Thị trường tài chính 24h: Tâm lý muốn “ăn nhanh” của nhà đầu tư vẫn hiện hữu
(ĐTCK) VN-Index hồi phục nhẹ; Tăng cường năng lực để kiểm soát chất lượng tín dụng; Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể lên 1.646 - 1.688 điểm; Nhiều sóng ngắn song hành; Giá năng lượng lại đè doanh nghiệp niêm yết; Giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh dưới 100 USD/thùng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/3 giảm 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 67,40 – 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 39,8 USD/ounce xuống 1.951,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và về gần 1.930 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,77 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.186 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.750 – 23.030 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 38.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã giảm nhẹ trước khi bật lại về vùng giá trên vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 6,49 USD (-6,30%), xuống 95,52 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 6,59 USD (-6,15%), xuống 100,33 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index hồi phục nhẹ
Tâm lý thận trọng tiếp tục diễn ra trong phiên sáng nay 15/3 khiến sức cầu thị trường suy yếu. Đã 2 lần chỉ số xuyên thủng ngưỡng 1.440 điểm, nhưng đều bật trở lại.
Bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động tích cực hơn, trong khi lực cung được tiết giảm đáng kể, cùng nhiều mã bluechip góp sức giúp VN-Index đóng cửa ngày với cây nến xanh đầu tiên sau 7 phiên liên tiếp đóng cửa với cây nến đỏ.
Các bluechip POW +4,8%, PNJ +4,5%; MSN +3,7%, VJC +2,1%; GAS +1,9%, GVR +1,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm ngành xây dựng LCG, CTI và FCN duy trì vững mức giá trần.
Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất chịu áp lực lớn với TCS, SFG, VAF đều giảm sàn, CSV -5%; DCM -1%. Tuy nhiên, DPM đã quay đầu tăng 0,3%.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của phố Wall hầu hết giảm trong phiên ngày thứ Hai (14/3), khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ và những tên tuổi tăng trưởng lớn trước cuộc họp của Fed vào tuần này.
Chỉ số ngành năng lượng giảm 2,9% do dầu thô Brent giảm xuống dưới 110 USD/thùng, một tuần sau khi tăng cao tới 139 USD/thùng.
Mặt khác, diễn biến trong cuộc xung đột Ukraine-Nga càng khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn, khi các phái đoàn Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán thứ tư vào thứ Hai, nhưng không có tiến triển nào được công bố.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, được củng cố bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc, mặc dù sự thận trọng trước đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed đã hạn chế đà đi lên.
Dữ liệu cho thấy mức tăng mạnh trong sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 2 đã nâng đỡ chỉ số Nikkei 225.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,15% lên 25.346,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,79% lên 1.826,63 điểm.
Dẫn đầu mức tăng trong số 33 chỉ số phụ của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo là cổ phiếu bảo hiểm, tăng 2,8%, sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi trong phiên đêm qua.
Các nhà khai thác dầu dẫn đầu đà đi xuống với mức giảm 6,58% do giá dầu thô giảm mạnh. Trong đó, Inpex giảm 6,82%, xóa đi gần hết mức tăng hơn 9% trong tháng này.
Các nhà sản xuất ô tô cũng nổi bật với mức tăng 4,51% của Subaru, Nissan tăng 4,22%, trong khi Toyota tăng 2,14%.
Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo, giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng, khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng đe dọa triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đè nặng lên tâm lý, do lo lắng về sự gia tăng khác biệt giữa Bắc Kinh và Washington, khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 4,95% xuống 3.063,97 điểm điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 4,57% xuống 3.983,81 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/6/2020.
Tình trạng sụt giảm của thị trường càng trở nên trầm trọng hơn do các nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh thông qua chương trình Kết nối chứng khoán của Trung Quốc. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy dòng tiền bán ròng phiên thứ bảy liên tiếp và đạt tổng cộng 13,3 tỷ nhân dân tệ (2,08 tỷ USD) trong ngày.
Trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến của Trung Quốc đã đình chỉ các phương tiện giao thông công cộng bao gồm xe buýt và tàu điện ngầm, khiến các nhà sản xuất như nhà cung cấp Foxconn của Apple và Unimicron Technology Corp phải tạm dừng hoạt động. Trung tâm tài chính của Thượng Hải đã đóng cửa một số khu nhà ở và văn phòng.
Các nhà phân tích của Nomura cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng một lần nữa. Với tình hình đại dịch đang ngày càng tồi tệ và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc duy trì chiến lược Zero Covid, chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Trung Quốc trong năm nay đang ngày càng trở nên viển vông”.
Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục lao dốc do đà giảm không phanh của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 5,72% xuống 18.415,08 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 6,58% xuống 6.123,94 điểm.
Cổ phiếu của những khổng lồ công nghệ được niêm yết tại Hồng Kông giảm hơn 7%, sau khi JPMorgan Chase & Co đã hạ bậc xếp hạng 28 cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và Hồng Kông vào thứ Hai.
JPMorgan Chase & Co cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhóm cổ phiếu Internet Trung Quốc không hấp dẫn trong khoảng 6-12 tháng tới, với triển vọng giá cổ phiếu không thể đoán trước, tùy thuộc vào nhận thức của thị trường về rủi ro địa chính trị, phục hồi vĩ mô và rủi ro điều tiết internet của Trung Quốc”.
Chỉ số ngành công nghệ đã mất khoảng 22% kể từ thứ Sáu tuần trước, khi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ xác định các công ty Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết nếu họ không cung cấp quyền truy cập vào các tài liệu kiểm toán.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 tuần, khi các nhà đầu tư lo lắng về việc tăng lãi suất của Mỹ và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn do đại dịch gây ra ở Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 24,12 điểm, tương đương 0,91% xuống 2.621,53 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/1.
Các cổ phiếu lớn về công nghệ dẫn đầu sự sụt giảm, với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1% và 3,02%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,1%.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tăng cường năng lực để kiểm soát chất lượng tín dụng
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho rằng, việc thực hiện cập nhật nhóm nợ cao nhất, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro dựa trên nhóm nợ cao nhất tác động đến nhiều chỉ số của các tổ chức tín dụng và toàn ngành ngân hàng..>> Chi tiết
- Trong kịch bản lạc quan, VN-Index có thể lên 1.646 - 1.688 điểm
Đó là nhận định của đại diện Công ty Chứng khoán MBS tại Tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay 5/3..
- Nhiều sóng ngắn song hành
Không có dòng cổ phiếu đủ mạnh để dẫn dắt thị trường từ Tết đến nay, nhưng tâm lý muốn “ăn nhanh” của nhà đầu tư vẫn hiện hữu, nên dòng tiền luân chuyển liên tục để tìm cơ hội, tạo ra những con sóng ngắn giữa các nhóm cổ phiếu..>> Chi tiết
- Giá năng lượng lại đè doanh nghiệp niêm yết
Giá xăng dầu, khí, than tăng vọt trong những ngày qua khiến các doanh nghiệp có đầu vào chủ yếu là các sản phẩm này chịu thêm tổn thương.
- Giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh dưới 100 USD/thùng
Thị trường dầu liên tục trải qua chuỗi biến động mạnh và gần đây nhất là giảm mạnh trở lại khi chỉ vừa đạt mức cao gần 140 USD/thùng trong tuần qua..
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận