Thị trường tiền mã hoá bitcoin năm 2021: Cú đột phá đặc biệt
Bitcoin nói riêng và thị trường crypto nói chung đã có một năm 2021 đầy đột phá, không chỉ về giá trị mà còn liên quan đến vị thế pháp lý.
Đầu năm 2018, giới đầu tư tiền mã hóa dường như chết lặng khi chứng kiến Bitcoin bốc hơi hơn 50% giá trị, lao dốc từ mức đỉnh suýt soát 20.000 USD/đồng xuống dưới 10.000 USD/đồng. Sau hàng tháng trời, giá đồng tiền số vẫn chìm trong sắc đỏ, có thời điểm tiệm cận mốc 3.500 USD.
Cú xảy chân của Bitcoin được xem như vụ nổ bong bóng tài chính lớn nhất lúc bấy giờ. Hơn một năm sống trong "mùa đông Bitcoin", không ít nhà đầu tư tin rằng ngày tàn của thị trường tiền số có lẽ cũng đã đến.
Tuy nhiên, trong hơn một năm trở lại đây, diễn biến của thị trường tiền mã hóa một lần nữa khiến cộng đồng thế giới phải bất ngờ.
Năm đặc biệt
Khởi đầu năm mới 2021, giá Bitcoin chạm mốc 29.374 USD/đồng, vượt xa ATH năm 2017 những 34%. 7 ngày sau, vốn hóa của thị trường tiền số chính thức vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Ở khía cạnh giá trị, Bitcoin đã có 2 lần lập ATH quan trọng trong năm, lần lượt ở mức 63.502 USD/đồng (ngày 13/4) và 67.566 USD/đồng (ngày 8/11). Theo dữ liệu của Goldman Sachs, hiệu suất tăng trưởng của Bitcoin trong năm 2021 ước đạt 65%, xếp trên hàng loạt danh mục phổ biến khác như nhiên liệu, bất động sản, vàng…
Với vị thế đồng tiền mã hóa số một thế giới, xu hướng tăng trưởng của Bitcoin tạo nhiệt lượng lớn cho cả thị trường, thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt hệ sinh thái khác như Ethereum, Avalanche, Polygon, Polkadot, Solana…
Kết thúc quý I/2021, tổng vốn hóa của thị trường crypto tăng từ 633 tỷ USD lên 1.879 tỷ USD. Với hiệu suất khoảng 196%, vốn hóa thị trường mất chưa đầy 3 tháng để tiến sát kỉ lục mới 2.000 tỷ USD.
Theo một khảo sát của CNBC, có 10 người Mỹ lại có 1 người đã đầu tư crypto. Số lượng nhà đầu tư mới tham gia trong năm 2021 chiếm tới 45%.
Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến thị giá Bitcoin. Đầu tiên, sự phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn 2019-2020 đã khiến đơn vị tiền tệ này trở thành tâm điểm săn đón của nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.
Thứ hai, tương tự vàng, giới đầu tư coi Bitcoin là hàng rào, nơi trú ẩn an toàn trước tình trạng lạm phát xen lẫn suy thoái kinh tế gia tăng trên thế giới. Thời điểm đại dịch hoành hành còn là yếu tố khiến người dân cân nhắc mở rộng phạm vi kênh đầu tư.
Song song, việc hàng loạt tổ chức đầu tư lớn như Grayscale, Square, MicroStrategy… rót tiền vào Bitcoin cũng góp phần thúc đẩy cơn sốt giá. Lịch sử giá cho thấy Bitcoin thường chuyển biến tích cực trước những tin vui từ nhà đầu tư tổ chức.
Theo dữ liệu của PitchBook Data, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót khoảng 30 tỷ USD vào thị trường tiền mã hóa, cao gấp 4 lần thời điểm giá Bitcoin tăng 1.300% vào năm 2018.
Tâm lý FOMO của người chơi tiếp tục dâng cao trước sự ảnh hưởng của Elon Musk. Trong năm 2021, vị tỷ phú Mỹ liên tục có những phát ngôn tác động đến diễn biến thị trường trên mạng xã hội.
Một trong những dấu ấn nổi bật của Musk chính là việc thay đổi tiểu sử cá nhân trên Twitter thành #bitcoin vào ngày 29/1, giúp giá đồng tiền số bật tăng 15% chỉ trong vòng 30 phút.
Ngoài ra, thông tin hãng sản xuất xe điện Tesla của Musk đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, đồng thời cho biết sẽ sử dụng làm phương thức thanh toán sản phẩm trong thời gian sắp tới cũng khiến giá Bitcoin dựng cột thẳng đứng, pump mạnh hơn 10.000 USD.
Sau 2 tuần đầu tư, hiệu ứng giá Bitcoin nhanh chóng giúp công ty thu về 1 tỷ USD lợi nhuận.
Sự trỗi dậy của nhiều xu hướng
Ngoài Bitcoin, Elon Musk còn là người thổi giá Dogecoin và Shiba Inu coin (SHIB), vô hình chung khởi xướng nên phong trào đầu tư memecoin trên toàn thế giới quý II/2021.
Sinh ra như những trò đùa, thế nhưng tính từ đầu năm 2021 đến mốc ATH gần nhất, giá Dogecoin đã tăng trưởng hơn 116 lần, trong khi giá SHIB tăng hơn 500.000 lần. Cả 2 token hiện nằm trong nhóm những đồng crypto lớn nhất thế giới.
Cơn sốt FOMO memecoin nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt bùng nổ mạnh từ đầu tháng 5 và cuối tháng 10. Trước sự hưởng ứng của nhà đầu tư, vốn hóa thị trường memecoin có thời điểm vượt qua con số 50 tỷ USD.
Theo khảo sát từ Finder, 28,6% người được hỏi cho biết họ đang sở hữu Dogecoin, thậm chí nhỉnh hơn số lượng người chơi đầu tư Ethereum – đồng tiền số lớn thứ 2 thế giới.
Ngoài memecoin, giai đoạn giữa và cuối năm 2021 còn là thời điểm bùng nổ của nhiều xu hướng chủ đạo như DeFi, NFT, GameFi hay Metaverse.
Thực tế, việc Bitcoin cùng thị trường crypto bứt phá về mặt giá trị đã tạo điều kiện giúp những phong trào đầu tư được người dùng đón nhận và trở nên phổ biến hơn. Trên hết, thị trường không chỉ là nơi nuôi dưỡng những dự án thuần công nghệ mà còn lan tỏa sang các khía cạnh khác như thực tế ảo, vừa giải trí vừa kiếm tiền (play to earn).
Theo JPMorgan, tính đến tháng 11, vốn hóa thị trường NFT ước đạt 7 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa thị trường GameFi đã vượt qua con số 100 tỷ USD.
Dữ liệu từ DappRadar cho thấy đã có 1.049 tựa game xây dựng trên công nghệ blockchain đi vào hoạt động. Số lượng người chơi tham gia tăng từ 80.000 người vào đầu tháng 4 lên 1,3 triệu người cho đến tháng 10, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 270%. Khối lượng giao dịch hàng ngày cũng tăng từ 500.000 USD lên khoảng 544 triệu USD cùng kỳ, tăng trung bình hàng tháng hơn 181 lần.
Trong tương lai, hai xu hướng NFT và GameFi có thể tiếp tục phát triển và mở rộng khi kết hợp với vũ trụ ảo metaverse. Sức hút của metaverse ngày càng thể hiện rõ khi hàng loạt gã khổng lồ công nghệ lớn như Epic Games, Microsoft, Facebook (nay là Meta) tuyên bố rót tiền vào lĩnh vực này.
Chia sẻ với diễn đàn Phổ cập Blockchain, một số chuyên gia tại Việt Nam đánh giá cao vị thế của thị trường crypto và blockchain trong năm 2021. Việc ngày càng có thêm nhà đầu tư mới tham gia thị trường là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực này đã dần lấy lại được niềm tin.
Câu chuyện crypto và blockchain không chỉ xoay quanh vấn đề lời lỗ hay trào lưu ICO, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giống như 3-4 năm trước. Sự xuất hiện của nhiều xu hướng là bằng chứng cho thấy crypto và blockchain đã được ứng dụng vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Theo ông Duy Tùng – Regional Business Development Manager từ Alpaca Finance – sự tham gia của nhiều quỹ, nhà đầu tư tổ chức, công ty truyền thông hay người nổi tiếng đã giúp thị trường trưởng thành hơn trước.
"Ngày trước, người ta chỉ cần vẽ lên một cái whitepaper, sau đó kêu gọi vốn và ăn chơi ‘phè phỡn’, chẳng nghĩ đến chuyện làm smart-contract sao cho bảo mật, cho giữ được tiền. Mọi thứ nay rất khác so với năm 2017", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Trung Hoàng – founder KTS Capital – cho rằng việc hàng loạt dự án scam, đa cấp, ủy thác không uy tín mọc lên vào năm 2017 khiến nhiều người hoài nghi về ứng dụng của blockchain trong đời sống.
"Bắt đầu tư năm nay, cả cộng đồng đã chứng kiến được sức ảnh hưởng tích cực của blockchain. Chúng ta thấy các dự án game từ truyền thống chuyển thành mô hình blockchain, người ta còn ứng dụng công nghệ này và hoạt động bầu cử, quản lý doanh nghiệp", ông Trung cho biết.
Dấu ấn trên chiến trường pháp lý
Giới quan sát tin rằng 2021 là năm thành công của thị trường tiền mã hóa. Không chỉ về giá trị, thị trường còn đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng về vấn đề pháp lý trên nhiều khía cạnh, cả tiêu cực lẫn tích cực.
Bước sang đầu quý II/2021, thị trường crypto ngập trong FOMO khi giá Bitcoin vượt 60.000 USD/đồng và lập ATH quan trọng ở mốc 63.502 USD/đồng hôm 13/4. Tâm lý hưng phấn khiến nhiều chuyên gia dự đoán giá Bitcoin có khả năng vượt ngưỡng 100.000 USD trong nay mai.
Kể từ năm 2017, quý II luôn là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của Bitcoin. Song, crypto một lần nữa chứng tỏ sự nhạy cảm với tin tức khi lao dốc phi mã vào giữa tháng 5, thời điểm giới chức Trung Quốc tung hàng loạt biện pháp trấp áp hoạt động giao dịch và khai thác tiền mã hóa.
Áp lực bán tháo trước tin tức tiêu cực khiến giá Bitcoin giảm hơn 50%, chạm đáy dưới 30.000 USD/đồng. Đây cũng là mức giá thấp nhất của Bitcoin trong năm 2021.
Dù nhanh chóng hồi phục lên mốc 40.000 USD/đồng vài ngày sau đó, đòn giáng của chính phủ Trung Quốc vẫn xóa tan mọi thành quả mà Bitcoin từng đạt được.
Giới đầu tư sống trong sợ hãi, lo lắng về một đợt khủng hoảng, thoái trào mới sắp xuất hiện. Ngay cả sự can thiệp của Elon Musk trên truyền thông đại chúng hay việc sàn giao dịch mã hóa Coinbase IPO cũng không cứu vãn nổi tình hình.
Trong vòng một năm, chính quyền Bắc Kinh đã có 3 lần thắt chặt lĩnh vực tiền mã hóa vào tháng 5, 9 và 11. Cả 3 lần đều khiến giá Bitcoin sụt giảm nghiêm trọng.
Giới chức nước này cho rằng tiền mã hóa đang gây gián đoạn đến trật tự kinh tế và tài chính, đồng thời là lỗ hổng cho hoạt động rửa tiền, gây quỹ trái phép và gian lận. Mặc dù vậy, CoinTelegraph nhận định cuộc đàn áp tiền mã hóa của chính phủ Trung Quốc nhằm mục đích dọn đường cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Sự cứng rắn của Trung Quốc còn buộc nhiều thợ đào coin tìm kiếm nơi trú ẩn mới, tạo ra một cuộc di cư máy đào lớn chưa từng có trong lịch sử.
Tuy nhiên, thị trường crypto vẫn được nhà đầu tư tổ chức ủng hộ. Việc nhiều tổ chức lớn như MicroStrategy mạnh tay bắt đáy Bitcoin là chất xúc tác củng cố tinh thần của cộng đồng nhà đầu tư cá nhân.
Bất chấp FUD từ Trung Quốc, thị trường trong quý III ngập tràn triển vọng khi tin vui liên tục nối tiếp. Nhiều công ty, tổ chức bắt đầu đón sóng crypto bằng cách tung ra hàng loạt dịch vụ hỗ trợ người dùng.
Ở góc độ pháp lý, khác hẳn Trung Quốc, giới chức Mỹ bắt đầu tiếp cận lĩnh vực tiền mã hóa với thái độ mềm mỏng hơn.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Gary Gensler thậm chí bày tỏ quan điểm tích cực đối với sự ra đời của các quỹ ETF Bitcoin. Còn theo Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Washington sẽ chủ động sử dụng các quy định để điều tiết thị trường tiền mã hóa và không đưa ra biện pháp tiêu cực.
Một số quốc gia khác như El Salvador cũng dang tay đón nhận Bitcoin. Quốc gia Trung Mỹ thậm chí bắt đầu áp dụng Bitcoin là đơn vị tiền tệ thanh toán hợp pháp.
Tương tự Elon Musk, ông Nayib Bukele, Tổng thống El Salvador, là người đam mê Bitcoin cũng như thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội. Không chỉ tạo dấu ấn bằng việc triển khai phương tiện thanh toán mới, Bukele còn nổi tiếng khi thường xuyên cập nhật quá trình bắt đáy Bitcoin của chính phủ El Salvador.
Đà tăng trưởng của Bitcoin tiếp tục được thổi thêm nhiệt lượng khi SEC phê duyệt quỹ ETF Bitcoin đầu tiên tại Mỹ. Sự ra đời của các ETF Bitcoin là dấu mốc pháp lý quan trọng cho chu kỳ phát triển của tiền mã hóa.
Sau nhiều ngày chật vật, giá Bitcoin có lần thứ 2 trong năm lập ATH ở mốc 67.566 USD/đồng. CoinGecko ghi nhận tổng giá trị vốn hóa của cả thị trường lần đầu tiên vượt mốc 3.000 tỷ USD.
Song, kỳ trăng mật của Bitcoin sớm nở chóng tàn. Giá Bitcoin chứng kiến đợt điều chỉnh mạnh xuống dưới 45.000 USD/đồng, tức bốc hơi khoảng 31%.
Động thái này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ thông qua dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong đó có nội dung đánh thuế và siết chặt quản lý thị trường tiền mã hóa. Ngoài ra, mối lo ngại FED chuẩn bị nâng lãi suất trước tình trạng lạm phát cũng đè nặng tâm lý nhà đầu tư, tạo áp lực bán tháo trên thị trường.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới Omicron cũng dấy lên nhiều lo ngại cho giới đầu tư. Không chỉ crypto, nhiều danh mục đầu tư khác trên thế giới cũng chịu tác động nặng nề.
Giới đầu tư bắt đầu lo ngại về một "mùa đông" tiếp theo sẽ đến. Tuy nhiên, nếu có, "mùa đông crypto" sắp tới chắc chắn khó lòng bóp nghẹt được thị trường. Ông Việt Dinh – CTO Symper, admin Diễn đàn Phổ cập Blockchain – chỉ ra 4 điểm khác biệt lớn nhất về "mùa đông crypto tiếp theo".
Thứ nhất, niềm tin ủa cộng đồng và thị trường đã mạnh mẽ hơn nhiều. Thời kỳ đầu, blockchain và crypto còn phải chứng minh sự "đúng đắn" của nó, song ngày nay, một tin tức hay sự kiện cũng khó có thể khiến thị trường sụp đổ.
Thứ hai, thị trường đang sở hữu nhiều sản phẩm, sân chơi đa dạng và phong phú. Đây có thể xem là yếu tố kích thích nhu cầu của người dùng mới.
Thứ ba, sự cởi mở của chính phủ El Salvador sẽ là bước khởi đầu. Bản thân một số chính phủ khác cũng đang bắt đầu phát hành CBDC cho riêng mình.
Cuối cùng, sự có mặt công khai của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn là tín hiệu cho thấy thị trường được những ông lớn ủng hộ.
Dù những dự đoán Bitcoin lên 100.000 USD đã không còn mấy giá trị, giới đầu tư vẫn kiên nhẫn quan sát và hy vọng đồng tiền số có thể lập một ATH mới vào thời điểm đầu năm 2022.
Hiện tại, Bitcoin đang được giao dịch quanh ngưỡng 48.000 USD/đồng. Tuy không trọn vẹn, tự bản thân chúng ta có thể cảm nhận những thay đổi tích cực mà Bitcoin hay thị trường crypto nói chung trải qua trong năm nay. So với những năm trước, lĩnh vực crypto trong năm 2021 đã ghi nhiều dấu ấn cũng như đạt được thành quả vượt trội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận