[VIDEO] VN-Index 08/08/2024: Phiên hàng về, ngày siêu sale?
Sau nhịp bán mạnh nửa cuối phiên sáng 07/08, nhà đầu tư đã chủ động tiết cung giá thấp trong phiên chiều, qua đó giúp nhiều mã hồi phục và kéo VN-Index trở lại, đóng cửa vượt qua ngưỡng 1.215 điểm.
Trong phiên sáng, với điểm tựa từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VN-Index bật tăng ngay khi mở cửa phiên và tiến lên chinh phục mốc 1.220 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, nên đã tận dụng các nhịp hồi để bán ra, khiến VN-Index quay đầu giảm điểm dù chưa tới được ngưỡng cửa 1.220 điểm.
Lực bán mạnh khiến sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, trong bộ ba cổ phiếu họ Vin chỉ còn duy nhất VHM giữ được sắc tím, bởi đây là nguồn xuất phát của thông tin hỗ trợ cho cả nhóm khi HĐQT Vinhomes quyết định mua vào 370 triệu cổ phiếu quỹ.
Trong các nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép, chỉ có duy nhất LPB của nhóm ngân hàng có sắc xanh, cùng một số ít mã giữ tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, dư âm từ lực bán cuối phiên sáng khiến VN-Index nới rộng đà giảm ngay khi mở cửa phiên, nhưng sau đó đã nhanh chóng quay đầu hồi phục trở lại khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu không muốn tạo ra sự hoảng loạn, gây bất lợi cho cả mình và cả thị trường, nên chủ động tiết giảm cung giá thấp.
Lực cung giá thấp được tiết giảm kéo nhiều mã hồi phục trở lại, sắc xanh dần cân bằng và rồi chiếm ưu thế so với sắc đỏ, qua đó kéo VN-Index lên lại trên ngưỡng 1.215 điểm khi đóng cửa. Tuy nhiên, sự thận trọng của cả bên bán và bên mua khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, xuống mức thấp nhất trong tháng 8.
VHM vẫn giữ vững sắc tím với thanh khoản vượt lên mức kỷ lục mới 36,73 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 1,31 triệu đơn vị. Trong khi đó, VRE có mức tăng 5,88% lên 18.000 đồng, khớp 21,45 triệu đơn vị, VIC tăng khiêm tốn hơn 2,54% lên 42.350 đồng, khớp 5,32 triệu đơn vị.
Ngoài bộ 3 nhà Vin, chiều nay nhóm VN30 cũng có nhiều mã hồi phục hoặc nới đà tăng như GVR tăng 3,83% lên 32.550 đồng, GAS tăng 2,72% lên 79.400 đồng, PLX tăng 1,7% lên 47.800 đồng, VNM tăng 1,51% lên 73.800 đồng, BCM từ mức giảm hơn 2%, mạnh nhất nhóm trong phiên sáng, đóng cửa phiên chiều cũng tăng 1,41% lên 72.000 đồng, mức cao nhất ngày; hay FPT và VCB cũng đảo chiều tăng nhẹ.
Cùng với đó, nhiều mã khác cũng về lại tham chiếu như HDB, MWG, POW, SSI và STB, cùng với SHB của phiên sáng.
Trong khi đó, số mã giảm chỉ còn 14 mã, trong đó TCB giảm mạnh nhất 2,24% xuống 21.800 đồng, khớp 19,62 triệu đơn vị; 3 mã ngân hàng khác là VPB, SSB và TPB là các mã giảm mạnh tiếp theo trong nhóm VN30 với mức giảm từ hơn 1,7% đến hơn 1,9%.
Qua đó, VN30-Index cũng hồi phục trở lại, đóng cửa tăng nhẹ 0,77 điểm (0,06%), lên 1.253,58 điểm.
Về các nhóm ngành, trong nhóm ngân hàng ngoài VCB còn có OCB hồi phục đóng cửa tăng nhẹ, cùng với LPB giữ đà tăng của phiên sáng, dù hạ nhiệt nhẹ 1 bước giá, đóng cửa tăng 1,44% lên 28.250 đồng.
Nhóm chứng khoán từ chỗ chỉ còn APG may mắn giữ tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ của phiên sáng, chốt phiên chiều đã xuất hiện 4 sắc xanh tại BSI, VCI, HCM và TVB. Trong khi ngoài APG và SSI, còn có thêm FTS, VIX về tham chiếu, còn VND chỉ còn giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản ngoài 3 mã VHM, VRC và TDH, còn có thêm LDG cũng tham gia nhóm lên kịch trần 1.940 đồng khi giao dịch trong phiên chiều. Trong khi đó, HQC dù không có sắc tím, nhưng cũng có mức tăng tốt 6,21% lên 3.590 đồng, OCG tăng 5,11% lên 6.170 đồng, SGR và DRH tăng 3,75%; ITA và DXS tăng hơn 3,7%; trong khi DXG, HTN, HDG tăng hơn 2%...
Trong 2 cổ phiếu bị HOSE thông báo sẽ bị đưa vào diện hủy niêm yết bắt buộc, HNG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 4.170 đồng, khớp 5,48 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 5,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, HBC lại quay đầu giảm 2,21% xuống 5.300 đồng, sau phiên hồi phục 5,65% hôm qua, khớp 1,43 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự HOSE, thậm chí HNX-Index còn bật dậy mạnh mẽ hơn VN-Index và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Ngoại trừ NRC vẫn án binh ở mức sàn 3.600 đồng, cùng MBS giảm dù đã giảm đã được thu hẹp so với phiên sáng, các mã còn lại trong Top thanh khoản trên HNX đều đã đảo chiều tăng hoặc trở lại tham chiếu.
Trong đó, SHS có thanh khoản tốt nhất 6,6 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 14.600 đồng; CEO khớp 3,14 triệu đơn vị, đóng cửa đảo chiều tăng 1,43% lên 14.200 đồng...
UPCoM dù cũng nỗ lực hồi phục trở lại theo 2 sàn niêm yết nhưng không thể trở lại được tham chiếu.
Phiên 07/08 goại trừ VHG đóng cửa ở tham chiếu, tất cả các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, BSR là mã có thanh khoản tốt nhất 10,93 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,18% lên 22.700 đồng. VHG đứng thứ 2 với 1,93 triệu đơn vị, tiếp đến là OIL với 1,82 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,8% lên 14.700 đồng, BCR khớp 1,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,12% lên 5.200 đồng…
Cổ phiếu VHM “nổi sóng” sau khi Vinhomes công bố sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Động thái này diễn ra ngay sau thông tin Hội đồng quản trị Vinhomes ngày dự kiến mua lại 370 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,5% vốn điều lệ theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Việc mua lại sẽ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 6/8, giá VHM trên sàn là 34.800 đồng/cổ phiếu thấp hơn 21% so với giá trị sổ sách trên 1 cổ phiếu của VHM theo báo cáo tài chính quý 2/2024 (khoảng 44.000 đồng/cổ phiếu). Dựa trên giá đóng cửa ngày 6/8, ước tính Vinhomes sẽ phải bỏ ra gần 13.000 tỷ đồng.
Việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến cho vốn điều lệ của Vinhomes giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm đi sẽ giúp chỉ số thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) tăng lên. Sau công bố này, Vinhomes đang được kỳ vọng có thể hỗ trợ đưa giá VHM tối thiểu về đến mức giá sổ sách.
Kết phiên ngày 7/8, giá cổ phiếu VHM tăng trần 6,9% lên mức 37.200 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 36,7 triệu đơn vị - tăng hơn 6 lần so với phiên trước.
Ở một diễn biến khác, trong khi các nhà đầu tư nội hào hứng, thì khối ngoại lại bán tháo cổ phiếu VHM với giá trị gần 720 tỷ đồng trong phiên giao dịch.
Ngoài VHM, hai cổ phiếu cùng “họ” Vin là cổ phiếu VRE và cổ phiếu VIC cùng đồng loạt tăng mạnh trong phiên 07/08, cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã tăng kịch trần 7% ngay từ đầu phiên sáng. Kết phiên 7/8, giá cổ phiếu VRE ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5,88% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hơn 21,4 triệu đơn vị - tăng gần gấp đôi so với phiên trước.
Tương tự, cổ phiếu VIC của Vingroup cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch, cùng thanh khoản tăng đột biến. Kết phiên 7/8, giá cổ phiếu VIC ở mức 42.350 đồng/cổ phiếu, tăng 2,54% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 5,3 triệu đơn vị - tăng hơn 2,5 lần so với phiên trước.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận