Rung lắc mạnh thời điểm đáo hạn phái sinh, vốn ETF tăng mua ròng
Thị trường biến động khá mạnh chiều 15/06 chủ yếu do chênh lệch lớn giữa giá hợp đồng tương lai F1 và chỉ số cơ sở VN30-Index. Chỉ số này có lúc rớt gần 6 điểm khiến VN-Index cũng rơi gần 5 điểm, trước khi hiệu ứng đảo hạn đẩy loạt cổ phiếu blue-chips phục hồi...
Thị trường biến động khá mạnh chiều 15/06 chủ yếu do chênh lệch lớn giữa giá hợp đồng tương lai F1 và chỉ số cơ sở VN30-Index. Chỉ số này có lúc rớt gần 6 điểm khiến VN-Index cũng rơi gần 5 điểm, trước khi hiệu ứng đảo hạn đẩy loạt cổ phiếu blue-chips phục hồi.
Kết phiên VN-Index vẫn nhích lên sát tham chiếu, chỉ còn giảm 0,04% hay -0,45 điểm. Nhịp hồi cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động kéo trụ, mà thời điểm tính giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh có sức ảnh hưởng lớn. Điểm giá thanh toán được tính từ 15 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục, đúng vào thời điểm chỉ số VN30-Index bắt đầu đi lên.
Nhịp hồi của VN30 thể hiện khá rõ trên biến động giá cổ phiếu. Tất cả các mã trong rổ đều tạo đáy tương đồng về thời điểm với chỉ số. Trong khi VN30-Index phục hồi từ đáy khoảng 0,36% thì loạt cổ phiếu dẫn dắt hồi rất mạnh như VCB tăng tới 1,87%, đảo chiều từ giảm thành tăng 0,88% so với tham chiếu. GAS, SSI, CTG, ACB, HPG cũng rung lắc mạnh nhưng đều tăng gia tích cực.
Trong số này VCB và GAS có ảnh hưởng rất lớn đến cả VN-Index. VCB chốt phiên sáng giảm 0,88% nhưng ngay những phút đầu tiên của phiên chiều đã bùng nổ tăng. Chỉ trong chưa đầy 30 phút cổ phiếu này đã vượt tham chiếu 1,07% trước khi chịu tác động mạnh của hiệu ứng đáo hạn phái sinh. Giá trồi sụt khá mạnh dù vẫn trên tham chiếu, VCB tác động chủ yếu đến tất cả các nhịp lên xuống ở chỉ số, trước khi chốt tăng 0,88% lúc đóng cửa. GAS không biến động nhiều như VCB, thậm chí còn trượt giá dần. Tuy vậy khả năng giữ giá của cổ phiếu trụ này là yếu tố quyết định không kém VCB, giúp VN-Index chỉ giảm 0,45 điểm. Riêng hai trụ VCB và GAS đỡ cho chỉ số này hơn 2 điểm.
VN30 chốt phiên với 11 mã tăng và 15 mã giảm và chiều nay thanh khoản phục hồi khá tốt. Giao dịch riêng nhóm này đạt 2.733 tỷ đồng, tăng 58% so với phiên sáng. Tuy vậy do giao dịch yếu trước đó, tính chung cả ngày thanh khoản của rổ vẫn giảm 24% so với hôm qua. Ngoài GAS và VCB, còn có PDR tăng 2,06%, SSI tăng 1,18%, CTG tăng 1,05%.
Trái ngược với nhóm trụ được kéo lên, hiệu ứng tái cơ cấu của các quỹ ETF cũng khiến nhiều blue-chips khác tụt giá trong đợt ATC. VHM quay đầu giảm 088% dù trước đó nhích qua tham chiếu được một bước giá. SAB bị đánh tụt tới 1,85%, VNM giảm mạnh 1,19%, MSN giảm 1,15%, VRE giảm 1,1%, POW giảm 1,45%.
Xếp theo giá trị mua ròng của khối ngoại, nhiều cổ phiếu vẫn chịu áp lực bán lớn từ nhà đầu tư trong nước và giảm giá.
Hiệu ứng phục hồi cũng giúp cải thiện một chút ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thống kê cho thấy tác động của nhịp lao dốc nửa đầu phiên chiều nay khiến độ rộng sàn HoSE chỉ còn 100 mã tăng/323 mã giảm. Tuy nhiên đà hồi lại giúp một số mã quay đầu thành công, độ rộng lúc đóng cửa tốt hơn với 151 mã tăng/261 mã giảm, trong đó 66 mã tăng trên 1% so với tham chiếu. Những mã đi ngược dòng ấn tượng là DBC, VDS kịch trần, DXS tăng 4,76%, VPG tăng 4,4%, PVD tăng 4,27%, VSC tăng 2,2%, VND tăng 2,14%, HAG tăng 2,12%, CII tăng 2,05%. Các cổ phiếu này đều có thanh khoản rất tốt.
Dĩ nhiên nhóm giảm giá hôm nay áp đảo vượt trội cả về số lượng lẫn thanh khoản. Có 123 cổ phiếu rớt hơn 1% giá trị, bao gồm những mã thanh khoản rất lớn như HSG, VNM, NKG, DXG, EIB, BCG giao dịch tới trên trăm tỷ đồng. Các cổ phiếu bị xả lớn và giá giảm mạnh tập trung trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, không có hiệu ứng gì từ phiên đáo hạn phái sinh. Điều đó có nghĩa là biến động của thị trường chung thúc đẩy nhanh hơn áp lực chốt lời.
Chiều nay khối ngoại cũng giao dịch mạnh lên như mong đợi, trở thành nguồn cầu khá tốt làm tăng thanh khoản. Tính riêng buổi chiều, khối này mua thêm 1.001,2 tỷ đồng trên HoSE và bán ra 694,7 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 306,5 tỷ, gấp 3,4 lần mức mua ròng trong buổi sáng. Tính chung cả phiên vị thế ròng đạt +397,8 tỷ đồng, với HPG +130,2 tỷ, VND +111,1 tỷ, VHM +54 tỷ, HSG +52,4 tỷ, EIB +52 tỷ, VIC +50,6 tỷ, SSI +46,7 tỷ, NLG +40,3 tỷ, GEX +30,3 tỷ, STB +27 tỷ, MSN +22,9 tỷ. Phía bán ròng có VNM -109,8 tỷ, CTG -55,1 tỷ, DPM -33,7 tỷ, PLX -26,2 tỷ, BCM -22,9 tỷ. Tuần này các quỹ ETF giao dịch tái cơ cấu nên dòng tiền từ khối này mạnh lên là điều bình thường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận