Thị trường rộng mở, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành gạo rẽ 2 hướng
Kết thúc năm 2022, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành gạo phân hoá rõ nét theo 2 chiều tăng, giảm trước khi đón nhận những tín hiệu khả quan từ thị trường.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Doanh nghiệp “ôm” hàng tồn kho
Trước khi kết thúc năm 2022, doanh nghiệp ngành gạo đã trải qua những tháng cuối với nhiều yếu tố khó, trong đó phải kể đến như chi phí đầu vào tăng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, một điểm chung của các doanh nghiệp ngành gạo là hầu hết sở hữu lượng hàng tồn kho lớn hơn so với đầu năm.
Bước sang năm 2023, thị trường đang dần có sự chuyển biến, đặc biệt đối với ngành gạo và tiếp tục được dự báo có nhiều rộng mở trong thời gian sắp tới. Chính vì vậy, hàng tồn kho tăng cao đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp khi đóng vai trò như một phương án giúp hoạt động lưu thông hàng hoá của các công ty được diễn ra liền mạch.
Đứng đầu trong số doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho lớn nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận chỉ số hàng tồn kho đạt 3.041 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn cơ cấu là thành phẩm với hơn 1.412 tỷ đồng. Đồng thời, giá trị hàng hoá ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tăng từ 252 tỷ đồng từ đầu năm lên 679 tỷ đồng vào cuối năm, tương đương tăng 169%.
Một doanh nghiệp khác cùng ngành là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận hàng tồn kho vào ngày 31/12/2022 là 1.411 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu. Cụ thể, nguyên liệu, vật liệu có tổng giá trị ở mức 1.297 tỷ đồng, tăng 71% so với 758 tỷ đồng vào đầu năm.
Theo chiều ngược lại, giá thành phẩm đạt 81 tỷ đồng, hàng gửi đi bán đạt 8,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 93% so với số đầu năm.
Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản An Giang (Afiex; UPCoM: AFX), chỉ số hàng tồn kho đạt 110 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với số đầu năm. Đặc biệt, cuối kỳ công ty đã không còn ghi nhận khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trong khi cùng kỳ con số này là 81 triệu đồng.
Chi phí hàng tồn kho của Afiex tăng chủ yếu là do thành phẩm và hàng hoá. Cụ thể, thành phẩm đạt 24 tỷ đồng, hàng hoá đạt 23 tỷ đồng, tăng lần lượt 166% và 11 lần so với số đầu năm
Chiều ngược lại của xu hướng
Trái lại với xu hướng chung của các doanh nghiệp trên, Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) là 2 doanh nghiệp giảm trích lập hàng tồn kho trước tình hình kinh doanh có nhiều tín hiệu khả quan.
Theo đó, hàng tồn kho của Lộc Trời đạt 2.108 tỷ đồng, giảm 11,4% so với đầu năm. Trong đó, hàng mua đang đi đường ghi nhận giảm mạnh từ 269 tỷ xuống chỉ còn gần 18 tỷ đồng, tương ứng với 93%. Theo chiều giảm của hàng mua, giá nguyên vật liệu và hàng hoá của công ty cũng ghi nhận lao dốc. Tuy nhiên, thành phẩm là chỉ số ghi nhận chiều tăng ngược lại với xu hướng khi tăng 36,5% lên 841 tỷ đồng.
Cùng chiều giảm của Lộc Trời, Vinafood II chỉ trích lập 1.145 tỷ đồng hàng tồn kho tại cuối năm 2022, giảm 12%. Đáng chú ý, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong kỳ cũng được công ty tiết chế mạnh, giảm từ 108 tỷ đồng vào đầu năm xuống chỉ còn 27 tỷ đồng vào cuối năm, tương ứng giảm 75%.
Cụ thể hơn, chi phí thành phẩm và hàng hoá ghi nhận giảm mạnh nhất với lần lượt 14% và 41% so với đầu năm xuống còn 389 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.
Ngành gạo nhiều triển vọng trong năm 2023
Báo cáo ngành lúa gạo cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, năm 2023, trong bối cảnh hạn hán tiếp tục kéo dài tại Trung Quốc và Ấn Độ khiến khiến sản lượng, tồn kho tại Philippines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm qua với mưa nhiều và dần chuyển sang trung tính trong nửa đầu năm 2023. VCBS kỳ vọng điều này sẽ cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo USDA). Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Những tín hiệu tích cực từ thị trường, giá ở mức cao nên hợp đồng xuất khẩu gạo trong niên vụ sản xuất mới sẽ tốt. Nông dân cũng sẽ có lợi nhuận tốt hơn.
VCBS cũng cho rằng, chi phí đầu vào dự kiến cũng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga; đồng thời gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt mạnh tay. Nguồn cung phân bón thế giới kỳ vọng gia tăng qua đó cải thiện biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lúa gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận