Quỹ ETF ngoại lớn nhất thị trường liên tục bị rút vốn kể từ đầu tháng 8 vừa được chấp thuận tăng quy mô
Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng khoảng 7 triệu USD trong phiên 18/8, nâng số vốn bị rút khỏi quỹ từ đầu tháng 8 đến nay lên 63 triệu USD, khoảng 1.460 tỷ đồng.
Fubon FTSE Vietnam ETF cho biết, ngày 16/8, quỹ đã được chấp thuận huy động thêm 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
Sau đợt phát hành này, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ lên khoảng 20 tỷ Đài Tệ (khoảng 720 triệu USD), qua đó trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ chính thức được phép phát hành chứng chỉ quỹ tăng quy mô kể từ ngày hôm nay (18/8).
Trong khi được chấp thuận tăng vốn Fubon ETF lại liên tục bị rút ròng kể từ đầu tháng 8 đến nay. Số liệu cập nhật phiên 18/8 cho thấy, Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng khoảng 7 triệu USD, nâng số vốn bị rút khỏi quỹ từ đầu tháng 8 tới nay lên 63 triệu USD (khoảng 1.460 tỷ đồng). Phiên 18/8 cũng là phiên mà khối ngoại bán ròng quy mô lớn lên đến gần 1.900 tỷ đồng và tập trung xả nhiều cổ phiếu trong danh mục VN30.
Fubon FTSE Vietnam ETF sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index. Các cổ phiếu lớn nhất danh mục quỹ gồm có HPG, MSN, VHM, VIC, NVL, VNM, VRE, VCB, SSI…
Trước đó trong tháng 7, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua ròng khoảng 175 triệu USD, khoảng 4.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam. Tuy vậy, bước sang tháng 8, quỹ đang có động thái bán ròng khoảng 37 triệu USD, khoảng 860 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
LỢI NHUẬN DOANH NGHIỆP, CHỈ TIÊU VĨ MÔ ẢNH HƯỞNG BỞI LÀN SÓNG COVID LẦN THỨ 4
Thời điểm mới thành lập vào tháng 3/2021, Fubon FTSE Vietnam ETF đã đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thu hút đầu tư nước ngoài khả quan cũng như nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp dòng vốn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Với diễn biến lạc quan trong dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, Fubon FTSE Vietnam ETF từng cho rằng đây là thời điểm rất tốt để đầu tư.
Tuy nhiên, việc làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam cũng như Hà Nội thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để kìm chế sự bùng phát của dịch bệnh nhiều tỉnh, thành đã tiếp tục chính sách giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, điều này có thể ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Mới đây, một số công ty chứng khoán cũng như quỹ đầu tư nước ngoài là Dragon Capital đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam. Cụ thể, trong kịch bản tiêu cực VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 5%, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 4%, còn Dragon Capital kém "lạc quan" hơn khi cho rằng chỉ tiêu này có thể chỉ đạt 3,7%.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2021 với những thông tin doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh.Nhựa Bình Minh (mã MBP) cho biết, đợt dịch bùng phát lần này khiến toàn bộ hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Đồng thời giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó khiến doanh nghiệp lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7.
Theo lãnh đạo Nhựa Bình Minh, tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi doanh thu chỉ đạt khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận