tích cực so với cùng kỳ và tồn kho ngành phân bón thấp do nhu cầu tích trữ lương thực trong dịch.
Công ty chứng khoán này đánh giá việc giá phân ure trong nước vượt 16.000 đồng/kg, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV/2021, sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ lợi nhuận của nhóm phân bón.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận