Sức mua cải thiện, cổ phiếu bán lẻ bứt phá
Ngành bán lẻ đang trên đà phục hồi và kỳ vọng sức mua gia tăng trong những tháng cuối năm đã tạo động lực cho cổ phiếu ngành này tăng giá.
Tín hiệu khởi sắc
Thị trường chứng khoán tuần qua ghi nhận diễn biến tăng khá tốt của nhóm cổ phiếu bán lẻ như FRT, MWG, DGW, PNJ, HAX, MSN, trong đó mã FRT lập đỉnh mới tại 188.000 đồng/cổ phiếu, mã PNJ lập đỉnh mới tại 109.300 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, cổ phiếu bán lẻ đã và đang nằm trong nhóm được các chuyên gia khuyến nghị đầu tư, với kỳ vọng có “sóng” cuối năm nhờ sức cầu tiêu thụ cải thiện cùng đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 3,625 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà phục hồi sản xuất của Việt Nam thể hiện rõ qua đà tăng liên tục của chỉ số PMI kể từ tháng tháng 4, đến tháng 7 đạt 54,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Sản xuất phục hồi sẽ giúp việc làm gia tăng, từ đó gia tăng thu nhập của người dân và tiêu dùng có khuynh hướng tăng theo thu nhập. Đồng thời, mức lương mới được áp dụng từ tháng 7 cũng có thể khiến người lao động mạnh tay chi tiêu hơn.
Trong khi đó, tháng 9 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giảm lãi suất, qua đó góp phần làm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo ra dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Các doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ hưởng lợi khi tiếp cận nguồn vốn rẻ, đồng thời kích thích người tiêu dùng mua sắm, góp phần phục hồi sức mua trong nước.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cổ phiếu bán lẻ là một trong những nhóm hưởng lợi cùng đà phục hồi kinh tế. Lợi nhuận nhóm này dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, lựa chọn điểm mua là yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, mỗi doanh nghiệp bán lẻ có những câu chuyện riêng để kỳ vọng vào tăng trưởng. Với kỳ vọng hồi phục, nhiều cổ phiếu đã có nhịp tăng giá đáng kể trong thời gian qua, nhưng triển vọng hồi phục kết quả kinh doanh có thể kéo dài sang năm 2025, nhà đầu tư vẫn có thể mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.
Kết quả kinh doanh hồi phục
Triển vọng hồi phục kết quả kinh doanh nhóm bán lẻ có thể kéo dài sang năm 2025.
Bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp khối bán lẻ cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của nhóm này. Trong đó, chuỗi siêu thị Winmart của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN), chuỗi nhà thuốc Long Châu của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) chuỗi Bách Hoá Xanh với đa dạng các mặt hàng của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (Thế giới di động, mã MWG) có mức tăng trưởng doanh thu tích cực. Hiệu quả kinh doanh mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Thế giới di động, FPT Retail, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) cũng được cải thiện sau khi kết thúc cuộc chiến cạnh tranh về giá và nhu cầu bắt đầu hồi phục. Với mặt hàng bán lẻ trang sức, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhờ thị trường vàng sôi động.
Cụ thể, FPT Retail đạt hơn 18.281 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 212 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, FPT Retail đã đóng hơn 110 cửa hàng FPT Shop kém hiệu quả, đồng thời dịch chuyển cơ cấu sản phẩm giúp tỷ lệ lãi gộp của chuỗi cửa hàng này được cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Công ty tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, công ty con là Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu tiếp tục mở rộng hệ thống nhà thuốc, tính đến cuối tháng 6/2024 tăng 463 nhà thuốc so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 67%.
Đại diện FPT Retail cho biết, từ ngày 17/7/2024, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, chuỗi cửa hàng FPT Shop ghi nhận tăng trưởng doanh số tốt ở mảng thiết bị công nghệ, đặc biệt là nhóm hàng laptop.
Quý III/2024, FPT Retail dự kiến đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với 2 quý đầu năm, khi nhu cầu tiêu dùng bắt đầu tăng dần trước khi bước vào mùa vụ chính cuối năm, cùng với việc các hãng công nghệ ra mắt sản phẩm mới, chẳng hạn iPhone 16. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng phủ chuỗi FPT Long Châu và thúc đẩy hiệu quả hoạt động các cửa hàng hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh ngành hàng gia dụng, điện máy.
Với Digiworld, trong 6 tháng đầu năm 2024, tất cả các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số. Công ty đạt doanh thu gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 181 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 43% và 37% kế hoạch cả năm.
Digiworld nhận định, việc tắt sóng di động 2G vào tháng 9 tới sẽ tạo ra một làn sóng mua mới điện thoại, đặc biệt là các dòng điện thoại thông minh giá rẻ và những tháng cuối năm nay sẽ là thời điểm thay mới thiết bị của các sản phẩm điện thoại, laptop sau vùng đỉnh năm 2021. Hai yếu tố đó cùng với việc phân phối thêm các sản phẩm mới của MSI, Digiworld kỳ vọng, trong quý III/2024 sẽ đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Thế giới di động, diễn biến khả quan của thị trường và hoạt động tái cấu trúc công ty đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, gấp 53 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 86% kế hoạch năm. Trong cơ cấu doanh thu, mảng điện máy chiếm 32,1%, mảng điện thoại, phụ kiện và thiết bị di động chiếm 31,7%, mảng thực phẩm tươi và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chiếm 29,7%. Tính riêng quý II/2024, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng của Thế giới di động đạt 2 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Thế giới di động ước tính, doanh thu trong tháng 7/2024 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu tháng 6 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, doanh thu và lợi nhuận có thể duy trì đà tăng trưởng trong xu thế phục hồi của nền kinh tế.
Một doanh nghiệp đáng chú ý là Masan khi 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 38.989 tỷ đồng doanh thu, tăng 4%; đạt 1.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn này cho hay, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ mảng kinh doanh hàng tiêu dùng tăng trưởng và chi phí tài chính thấp hơn do lãi suất vay giảm.
Đặc biệt, một thành viên của Masan là WinCommerce đã có lãi lần đầu tiên sau hơn 4 năm Tập đoàn tiếp quản. Trước đó, hệ thống bán lẻ này có tên là VinCommerce, thuộc Vingoup, chưa từng có lãi kể từ khi đi vào hoạt động năm 2014.
VinCommerce đã được Masan “cải tổ” thông qua 3 chiến lược chính gồm đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm, chính sách giá. Hiện tại, WinCommerce vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+, Win, sở hữu mạng lưới gần 3.700 điểm bán tại 62 tỉnh, thành phố, có quy mô lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại. Mỗi tháng, chuỗi bán lẻ này phục vụ hơn 30 triệu lượt khách mua sắm.
Đối với Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, một đại diện tiêu biểu trong ngành bán lẻ trang sức, trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu 21.113 tỷ đồng, tăng 34%, lợi nhuận sau thuế 1.167 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận