Thị trường Việt Nam 8/6: Các ngân hàng có ROE lớn nhất trong quý I/2021
Top các ngân hàng có ROE lớn nhất trong quý I/2021, chính phủ dự kiến vay 75 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023 và quỹ ngoại Phần Lan - Pyn Elite Fund có một tháng 5 lãi đậm nhất từ trước đến nay… Trên đây là 3 điều quan trọng cần biết trong chuyển động trên thị trường Việt Nam hôm nay thứ Ba ngày 8/6, cùng theo dõi nội dung chi tiết dưới đây.
1. Top các ngân hàng có ROE lớn nhất trong quý I/2021
Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng đã công bố quý I/2021, cùng với sự tăng trưởng mạnh về lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của phần lớn ngân hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 5/27 ngân hàng ghi nhận ROE giảm. Sự thay đổi của ROE quý I năm nay đã tạo thay đổi lớn trong bảng xếp hạng về chỉ số này của các ngân hàng trong đó có sự góp mặt của một số ngân hàng mới. 10 ngân hàng có ROE cao nhất gồm những ngân hàng: Kienlongbank, VIB, VietinBank, Vietcombank (HM:VCB), MB, ACB (HM:ACB), HDBank (HM:HDB), TPBank, LienVietPostBank (HM:LPB) và VPBank (HM:VPB).
- Kienlongbank là một ngân hàng nhỏ và nhiều năm lợi nhuận ở mức thấp do gánh nặng nợ xấu tạo bất ngờ trong 3 tháng đầu năm khi ghi nhận lợi nhuận tăng vọt, kéo theo ROE từ 1,19% lên 12,55% và trở thành ngân hàng có ROE cao nhất trong nhóm.
- VIB xếp ở vị trí thứ hai với ROE đạt 7,75%. Nhờ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong quý đầu năm mà VietinBank thành công lọt Top 10 ngân hàng có ROE cao nhất với 7,3% (cùng kỳ năm trước là 3,08%), cao hơn cả ROE của Vietcombank 7,06%.
- BIDV (HM:BID) mặc dù có lợi nhuận ở mức cao luôn nằm trong Top 10 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận, ROE cũng cải thiện rõ rệt từ 1,84% lên 3,35% nhưng vẫn xếp sau nhiều nhiều ngân hàng khác như Techcombank (HM:TCB), OCB, SHB (HN:SHB), ABBank.
Nhóm có ROE thấp nhất gồm Saigonbank (1,37%), Eximbank (HM:EIB) (1,02%) và NCB (0,51%).
2. Chính phủ dự kiến vay 75 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2023
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chương trình quản lý nợ công ba năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm nay.
Theo đó, trong giai đoạn ba năm từ 2021 đến 2023, tổng mức vay của Chính phủ là khoảng 1.738 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 75 tỷ USD), trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.604 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại hơn 134 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm tại hai ngân hàng chính sách, hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài. Đồng thời, hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hằng năm bảo đảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng GDP năm trước. Song song đó là yêu cầu các địa phương khống chế hạn mức bội chi và nợ. Bội chi ngân sách địa phương khoảng 0,2% GDP hằng năm và nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 18,4 nghìn tỷ đồng.
Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả, kiểm soát tốc tăng dư nợ ngắn hạn tối đa 18 - 20% một năm; hạn mức vay ròng trung, dài hạn hàng năm tối đa khoảng 6.350 - 7.000 triệu USD, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.
Trong năm 2021, dự kiến lượng vay của Chính phủ là 624.221 tỷ đồng gồm 527.357 tỷ đồng vay trong nước và 96.864 tỷ đồng vay nước ngoài. Trong đó, vay để cân đối ngân sách trung ương 579.772 tỷ đồng và vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng. Khoản trả nợ dự kiến 394.506 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 366.224 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại là 28.282 tỷ đồng.
Đối với địa phương, năm 2021 dự kiến khoản vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 28.797 tỷ đồng. Trả nợ của chính quyền địa phương 6.662 tỷ đồng, bao gồm chi trả gốc 3.997 tỷ đồng và chi trả lãi 2.665 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 6.350 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 18%-20% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2020.
3. Quỹ ngoại Phần Lan - Pyn Elite Fund có một tháng 5 lãi đậm nhất từ trước đến nay
Quỹ ngoại đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund vừa công bố kết quả đầu tư tháng 5 đầy khởi sắc. Tỷ suất lợi nhuận đầu tư của quỹ đạt 9,87%, cao nhất kể từ đầu năm 2021. Qua đó cho thấy, tháng 5 năm nay có thể được xem là thành công lớn nhất về lợi nhuận quỹ ngoại đạt được trong 10 năm tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund đạt 16,26%. Mặc dù có sự khởi sắc trong tháng 5, kết quả đầu tư của quỹ ngoại này vẫn thấp hơn so với thị trường chung khi VN-Index tăng 20,3% so trong 5 tháng đóng cửa ở 1.328,05 điểm. Về quy mô, tài sản thuộc quyền quản lý của Pyn Elite Fund tính đến cuối tháng 5 đạt gần 700 triệu Euro (853,3 triệu USD).
Pyn cho biết, năm ngoái quỹ ngoại này đã thoái toàn bộ cổ phiếu giới hạn sở hữu nước ngoài với mức giá cao hơn so với thị trường nhờ phần bù cho các NĐT nước ngoài (foreign premium). Toàn bộ số tiền thu được đã tái đầu tư vào VFMVN Diamond ETF. Khoản đầu tư này đã đem lại lợi nhuận 51%. Về danh mục đầu tư cụ thể, tính đến cuối tháng 5, cổ phiếu VHM (HM:VHM) của Vinhome dẫn đầu về tỷ trọng với 13,8%. Sau khi tăng giá mạnh 36,7% trong tháng 5, mã TPB của TPBank vươn lên đứng thứ hai về tỷ trọng với 10,4%. Ba mã ngân hàng khác nằm trong 5 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Pyn là HDB (9,9%), MBB (HM:MBB) (9,5%), CTG (HM:CTG) (9,3%). VFMVN Diamond ETF có tỷ trọng 9% tính đến cuối tháng 5. Như vậy, thống kê cho thấy danh mục 5 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund có đến 4 cổ phiếu ngân hàng, chiếm tỷ trọng lên đến 39,1%. Theo ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của quỹ Pyn Elite Fund, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có khả năng công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý II. Do đó, có thể giả định rằng giá cổ phiếu của hai nhóm này sẽ giữ đà tăng trong vài tháng tới.
Cùng với các cổ phiếu ngân hàng, nhóm chứng khoán tăng giá mạnh trong tháng 5, cổ phiếu VCI (HM:VCI) của Chứng khoán Bản Việt nằm trong 3 mã tăng mạnh nhất của quỹ với 28%. Trạng thái đối lập, một số khoản đầu tư vẫn khiến Pyn thua lỗ dù thị trường tăng mạnh trong tháng qua như CEO (HN:CEO), ACV (HN:ACV) và VRE (HM:VRE).
Trong 4 tháng đầu năm, Pyn Elite Fund là quỹ đầu tư có kết quả tồi tệ nhất trên thị trường với tỷ suất lợi nhuận 5,81%. Kết quả này kém xa so với mặt bằng tăng giá của VN-Index (12,28%) và VN30-Index (22,55%). Quan sát tại nhóm quỹ đóng, quỹ tỷ USD của Dragon Capital - VEIL có kết quả khởi sắc nhất trong 4 tháng đầu năm với 23,4%. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn thấp hợp đáng kể so với hiệu suất của hai ETF trên thị trường là SSIAM VNFin Lead ETF (29,99%) và VFMVN Diamond ETF (26,5%). Một số ETF nội khác cũng có kết quả tốt hơn nhiều so với các quỹ đóng như SSIAM VN30 ETF, VFMVN30 ETF, SSIAM VNX50 ETF.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận