Xu thế chứng khoán ngày 8/3: Tiếp tục duy trì chiến lược lướt sóng
Chứng khoán 7/3, sau phiên chịu áp lực điều chỉnh ở quanh vùng kháng cự 1.280 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 9/2022, VN-Index đã phục hồi tốt trở lại ở vùng giá 1.260 điểm. Kết phiên VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,45%) lên mức 1.268,46 điểm dưới ảnh hưởng luân chuyển tích cực trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tiếp tục kiểm tra lại vùng giá cao nhất ngày 6/3/2023.
HNX-Index tăng 1,91 điểm (+0,81%) lên mức 237,37 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về tích cực với mức độ phục hồi tốt sau phiên điều chỉnh khi có 357 mã tăng giá (22 mã tăng trần) 288 mã giảm giá (04 mã giảm sàn) và 149 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 27.910,42 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước, trên mức trung bình. Khối lượng giao dịch trên VN-Index gần 1 tỷ cổ phiếu, cho thấy dòng tiền vẫn duy trì trong thị trường tốt, luân chuyển với mức độ phân hóa mạnh hơn, gia tăng nhiều ở các mã chưa tăng giá nhiều và nhóm thị phần thấp trong ngành chứng khoán.
Khối ngoại gia tăng giao dịch, bán ròng phiên thứ ba liên tiếp trên HOSE với giá trị 150,24 tỷ đồng, trong đó bán ròng khá mạnh ở cổ phiếu VHM, VNM; mua ròng trở lại trên HNX với giá trị 61,51 tỷ đồng, tập trung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Thị trường tiếp tục xoay vòng ngắn hạn khá tốt sang các mã chưa tăng nhiều trong các nhóm ngành, thể hiện trong VN30 như bán lẻ với MSN (+5,07%), khu công nghiệp BCM (+4,23%), bảo hiểm BVH (+3,70%), dầu khí PLX (+3,45%)... trong khi các cổ phiếu ngân hàng đa số chịu áp lực điều chỉnh tích lũy, biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức trung bình như BID (-2,02%), HDB (-1,28%), MSB (-0,97%)....
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch đột biến sau thông tin HOSE cho biết việc kết nối đã ổn định và hệ thống giao dịch trở lại bình thường sau sự cố trong phiên giao dịch chiều hôm qua. Nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng giá mạnh vượt đỉnh gần nhất với thanh khoản đột biến, tập trung nhiều ở các mã chưa tăng nhiều, thị phần thấp nổi bật với BMS (+9,26%), PSI (+9,20%), EVS (+8,33%), VIG (+7,14%), TVS (+6,83%).... ngoài CTS (-0,55%), FTS (-0,49%).. chịu áp lực điều chỉnh sau khi tăng giá mạnh.
Các cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến tương đối kém tích cực so với thị trường chung, mức độ phân hóa mạnh với LDG (+7,00%), VRC (+6,95%), NBB (+3,33%, TIG (+2,34%)... tăng giá tích cực ngoài ra HQC (-3,06%), HD6 (-1,09%), CSC (-1.03%)... chịu áp lực điều chỉnh. Thị trường vẫn duy trì nhiều mã/nhóm mã tăng giá vượt trội, thanh khoản đột biến như hóa chất DGC (+6,99%), CSV (+3,60%), phân bón BFC (+6,96%)... nông nghiệp VLC (+7,93%), PAN (+4,16%)...
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tăng điểm với diễn biến giằng co là chủ đạo trong hầu hết phiên giao dịch. Lực cầu gia nhập trở lại với hiệu ứng tích cực lan tỏa tương đối trên hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thể hiện tâm lý hưng phấn của nhà đầu và sự sôi động của dòng tiền tiếp tục cho thấy sức mua mạnh mẽ sẵn sàng gia nhập thị trường trở lại sau các nhịp điều chỉnh.
Mặc dù biên độ hồi phục vẫn tương đối hẹp và áp lực điều chỉnh vẫn đang hiện hữu, chỉ số được kỳ vọng vẫn duy trì được xu hướng tăng trong ngắn hạn hoặc sớm quay trở lại trong trường hợp điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1240 (+-5).
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng, chỉ kê lệnh giải ngân một phần tỷ trọng gối đầu cho các vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ gần.
Tận dụng nhịp tăng để chốt lời
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Dự kiến trạng thái giằng co và thăm dò sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo, nhưng vẫn có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhờ tín hiệu hỗ trợ hiện tại. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ hoặc mua tích lũy, tuy nhiên vẫn nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng kháng cự hoặc đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự.
Hạn chế việc mua đuổi
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Thanh khoản phiên hôm nay dù có sụt giảm so với phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức cao (+6.9% ) so với mức trung bình 20 phiên, điều này cho thấy dòng tiền vẫn rất khỏe dù gặp áp lực chốt lời khá mạnh trong phiên hôm qua.
Khả năng VN-Index quay lại test mốc kháng cự (1,275 - 1,277) điểm một lần nữa, nếu vượt qua với thanh khoản mạnh thì sẽ hướng tới mốc kháng cự mạnh quanh 1,300 điểm. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua đuổi, chờ thêm tín hiệu xác nhận tín hiệu tích cực rõ ràng hơn mới quay lại vị thế mua mới.
Tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu chững lại, nhưng dòng tiền dịch chuyển ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác như nhóm sản xuất thực phẩm, chứng khoán. Trong khi đó, rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu midcaps vẫn ở mức thấp cho thấy thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng trong ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới.
Tiếp tục duy trì chiến lược lướt sóng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Với diễn biến thị trường hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì chiến lược lướt sóng khi các phiên rung lắc tích lũy xuất hiện liên tục sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.250.
Thanh khoản vẫn duy trì ổn định những phiên gần đây cùng dòng tiền được dịch chuyển giữa các nhóm ngành nên các nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm ngành thu hút dòng tiền tốt như chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận