🔴[LIVE STREAM] VN-INDEX 19/11/2024: Lịch sử có lặp lại? - Cứ wash-out thần thánh của VN-INDEX ngày đó
VN-Index có phiên thứ 3 giảm điểm liên tiếp, nhà đầu tư bất ngờ “gom” mạnh cổ phiếu “họ” Hoàng Huy và “họ” Tiên Phong trong phiên 18/11.
Mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng mạnh, nhưng sự thiếu đồng thuận của các nhóm ngành khác, đặc biệt là dòng bank, đã khiến thị trường hồi phục bất thành, VN-Index kết phiên giảm nhẹ.
Mặc dù có những tín hiệu bật hồi nhưng việc thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong khi áp lực bán vẫn thường trực đã khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm. Thậm chí, diễn biến càng tiêu cực hơn về cuối phiên sáng khi lực bán gia tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn trên bảng điện tử khiến các cổ phiếu đua nhau nới rộng biên độ giảm.
Thị trường tạm dừng phiên sáng khi VN-Index tiếp tục xuyên thủng mốc 1.210 điểm khi tạm dừng phiên sáng, đặc biệt là chưa hề có tín hiệu dòng tiền bắt đáy nhập cuộc với thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý bi quan tiếp tục khiến thị trường lùi sâu hơn. Và khi mọi người đang hình dung ra bối cảnh tiêu cực là ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm sẽ bị xuyên thủng, thì thị trường lại bất ngờ có pha quay xe đầy ấn tượng.
Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau khi khiến nhà đầu tư thất vọng ở phiên sáng, đã trở thành tâm điểm chính và lan ra các nhóm ngành khác, đặc biệt là ngân hàng, giúp VN-Index đảo chiều bật hồi hơn 20 điểm lên mức 1.225 điểm.
Tuy nhiên, khi tất cả đang bừng bừng khí thế với niềm tin thị trường sẽ có phiên mở màn tuần mới đầy phấn khởi, thì VN-Index lại đột ngột đảo chiều do sự thoái lui của dòng bank. Thị trường chuyển qua trạng thái phân hóa và VN-Index đảo chiều giảm nhẹ trong đợt khớp lệnh ATC.
Chốt phiên, sàn HOSE có 184 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index giảm 1,45 điểm (-0,12%) xuống 1.217,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 646 triệu đơn vị, giá trị 15.556 tỷ đồng, giảm 13,92% về khối lượng và 16,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 90,2 triệu đơn vị, giá trị 2.208,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng cân bằng hơn so với phiên sáng khi có 12 mã tăng và 14 mã giảm, kết phiên chỉ số nhóm này giảm xấp xỉ 1 điểm. Trong đó, MWG thu hẹp biên độ đáng kể khi chỉ còn giảm 1,7%, kết phiên đứng tại mức giá 58.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị; cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm là PLX cũng chỉ mất 1,8%.
Ngược lại, TPB vẫn là tích cực nhất nhóm khi kết phiên tăng 2,6%, đáng kể là pha đảo chiều ấn tượng của SSI và VHM tăng 1,4-1,5%, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt hơn 23 triệu đơn vị và 24,88 triệu đơn vị. Các cổ phiếu còn lại trong nhóm này chỉ biến động tăng giảm trong biên độ hẹp.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi TCH và HHS. Mặc dù trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, cổ phiếu TCH chỉ biến động lình xình, thậm chí đầu phiên có điều chỉnh nhẹ, nhưng lực cầu tăng mạnh trong 30 phút cuối phiên giao dịch, đã giúp mã này bốc đầu tăng vọt.
Kết phiên, TCH tăng 6,7% lên mức giá trần 15.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 7,3 triệu đơn vị và dư mua trần 0,82 triệu đơn vị. Trong khi đó, HHS cũng đảo chiều khởi sắc và đóng cửa tăng 5,3% lên mức 7.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,53 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ORS cũng có phiên giao dịch bùng nổ và khoe sắc tím thành công. Đóng cửa, ORS tăng 6,6% lên mức 13.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,38 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, cùng điểm sáng ORS, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn nhóm tăng tốt nhất và là tâm điểm chính của thị trường dù có hạ độ cao đôi chút về cuối phiên. Trong đó, CTS tăng 4%, HCM tăng 3,6%, AGR tăng 3,4%, BSI tăng 3,1%, VDS tăng 2,6%, VCI tăng 2,2%, FTS tăng 2,1%... Cổ phiếu SSI và VIX lần lượt tăng 1,5% và 2,1%, với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường khi cùng đạt hơn 24 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản trở nên cân bằng hơn nhờ VHM đảo chiều tăng 1,4%, kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 40.800 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 cao nhất thị trường với hơn 23 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong đó, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn khá tiêu cực, với KBC giảm 6% và khớp 13,35 triệu đơn vị, SIP giảm 4,9%, SZC và BCM cùng giảm 1,5%, D2D giảm 1,1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tín hiệu khởi sắc đã nhanh chóng quay đầu bởi áp lực đến từ các mã lớn như VCB giảm 0,8%, BID giảm 0,56%, cùng MBB và HDB giảm trên dưới 0,5%; các mã TCB, VPB, LPB, SHB, MSB đều lùi về mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, thị trường tích cực hơn khi HNX-Index hồi phục thành công với diễn biến khởi sắc ở nhóm HNX30.
Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,12%) lên 221,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53 triệu đơn vị, giá trị hơn 878 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,82 triệu đơn vị, giá trị 76,92 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ MST vẫn tỏa sáng với mức tăng 7,5%, đóng cửa đứng tại mức giá 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 7,7 triệu đơn vị.
Trái lại, DL1 bị bán mạnh, kết phiên giảm 10% xuống mức giá sàn 5.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,71 triệu đơn vị.
Về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng trên sàn HNX, với SHS đóng cửa đứng giá tham chiếu và khớp gần 8,8 triệu đơn vị, MBS tăng 3,8% và khớp 3,43 triệu đơn vị, BVS đảo chiều tăng 3,2%, APS tăng 3,2%...
Trái lại, nhiều mã đáng chú ý như DTD tiếp tục lùi sâu khi giảm 5,2%, IDC còn giảm 1,1%, HUT, TNG và PVS giảm nhẹ trên dưới 0,5%, với thanh khoản đều đạt hơn 1-2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng diễn biến khởi sắc hơn trong khoảng 30 phút cuối phiên sau nhịp rung lắc và liên tục đảo chiều trước đó.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,33%) lên 91,64 điểm với 152 mã tăng và 119 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,92 triệu đơn vị, giá trị 379,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 210,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn sôi động nhất thị trường với 3,42 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên thu hẹp biên độ khi chỉ còn giảm 0,5%, đứng tại mức giá 19.000 đồng/CP.
Trong khi đó, mã nhỏ HNG tăng 4,2% lên mức 5.000 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua BSR với 2,68 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Các cổ phiếu VEA, VGI và DDV có khối lượng khớp lệnh đều trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa VEA giảm nhẹ 0,4%, trong khi VGI tăng 2,2% và DDV tăng 1,1%.
Cổ phiếu đáng chú ý PHP có thời điểm chạm trần, đóng cửa tăng 13,7% lên mức 36.500 đồng/CP và khớp 0,75 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, với VN30F2411 giảm 2,4 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.273,2 điểm, khớp hơn 245.512 đơn vị, khối lượng mở gần 64.450 đơn vị.
Chia sẻ thông tin hữu ích