Thời buổi "tiền mặt là vua", Hoà Phát đang nắm giữ hơn 38.900 tỷ đồng
Dù lợi nhuận lỗ trong quý III, song Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn dẫn đầu thị trường chứng khoán với lượng tiền và tương đương tiền hơn 38.900 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt "khủng"
Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022. Trên sàn chứng khoán, Hoà Phát luôn là doanh nghiệp đi đầu trong việc sở hữu lượng tiền mặt, tiền gửi đáng kể.
Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/9/2022, Hoà Phát có 183.805 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 5.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, Tập đoàn này đang có 11.881 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, đồng thời đang gửi ngân hàng 27.030 tỷ đồng với kỳ hạn từ ba tháng đến dưới một năm.
Với tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của Hòa Phát là 38.911 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD), tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đang dẫn đầu các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III đến thời điểm này.
Theo sau Hòa Phát là PV GAS với lượng tiền hơn 36.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 là ACV với lượng tiền đạt mức 33.300 tỷ đồng. Nhóm tiếp theo cũng sở hữu lượng tiền trên 20.000 tỷ đồng phải kể đến Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), FPT, Sabeco (SAB), Vinamilk (VNM) và Novaland (NVL). Ông lớn xăng dầu Petrolimex cũng đang sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng lượng tiền mặt, tiền gửi tại thời điểm cuối tháng 9/2022.
Ngoài vị trí quán quân tiền mặt và tiền gửi, Hòa Phát còn là Á quân về doanh thu thuần quý III khi đem về 34.103 tỷ đồng, chỉ đứng sau Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR). Con số 34.103 tỷ đồng này chưa phải là doanh thu cao nhất lịch sử của Hòa Phát do còn thấp hơn 12% so với cùng kỳ 2021. Vào quý IV năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long thu về kỷ lục 44.711 tỷ đồng.
Vì sao Hoà Phát lỗ?
Trong kỳ kinh doanh quý III/2022, Hoà Phát ghi nhận doanh thu thuần hơn 34.103 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Doanh thu của đại gia thép Trần Đình Long đã liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV/2021.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn âm 1.786 tỷ đồng quý III. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của Hoà Phát lần lượt đạt gần 116.600 tỷ đồng và hơn 10.440 tỷ đồng. Các con số này đạt tương đương 76% và 39% kế hoạch cả năm nay.
Trong báo cáo tổng quan tình hình kinh doanh quý III, Hoà Phát cho biết doanh thu của sản xuất và kinh doanh thép - ngành chủ chốt của Hoà Phát đạt mức 32.554 tỷ đồng trong quý 3, đóng góp 95% vào doanh thu hợp nhất, 5% còn lại đến từ nông nghiệp và bất động sản.
Mặc dù vậy, lợi nhuận nhóm thép lại âm tới 1.950 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai kể từ quý IV/2008 nhóm thép ghi nhận lợi nhuận quý ở mức âm, qua đó đóng góp tới 109% trong tổng lỗ sau thuế hợp nhất của Hoà Phát và được bù đắp lại bởi 6% lãi từ nhóm nông nghiệp và 3% lãi từ nhóm bất động sản.
Xét về tình hình hoạt động cụ thể trong quý III, trong bối cảnh khó khăn và tiêu thụ toàn thị trường giảm, Hòa Phát vẫn duy trì tăng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, ống thép so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ thép thô của Hòa Phát đạt hơn 6 triệu tấn, trong đó 3,46 triệu tấn thép xây dựng và 2,04 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Sản lượng ống thép và tôn đạt lần lượt 577 và 249 nghìn tấn.
Thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong quý III/2022 ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép.
Tuy nhiên, Hoà Phát cũng buộc phải công nhận năm 2022 là một năm dồn dập khó khăn với ngành thép. Trong đó, quý III vừa qua ngấm chịu hệ quả của các tác động tiêu cực từ thị trường vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Hoà Phát chỉ ra những yếu tố chính tác động tiêu cực tới ngành thép nói chung cũng như hoạt động của Tập đoàn nói riêng.
Hiện than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. Trong khi quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm, tăng gấp 3 mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào tháng 3 rồi tháng 5 và chỉ được triệt tiêu một phần từ giá quặng giảm.
Mặc dù hiện tại giá than đã hạ nhiệt, nhưng với vòng quay hàng tồn kho thông thường khoảng 3 tháng, giá thành sản xuất thép quý III phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý này tăng mạnh 6.290 tỷ đồng, tương đương 23% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, giá bán thép xây dựng đã trải qua 19 nhịp điều chỉnh giảm kể từ tháng 5/2022. Giá bán bình quân quý 3 của thép xây dựng giảm 3%, của HRC giảm 26% và các sản phẩm từ HRC như ống thép, tôn giảm lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát tăng nhưng chưa bù đắp kịp mức ảnh hưởng theo chiều ngược lại của giá bán dẫn đến doanh thu giảm.
Fed trong tháng 9 đã nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức rất cao tại Mỹ. Tuy thị trường tín dụng Việt Nam đang giữ một độ trễ khá dài về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt so với thế giới nhưng lãi suất cũng đã bắt vào đà tăng trong quý III và đang dần gây áp lực lên chi phí vay vốn của các doanh nghiệp.
Do đó, lãi suất đi vay của Hòa Phát đã bắt đầu tăng trong quý III khiến cho dù dư nợ vay giảm so với quý trước, chi phí lãi vay quý này vẫn tăng 17% lên 837 tỷ đồng.
Bên cạnh lãi vay, tỉ giá là nguyên nhân chính dẫn làm chi phí tài chính của Hoà Phát quý III tăng ở mức đáng kể 1.341 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Với nguyên liệu than và quặng sắt chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và một phần dư nợ vay bằng USD, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận trong quý này tổng lỗ chênh lệch tỉ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỉ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận