PLC- Doanh nghiệp nhựa đường hiếm hoi trên sàn chứng khoán có gì?
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (HNX: PLC) là doanh nghiệp cung cấp nhựa đường hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán với 30% thị phần cùng quy mô sản xuất trải rộng khắp cả nước.
Mảng nhựa đường ngày càng đóng góp lớn
PLC có ba mảng kinh doanh chính gồm dầu mỡ nhờn, nhựa đường và hóa chất. Trong bối cảnh đầu tư công đang được xúc tiến mạnh mẽ nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, PLC có một số lợi thế từ việc cung cấp nhựa đường cho các dự án hạ tầng. 5 năm qua, mảng nhựa đường có xu hướng đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu, từ 32% năm 2018 lên hơn 50% trong nửa đầu năm 2023.
Tỷ trọng doanh thu theo lĩnh vực kinh doanh của PLC
Năm 2018, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận (sau khi trừ giá vốn, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của nhựa đường chỉ đạt 5% vào năm 2018. Đến 2022, tỷ lệ này tăng lên 43% và ghi nhận 39% sau nửa đầu năm 2023.
Tỷ trọng kết quả kinh doanh từng bộ phận của PLC
Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVS), động lực đối với mảng nhựa đường sẽ đến từ đầu tư công gồm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, cần khoảng 2.4 triệu tấn nhựa đường. Ngoài ra còn có các dự án khác với nhu cầu lên tới 3.5 triệu tấn.
BVS ước tính, riêng PLC có thể cung cấp 1.8 triệu tấn nhựa đường đến năm 2030, mang về doanh thu từ 27,000 – 30,000 tỷ đồng trong giai đoạn này (tạm tính theo giá nhựa đường trung bình 15,000 đồng/kg - giá nhựa đường biến động tùy thuộc theo giá dầu thô thế giới).
Biến động tỷ giá nhựa đường xá 60/70 và giá dầu thô giai đoạn 2016 - 2022
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 hoàn thành 5,000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 30,000 km.
Theo tìm hiểu, tỷ trọng chi phí dành cho nhựa đường chiếm khoảng 5% tổng chi phí xây dựng. Dựa trên suất vốn đầu tư mỗi km do Bộ Xây dựng quy định, đường ô tô cao tốc 4 làn xe (chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) có chi phí xây dựng khoảng 132 tỷ đồng; đường ô tô cấp I khu vực đồng bằng cần 70 tỷ đồng, qua đó ước tính doanh thu của PLC có thể đạt hơn 40,000 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Lợi thế nào dành cho PLC trong mảng nhựa đường?
PLC nhập khẩu nhựa đường từ đơn vị thuộc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX, hiện nắm khoảng 79% vốn PLC tính đến 30/06/2023) tại Singapore và bán một phần khoảng 75 – 80% sản lượng (biên lãi gộp chỉ khoảng 7-10%); phần sản lượng còn lại chế biến tiếp thành các sản phẩm nhựa đường cao cấp hơn như nhựa đường MC, nhựa đường nhũ tương, nhựa đường polyme (biên lãi gộp từ 25% trở lên).
Về năng lực cung cấp sản phẩm, PLC có quy mô sản xuất nhựa đường 400,000 tấn/năm với 7 nhà máy sản xuất và phân phối nhựa đường từ Bắc vào Nam, cứ khoảng 400 km có một nhà máy/kho chứa sản xuất các sản phẩm nhựa đường. Với 75 xe bồn sức chứa từ 10 - 16 tấn nhựa đường mỗi xe, cho phép PLC cung cấp nhựa đường với mức giá cạnh tranh nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển.
Với vai trò gián tiếp là doanh nghiệp Nhà nước khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chiếm gần 76% tại PLX (công ty mẹ của PLC) nên PLC có nhiều lợi thế để tham gia vào các dự án hạ tầng, đầu tư công trên cả nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp Nhà nước cấp tỉnh.
Các dự án đã tham gia của PLC
Với đặc thù công tác thi công rải nhựa của các dự án hạ tầng diễn ra vào giai đoạn cuối trước khi bàn giao, BVS dự báo PLC có thể đạt lợi nhuận từ nhựa đường kể từ quý 4/2023 và đạt điểm rơi lợi nhuận vào năm 2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, PLC cho biết tốc độ tăng trưởng mảng nhựa đường từng nhiệm kỳ là gấp rưỡi và cũng theo quy luật từng nhiệm kỳ mỗi 5 năm. Do vậy, mảng nhựa đường có thể kỳ vọng được đẩy mạnh trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2024 – 2025 sắp tới.
Các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023
Dù vậy, PLC vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn như ADCo, Tratimex, ICT hay BachChambard. Những doanh nghiệp này đều sở hữu các nhà máy/kho chứa vị trí trải rộng từ Bắc vào Nam.
Vị trí nhà máy/kho nhựa đường của các đối thủ PLC
Thách thức mảng nhựa đường là không nhỏ khi các dự án chủ yếu phục vụ cho hệ thống giao thông đường bộ, do vậy, phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước từng giai đoạn, phụ thuộc vào nguồn vốn giải ngân đầu tư công.
Ngoài ra, những giai đoạn giá dầu thô thế giới tăng khiến nguồn cung nhựa đường về Việt Nam giảm mạnh, giá nhựa đường nhập khẩu tăng cao gây ảnh hưởng đến nguồn hàng và giá bán nhựa đường của PLC tại thị trường Việt Nam.
Nợ phải trả chiếm 70% tổng tài sản
Về mặt tài chính, do đặc thù dự án xây dựng hạ tầng thường sử dụng vốn ngân sách của Chính phủ nên công nợ dài, thu tiền chậm nên PLC thường xuyên duy trì hàng tồn kho nhiều, khoản phải thu lớn.
BCTC hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2023 cho thấy, tổng tài sản của PLC hơn 4,281 tỷ đồng, giảm 7% so đầu năm. Các khoản phải thu khó đòi gần 1,678 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; hàng tồn kho gần 1,241 tỷ đồng, giảm 13%.
Tuy nhiên, nợ phải trả chiếm tới 70%, tương ứng gần 3,011 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn hơn 1,139 tỷ đồng và vay ngắn hạn hơn 1,716 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ khi niêm yết trên HNX vào cuối năm 2006, PLC trả cổ tức khá đều đặn trong suốt 17 năm qua bằng cả tiền lẫn cổ phiếu.
Đầu tư công được kỳ vọng là động lực quan trọng nhằm khôi phục và kích thích nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, khiến giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp ghi nhận sự tăng mạnh. PLC cũng không ngoại lệ khi giá cổ phiếu đã tăng hơn 50% từ đầu năm 2023, và tăng 156% so với đáy thấp nhất trong vòng một năm vào tháng 11/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận