Nhịp đập Thị trường 23/02: 15 phút cuối phiên quyết định cho cả ngày
VN-Index đóng cửa giảm chưa đến 1 điểm, kết quả này được quyết định trong chưa đầy 15 phút cuối phiên chiều, trong bối cảnh diễn biến chứng khoán thế giới không có gì thay đổi và trong nước không có tin hỗ trợ mới. Sự đổi màu trên nhiều Lareg Cap đơn giản chính là đã kéo VN-Index về lại sát tham chiếu. Có lẽ nhiều NĐT “tiếc” vì HOSE không kéo thêm thời gian giao dịch để chỉ số chạy tiếp.
Sàn HOSE có gần 55% số cổ phiếu giảm giá cuối phiên chiều, tuy quá bán nhưng ít hơn nhiều so với thống kê cuối phiên sáng. Đặc biệt ở nhóm Large Cap, nhất là nhóm vốn hóa tỷ đô, số lượng mã tăng giá đã nhiều hơn số giảm giá, trong đó phải kể đến VIC, HPG, SAB, VNM… và hàng loạt mã ngân hàng. Đà tăng ở những mã này đã kéo theo niềm tin ở hàng loạt những mã nhỏ hơn khác, thậm chí lan sang hai sàn còn lại.
Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE có đến 12 mã tăng giá, so với 4 giảm giá, tương quan này gần như nghịch đảo so với cuối phiên sáng. Trong số tăng, có cả VCB, BID, CTG, VPB, ACB…, tăng tốt nhất là OCB và VIB. Đáng tiếc, HDB lại vẫn không chịu hòa chung với niềm vui chung đó, vẫn giảm giá trên 2%.
VIC là cái tên không thể bỏ qua khi nói về đợt kéo nhanh và mạnh của Vnindex. Cổ phiếu này tưởng yên vị dưới tham chiếu thì bất ngờ được kéo hồi ngay trong đợt ATC, dù không thành mã tăng giá, nhưng rõ ràng là có công không nhỏ giúp chỉ số. Trong bộ ba nhà Vin, VHM vẫn giảm hơn 1%, VRE thậm chí còn giảm rất sâu vào cuối phiên chiều.
Rõ ràng 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có đồ thị chịu ảnh hưởng lớn từ VN-Index trong cả phiên chiều, chứ không chỉ 15 phút cuối. Điều thú vị là trên cả 2 nhóm LargeCap của 2 sàn này, số lượng giảm giá vẫn nhiều hơn số tăng giá, nhưng mức giảm dĩ nhiên là yếu hơn so với cuối phiên sáng, đặc biệt cũng có vài mã hồi về tham chiếu hay nổi lên tăng giá trở lại, qua đó kéo theo chỉ số sàn mình, như IDC, MBS, PVS, SHS… của sàn HNX, hay ACV, MSR, VEF, VGI… của sàn UPCoM. VNZ đã có 1 số giao dịch khớp lệnh trong phiên chiều, nhưng giảm gần 20 ngàn đồng/cp, tức khoảng 2%, may là không kéo tụt chỉ số.
Sự hồi phục ở các mã vốn hóa lớn, dẫn đến không ít nhóm ngành đã quay lại vị thế khá tích cực. Ở các nhóm lớn, đó là ngân hàng, sắt thép, chứng khoán, xây dựng và dầu khí. Sản xuất điện vẫn là 1 nhóm có vị thế tích cực kéo dài từ cuối phiên sáng cho đến cuối phiên chiều, nhưng hơi lu mờ khi các nhóm ngành kia nổi bật lên trong những phút cuối. Ở các nhóm nhỏ hơn, có dệt may, xi măng, gỗ đá nội ngoại thất, phân bón, nước…
Phiên sáng: Giảm sâu lại về sát đáy tháng 2
Chỉ số VN-Index đang rơi rất sâu so với lúc đầu phiên sáng, mất gần 14 điểm, tức gần 1 nửa số điểm giảm của ngày hôm qua. Thậm chí VN-Index đang về sát đáy tháng 2, thiết lập chính vào Ngày Tình yêu trong tuần trước. Sự kỳ vọng về sự phục hồi, dù là kỹ thuật, tương tự như 1 số sàn châu Á khác trong phiên sáng nay gần như chưa diễn ra.
HVN, PLX và TPB vẫn là 3 cái tên “cứng” nhất trong nhóm vốn hóa tỷ đô sàn HOSE, khi giữ được đà tăng cố chấp trong suốt phiên sáng nay. Ngược lại, gần như mọi cổ phiếu khác cùng nhóm vốn hóa khủng trên sàn này đều giảm giá, trong đó cũng có những mã giảm mạnh suốt phiên như HDB, VIC, HPG, VHM, MBB… hay mới nổi như VRE, MSN, STB… tổng thể, sàn HOSE có chưa đến 10% số lượng cổ phiếu tăng giá, tổng giá trị giao dịch cũng kém phiên sáng qua, và khối ngoại thì đang bán ròng chừng … 350 tỷ đồng.
Diễn biến xấu của VN-Index cũng kéo qua cả HNX-Index và UPCoM-Index. Tuy vậy, trên sàn HNX vào cuối phiên sáng nay, chỉ có khoảng 60% số cổ phiếu giảm giá, và số tăng giá đạt hơn 15% trên tổng số gần 200 mã có khớp lệnh. Số lượng mã tăng giá chủ yếu là smallcap. Trong số cổ phiếu largecap của sàn này, chỉ có PVI và BAB là tăng giá.
Sàn Upcom cũng có vị thế tương tự với HNX. Trên nhóm Large Cp của sàn này, SNZ vẫn không hề có thêm giao dịch sau 1 deal khớp lúc đầu phiên, còn SNZ thì đã có lần khớp nhiều nhất… 11 cổ phiếu, tức toàn lô lẻ và không làm thay đổi giá tham chiếu hay tác động lên chỉ số.ở các largecap của sàn này, cũng không có nhiều biến động đáng chú ý, cổ phiếu giảm vẫn giảm, may thay là không có nhiều mã giảm sâu hơn so với lúc giữa phiên.
Tổng thể 3 sàn sáng nay, có khoảng 65% số lượng cổ phiếu giảm giá, so với chưa đến 20% tăng giá. Ở nhóm Large Cap, vẫn chỉ là 3-4 mã được nhắc ở bên trên. Duy chỉ có ở nhóm Small Cap thì số lượng cổ phiếu tăng giá vượt quá con số 100.
Đa số các nhóm ngành lớn của 3 sàn đều phủ trong sắc đỏ, bao gồm ngân hàng, BĐS, sắt thép, xây dựng, thực phẩm, chứng khoán… và cả dầu khí. Sản xuất điện, tuy nhiên lại phân hóa với khá nhiều mã tăng giá nhẹ, không phân biệt thủy hay nhiệt điện. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, chỉ có vài nhóm tích cực, ví dụ như chất thải & môi trường, hay tư vấn SXKD…
NVL lại là cổ phiếu giảm giá sâu nhất trong các tên tuổi tầm trung trở lên của nhóm ngành BĐS, phân khúc nhà ở. Lượng giao dịch ở cổ phiếu này đang rất thấp, và khối ngoại thì quay qua bán ròng (so với lúc mua ròng đầu phiên). Ngoài ra, nhiều tên tuổi khác trong ngành cũng giảm từ 2% trở lên, bao gồm VIC, VRE, DXG, NTL, QCG, CEO, KSF…
Nhóm ngân hàng ngoài TPB tăng giá suốt phiên, còn có thêm 2 mã tăng giá là BAB và KLB. Còn lại hầu hết, bao gồm cả các đại gia lớn nhất VCB, BID, VPB, TCB… đều giảm giá từ 1% trở lên.
10h30: Large Cap khiến VN-Index giảm sâu thêm
Chỉ số VN-Index đang muốn rơi sâu hơn so với hồi đầu phiên, với gần 3/4 số lượng cổ phiếu trên sà HOSE giảm giá. Dù không có thông tin vĩ mô nào mới, nhưng sức ép vẫn đè nặng lên chỉ số, nhất là đến từ các mã vốn hóa lớn. Ở nhóm vốn hóa tỷ đô lớn nhất sàn này, HVN, PLX hay TPB nằm trong số ít cổ phiếu có được đà tăng từ sớm và duy trì đến lúc này, thậm chí HVN còn tăng giá mạnh hơn so với đầu phiên sáng. Ngược lại VIC, HDB vẫn là những cái tên giảm suốt phiên sáng, ngoài ra còn có thêm HPG, VHM, MWG… và rất nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Gần như toàn bộ Top 10 nhóm ngành lớn trên sàn HOSE đều đỏ sậm với đa số cổ phiếu giảm giá sâu hơn so với lúc đầu phiên. Ở nhóm ngân hàng, chỉ còn mỗi TPB tăng giá ngược với 15 cổ phiếu cùng ngành khác. Ở nhóm BĐS cũng tương tự, chỉ còn lẻ tẻ vài mã tăng giá như HDC, KDH, NLG, IJC, QCG… Thông tin quỹ DC xả DXG khiến cổ phiếu này chuẩn bị quay trở lại mức đáy của … 2 năm gần nhất.
Theo thống kê sơ bộ lúc này khối ngoại đã bán ròng hơn 200 tỷ đồng, trong đó bán nhiều ở HPG, SSI, SHB, HDB và VND. Ngược lại ở chiều mua ròng, cũng có khá nhiều cái tên trong nhóm largecap như STB, POW, BID… và cả NVL, nhưng lượng mua ròng hầu như không đáng kể.
Trên sàn HNX, PVI vẫn tăng giá nhẹ, nhưng PVS đã quay đầu giảm hơn 1,2%. Trong số Large Cap sàn HNX, chỉ còn có thêm THD là tăng rất nhẹ 0.3%. Đa số Large Cap khác giảm từ 1-2%, và theo đó HNX-Index cũng đang giảm 0,6%.
SNZ “tiếp tục” tăng giá hơn 13%, thực tế vẫn là 1 deal khớp từ sớm, và đến giờ chưa có giao dịch thêm, nhưng cổ phiếu này vẫn nổi bật trên nhóm Large Cap sàn UPCoM, bởi vì gần như những mã còn lại đang giảm giá, trong đó đáng kể là những mã đã được nhắc đến từ sớm như BSR, OIL, SIP, VGT, VTP… SNZ tiếp tục có vài lô lẻ, nhưng giá vẫn đang ở ngay tham chiếu.
Cùng tăng từ đầu phiên, nhưng đến lúc này VJC quay về giảm 1.3%, trong khi HVN vẫn khá bắt mắt với mức tăng 1.3%. HVN cũng đang là 1 trong những Large Cap tăng giá tốt 1 cách ổn định nhất sàn HOSE.
VN-Index tiếp tục giảm ngay khi mở cửa
VN-Index giảm chừng 4 điểm khi mở cửa, nhưng sàn HOSE có gần 70% số cổ phiếu giảm giá. Chỉ số đang giảm phiên thứ 3 liên tiếp, nhưng mức giảm thấp hơn rất nhiều so với chiều qua. Đa số cổ phiếu vốn hóa tỷ đô trên sàn này giảm loanh quanh trên dưới 1%, trong đó có HDB, VIC, VHM, TCB… Ngân hàng và BĐS dĩ nhiên đóng góp nhiều tên tuổi lớn cho phía giảm giá này.
Đêm qua các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm khi Fed quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Tuy nhiên sáng nay các chỉ số future lại tăng nhẹ, mang lại kỳ vọng hồi trên sàn chứng Việt trong những phút tới, bởi VN-Index cũng đã giảm 2 phiên liên tiếp sau phiên tăng mạnh được nhiều người gọi là “bùng nổ theo đà”.
Trong nhóm ngân hàng, có 2 cổ phiếu xuất hiện lượng lớn lệnh bán từ sớm là VPB và MBB, tuy nhiên giá dự kiến khớp không giảm sâu. Đến thời điểm ATO, MBB giảm giá chưa đến 1%, còn VPB về lại ngay tham chiếu. tuy vậy nhìn chung nhóm ngân hàng trên sàn HOSE đa số giảm giá nhẹ, chỉ có số ít tăng giá, ví dụ như TPB, OCB…
Bị giảm mạnh trong phiên chiều qua, sáng nay nhóm BĐS nhà ở tiếp tục rơi, nhưng đã xuất hiện vài đốm xanh, ngay hoặc chỉ sau ATO chừng vài phút, ví dụ như tại KDH, NLG, QCG, SCR… Cổ phiếu penny nhưng nổi sóng mấy hôm gần đây là HQC thì cũng đang tăng hơn 3%.
So với các nhóm lớn khác, dầu khí nhà PVN có vẻ sáng hơn 1 chút, dù đang phân hóa. Ở phía tăng giá, có PVS, PVI, PVC… và cả GAS, nhưng chiều giảm có BSR, OIL, CNG, PGD, PVT… Giá dầu Brent giảm khá sâu về sát 80 USD/thùng có lẽ đang là yếu tố cản trở đà tăng gần đây của nhiều tên tuổi trong nhóm này.
Thị trường bắt đầu đón nhận tin tức mới về kế hoạch SXKD năm 2023 của các công ty niêm yết, và HPG là 1 trong những cái tên mới nhất, với mức lãi khoảng 8 ngàn tỷ, tức giảm nhẹ so với cả năm trước, nhưng thực tế là khá lạc quan, bởi 2 quý gần nhất công ty này lỗ lớn. Sáng nay HPG giảm nhẹ 1% nhưng yếu tố đáng lưu ý là khối ngoại sớm bán ròng khá nhiều.
Dù có 1 số thời điểm tăng trên tham chiếu, nhưng chỉ số chính sàn HNX cũng giảm khi HOSE bắt đầu khớp lệnh. Tuy vậy mức giảm tính theo % của HNX Index nhẹ hơn nhiều so với VN-Index, có lẽ do có khá nhiều Large Cap trên HNX tăng giá như IDC, THD, PVS, PVI…
VNZ chưa có khớp lệnh, đúng hơn chỉ có 1 lô lẻ tại tham chiếu, nên chưa tác động gì lên chỉ số UPCoM-Index. Thay vào đó, SNZ lại là 1 cái tên bắt mắt khi tăng tới 13%. Tuy vậy chỉ số này cũng đang giảm nhẹ, với đa số Large Cap giảm giá, trong đó có những cái tên đáng chú ý như BSR, OIL, SIP, VGT, VGI, VTP…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận