Nhịp đập Thị trường 20/10: Tăng thốc trong phiên chiều, VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ
VN-Index leo lên trên tham chiếu ngay trước ATC. Sau gần 1 giờ đầu đi ngang bên dưới tham chiếu, chỉ số này bất thần được kéo tăng vọt, vượt lên trên tham chiếu trước ATC. Diễn biến đồng dạng ở chỉ số nhóm VN30, và khi vượt tham chiếu, số lượng cổ phiếu tăng giá trong nhóm này cũng ngang ngửa số giảm giá, trong đó có đủ các thành phần ngân hàng, BĐS, bán lẻ, dầu khí, công nghệ… Tuy nhiên khi khớp ATC, cả 2 chỉ số này giảm vừa đủ để quay lại với sắc đỏ.
Với diễn biến tích cực trên sàn HOSE từ 14h, giá trị giao dịch trên sàn này cũng tăng tương ứng, và đến trước thời điểm ATC cũng đạt ngang bằng phần giao dịch hôm qua. Tuy nhiên sàn HOSE vẫn có chừng 60% số cổ phiếu đóng cửa giảm giá, và số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn 1 chút so với cuối phiên sáng (chừng gần 30%). Động lực kéo chỉ số tất nhiên nằm ở nhóm Large Cap, nhất là các mã vốn hóa tỷ USD, trong đó nổi bật lên có FPT, VCB, GAS, REE, ACB, VNM… Ngược lại DGC, VGC, GEX hay SHB vẫn là những cái tên giảm giá đáng kể. Ngoài ra, ít có sự thay đổi đáng kể ở 2 nhóm Mid Cap và Small Cap.
Chỉ số VN30 có vẻ chạy trước giá hợp đồng sắp đáo hạn - VN30F2210 tại thời điểm ngay trước 14h, hai bên cùng chạy song hành 1 đoạn, lấp gap dần rồi “chạm nhau” chừng 20 phút sau đó. Đến thời điểm đóng cửa, trong khi VN30 giảm nhẹ thì giá hợp đồng kia đi ngay, tạo gap chừng gần 5 điểm. Dù vậy, với cách tính mới của HNX, khoảng cách này hầu như không có ý nghĩa.
Khối ngoại mua ròng nhẹ trên sàn HOSE, trong đó mua nhiều ở STB, SSI, VNM, CTG… Khá nhiều mã mua ròng cũng tăng giá cho đến khi đóng cửa. Ngược lại họ bán ròng mạnh ở HPG, VND, NVL…
Cũng chạy theo VN-Index, nhưng chỉ số HNX-Index bất ngờ “quay xe” khi còn bên dưới tham chiếu gần 1 điểm vào khoảng 14h20, và giảm trở lại cho đến khi đóng cửa. trên nhóm Large Cap sàn HNX, ít có cổ phiếu nào tăng giá đáng kể khi đóng cửa, ngược lại có không ít mã vẫn giảm trên 2-3% như IDC, CEO, BAB…, thậm chí đâu đó có mức giảm còn tệ hơn so với cuối phiên sáng. Nhóm khai thác than vẫn là tâm điểm của sàn HNX với rất nhiều cổ phiếu tăng giá từ 4% cho tới hơn 9%, như TC6, THT, TDN, MDC, NBC, TMB, TVD…
Chỉ số UPCoM-Index chạy chậm hơn VN-Index 1 chút, và phải tận dụng lúc “bù giờ” mới kịp leo lên trên tham chiếu. Tuy vậy, đối với nhiều cổ phiếu lớn nhỏ sàn này, thì chỉ số không phản ánh đúng giá là chuyện bình thường. Ở nhóm Large Cap, GE2 vẫn chốt tăng trên 10% với 1 lô khớp gần cuối ngày, dù trong phiên cũng có ai đó đặt bán 1 lô khác đạp giá về dưới tham chiếu. Các mã khác tăng đáng kể có VEF, MVN hay SNZ. Những cổ phiếu SIP, MCH, QNS… không còn tăng mạnh như phiên sáng, nhưng còn giữ được sắc xanh. Đáng tiếc là các mã đổi màu, như ACV, BSR, VTP…
Nhóm ngân hàng có nhiều mã tăng trở lại, góp phần thúc đẩy các chỉ số bên sàn HOSE. Riêng trên sàn này, tương quan tăng giảm giá rất cân bằng, 7 tăng 7 giảm, trong đó tăng giá chủ yếu các ngân hàng có gốc nhà nước, như VCB, BID, CTG, OCB… MBB có thể coi là ngoại lệ, ngân hàng gốc Nhà nước nhưng giảm giá tới 2%. Tuy nhiên khi mở rộng cả 3 sàn, nhóm này có thêm nhiều cổ phiếu giảm, thành ra tổng số mã giảm giá lại nhiều hơn số tăng giá.
Bộ ba ông lớn nhà Vingroup sớm được kéo về tham chiếu vào khoảng giữa phiên chiều, và có kết quả cuối ngày tích cực hơn hẳn so với cuối phiên sáng, nhưng diễn biến này lại không lan tỏa mấy đến các mã khác trong nhóm BĐS nhà ở. Tổng thể 3 sàn, số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều gấp đôi số tăng giá. Ở các tên tuổi tầm trung, nhất là trên HOSE, chỉ lác đác có mấy mã tăng, ví dụ như NVL, AGG, FDC, NDN, SGR… Có khá nhiều mã giảm sâu, như HDG, DIG, HDC, HTN, NTL, QCG, SCR…
Diễn biến thị trường không lan tỏa gì mấy đến nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN. GAS và số ít tên tuổi khác trong nhóm này như PVD, PVS, BSR, OIL cũng tăng nhẹ trước 14h, khi VN-Index bắt đầu con đường hồi phục, nhưng chỉ vài phút sau đó thì những mã này lại yên ắng trở lại, thậm chí có mã lại giảm giá dần đều cho đến khi đóng cửa (như PVD hay POW chẳng hạn).
Phiên sáng: Giảm sâu trước nỗi lo phiên chiều phái sinh
VN-Index lại giật về mức sâu nhất trong phiên sáng, trước khi nhích lên 1 chút trong vài phút cuối phiên. Thậm chí khi nhích lên, cũng không có hiện tượng lượng giao dịch tăng đột biến. Có lẽ NĐT đang muốn chờ xem diễn biến phiên chiều, bởi hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của 1 hợp đồng bên sàn phái sinh, vốn có “quan hệ” với chỉ số VN30.
Chỉ số nhóm VN30 cũng đang ở sát mức thấp nhất trong phiên sáng, với 26 cổ phiếu giảm giá. Lưu ý rằng chỉ số vẫn cao hơn 5 điểm so với giá hợp đồng tương lai VN30F2210, vốn đáo hạn vào ngày mai, điều này cho thấy có rủi ro chỉ số bị kéo xuống trong phiên chiều. GAS, FPT vẫn là 2 cổ phiếu tăng giá ổn định trong nhóm này, ngoài ra có HDB tăng giá trở lại, nhưng PLX và VJC, 2 cổ phiếu tăng giá lúc giữa phiên sáng, hiện đã đổi màu. REE trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm (+1.6%). Ở bên phía giảm giá, giảm mạnh nhất là TCB, kế đến là VHM, cả 2 mã giảm trên 2%. Nhiều mã khác cũng giảm giá từ 1.5% cho đến 2%.
Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HOSE tăng lên, vào cuối phiên sáng nay chiếm gần 70% trên tổng số mã có giao dịch. Ngược lại, số cổ phiếu tăng giá vẫn đứng ở khoảng 20%, trong đó nhiều nhất là Small Cap, còn số mã Large Cap, nhất là nhóm vốn hóa tỷ USD, đang ít đi. Thậm chí cũng ở nhóm này, đang có 1 số cổ phiếu giảm sâu bất ngờ, như DGC, VGC, TCB hay GEX. Các nhóm ngành lớn lại phủ gần như kín sắc đỏ, kể cả dầu khí hay bán lẻ. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, nhìn chung cũng giảm theo, trong đó nổi lên mấy nhóm như bảo hiểm, hóa chất, khai khoáng…, tuy nhiên lại vẫn có 1 số nhóm có nhiều sắc xanh, thậm chí tạm gọi tích cực, ví dụ như dệt may, kho bãi, BĐS khu công nghiệp, sản xuất điện… Thanh khoản trên sàn HOSE vẫn yếu, lượng giao dịch còn thấp hơn cả sáng qua. Khối ngoại bán ròng nhẹ, tập trung nhiều nhất ở HPG.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm theo tình hình chung, nhưng về mặt đồ thị, mang lại cảm giác... nguy hiểm hơn so với VN-Index, khi không có dấu hiệu nhích lại về cuối phiên. Tuy vậy, sàn HNX có gần 60% số cổ phiếu giảm giá so với 25% tăng giá. Ở nhóm Large Cap, nhìn chung lực đỡ rất yếu, ngược lại có mấy mã giảm khá sâu như PTI, NVB, HUT, CEO, SHS… Nhóm khai thác than trên sàn này đang bất ngờ tăng mạnh, trong đó có thể nhắc đến NBC, TC6, TVD…
Chỉ số UPCoM-Index cũng giảm suốt từ gần giữa phiên cho đến lúc này, bất chấp nhiều Large Cap tăng giá, bao gồm GE2, SIP, SNZ, VEF, MCH, QNS… ACV đã tuột mất đà tăng từ đầu phiên, đến giờ giảm gần 1%. Khá nhiều Large Cap khác cũng giảm trên dưới 1% như MML, MSR, OIL, TVN, VEA, VGI, VTP… trong số đó có những mã trước đó còn tăng giá.
GAS tăng 1,2% vào cuối phiên sáng, mức này có thể coi là khá ổn định, tuy nhiên không ít cổ phiếu trong nhóm dầu khí nhà PVN đã mất đà tăng, thậm chí chuyển qua giảm, như OIL, POW, PVD, PVT, BSR… PVS và PVI tăng rất yếu, không đủ sức đỡ HNX Index như lúc giữa phiên.
Nhóm BĐS khu công nghiệp đang muốn chứng tỏ “mình chả có liên quan gì đến nhóm BĐS nhà ở”, với khá nhiều sắc xanh, thậm chí có những mã tăng từ sớm, như SIP, SNZ… ngoài ra có TIP tăng giá hơn 3% hay LHG, KBC cũng tăng giá nhẹ. Tuy nhiên, 2 ông lớn BCM và IDC thì vẫn giảm giá suốt phiên, ngoài ra TID giảm tiếp gần 1% sau vụ sếp lớn có chuyện.
Hai cổ phiếu HSG và NKG vẫn đang cố gồng gánh mức tăng giá, nhưng gần như cả nhóm sắt thép đã giảm hết, kể cả HPG. Thậm chí HPG còn bị khối ngoại xả đến hơn 3.1 triệu cổ phiếu, và hiện giảm giá 1.4%.
Ở nhóm bảo hiểm, BLI bất ngờ tăng giá hơn 13% với 1 deal duy nhất, nhưng cả nhóm này lại cũng bất ngờ nổi bật lên ở phía giảm giá, với khá nhiều mã giảm hơn 2% như BIC, BMI, MIG và nhất là PTI, giảm đến 9%.
Nhóm dệt may tiếp tục giữ được nhiều sắc xanh, vốn nổi lên từ giữa phiên, trong đó có những cổ phiếu tăng đáng kể như LGM, MSH hay TNG. Đã có công ty trong nhóm này công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3, và mang lại hy vọng tích cực cho cả nhóm.
DGC đầu phiên còn tăng giá, nhưng bất ngờ tuột dần và đến cuối phiên sáng nay giảm hơn 3%. Trong nhóm hóa chất-phân bón, nhất là thuộc nhà Vinachem, cũng có 1 số mã giảm giá, dù nhẹ hơn như BFC, DDV hay LAS, nhưng cũng có 1 số cái tên tăng nổi bật như CSV, HVT hay VPS.
Nhóm thủy điện đang có vẻ tích cực hơn nhóm nhiệt điện, trong đó có VSH, TMP, SHP, CHP… REE cũng tăng giá hơn 1.6% có lẽ khó tránh được liên quan đến nhóm thủy điện này.
10h30: Tín hiệu hồi nhấp nháy, nhưng chưa kéo Index lên trở lại
VN-Index dao động bên dưới tham chiếu chừng 5-6 điểm trong nửa đầu phiên sáng nay, và từng có lúc giảm gần 10 điểm. Diễn biến của chỉ số chịu ảnh hưởng khá lớn từ nhóm BĐS, trong đó có bộ ba cổ phiếu lớn nhà Vin. Ngân hàng và một số nhóm ngành lớn khác vẫn phủ nhiều sắc đỏ, nhưng có đôi chút phục hồi so với đầu phiên sáng. Riêng 2 nhóm dầu khí và bán lẻ đã có khá nhiều sắc xanh.
Sàn HOSE vẫn có hơn 60% số cổ phiếu giảm giá, sắc đỏ hiện diện đa số ở mọi nhóm vốn hóa, tuy nhiên ở các nhóm này cũng có không ít dấu hiệu tích cực. Ở nhóm Large Cap, đã có nhiều mã tăng giá trở lại hoặc tốt hơn so với lúc đầu phiên, bao gồm GAS, FPT, HDB, REE, GMD… Ở các nhóm “chiếu dưới”, nhất là Small Cap, đã có nhiều mã tăng hơn 5%. Nhìn ở góc độ nhóm ngành, dù các nhóm lớn đa số vẫn tràn đầy mã giảm giá, nhưng dầu khí, bán lẻ đang nổi lên tích cực rõ rệt hơn hẳn so với đầu phiên. Ở các nhóm nhỏ hơn, đã có một số nhóm trở nên tích cực hẳn, như dệt may, kho bãi..
GAS đang tăng giá hơn 1%, tốt nhất nhóm VN30, và đồng thời dẫn dắt nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN. Tính đến giữa phiên sáng nay, nhóm dầu khí nhà PVN còn có nhiều mã khác tăng giá trên dưới 1% như CNG, OIL, PVC, PVD, PVS…
Chỉ số HNX-Index cũng rơi xuống dưới tham chiếu chỉ sau khi VN-Index chạy vài phút. Dù cũng lấy một số mã dầu khí nhà PVN làm trụ cột, ví dụ như PVS hay PVI, nhưng lực đỡ như vậy là không đủ. Một số Large Cap khác thuộc nhóm BĐS trên sàn này như CEO, KSF hay IDC thì đổi sắc liên tục, còn các đại gia nhóm ngân hàng hay chứng khoán thì chưa thấy xanh khi nào.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vin và hàng loạt tên tuổi khác trong nhóm BĐS nhà ở trên cả 3 sàn tiếp tục chìm trong sắc đỏ, chỉ có vài mã tăng giá ở HNX hay UPCoM. Riêng trên sàn HOSE, có đến gần 80% số cổ phiếu nhóm này giảm giá, với mức giảm bình quân 1.2-1.5%. Nhóm ngân hàng vẫn đỏ, tuy nhiên đã có tín hiệu hồi, ví dụ như ở VCB, VPB, VIB, MBB…
Rất nhiều Large Cap trên sàn UPCoM đã khoác áo xanh tình nguyện, nhưng chỉ số nhóm này vẫn rới kể từ sau ATO vài phút cho đến lúc này (hiện giảm 0,3%). Ngoài GE2, ACV, SIP hay SNZ là các gương mặt tiêu biểu được nhắc đến từ lúc sớm, hiện tại còn có thêm VEF, OIL, MML, MCH… trong số ít Large Cap trên sàn này giảm giá, đáng tiếc có lẽ là VTP, đang giảm gần 1.5% dù đầu phiên còn tăng khá tích cực.
HOSE mở cửa với màu đỏ hoa hồng
VN-Index mở cửa giảm nhẹ hơn 6 điểm khi hàng loạt Large Cap trên sàn HOSE sớm có mức giá dự kiến khớp giảm ngay từ trước. Diễn biến chỉ số này tiếp tục khó dự đoán bởi chịu nhiều yếu tố tác động từ cả 2 phía tích cực lẫn tiêu cực. Thông tin về kết quả SXKD quý 3 năm nay có lẽ không còn là yếu tố mang tính quyết định cho xu hướng thị trường như mọi khi, dù đã có khá nhiều doanh nghiệp công bố BCTC.
Dù phải chờ đến 9h15 thì mới biết chỉ số nhóm VN30-Index tăng hay giảm, nhưng qua 1 số bảng giá công ty chứng khoán, có thể thấy số lượng cổ phiếu giảm giá thường xuyên nhiều hơn 15 mã ngay từ sớm. Trong số này, 2 đại gia VHM và VRE thường xuyên có mức giá giảm dự kiến hơn 2%. MWG cũng là 1 trường hợp lạ, khi giảm tương đương. Đến thời điểm ATO, nhóm này có đến 21 cổ phiếu giảm giá, so với chỉ 4 mã tăng giá là FPT, HDB, PLX và VJC. VHM, VRE và MWG chỉ còn giảm hơn 1% nhưng vẫn là những mã giảm nhiều nhất. chỉ số nhóm này giảm gần 6 điểm, tức khoảng hơn -0,5%.
Sàn HOSE có gần 60% số cổ phiếu giảm giá tại thời điểm ATO, so với chỉ chưa đến 20% tăng giá, tuy nhiên mức giảm của chỉ số VN-Index là khá nhẹ, bởi mức giảm bình quân của nhóm cổ phiếu vốn hóa tỷ đô sàn này cũng chỉ chưa đến 1%. Chỉ có vài mã nhóm này tăng giá rất nhẹ như DGC, PNJ, PLX… Ở các nhóm ngành lớn, gần như là phủ kín bằng 2 màu đỏ và vàng, bao gồm cả ngân hàng, BĐS, chứng khoán, sắt thép, thực phẩm, bán lẻ,… trừ nhóm dầu khí tạm coi là tích cực, với đa số đứng giá và vài mã tăng giá nhẹ. Khối ngoại bắt đầu hiện diện đáng chú ý ở HDB, với lượng mua ròng hơn 700 ngàn đơn vị.
2 chỉ số chính bên HNX và UPCoM xanh nhẹ từ sớm, nhưng thực tế HNX-Index luôn dao động thật sát tham chiếu, chỉ có UPCoM-Index là cao “đáng kể”, với sự hỗ trợ từ 1 số Large Cap có mức giá tăng cao như GE2, SNZ, SIP, VTP… Đến thời điểm ATO bên HOSE, chỉ số sàn UPCoM có thêm lực đẩy từ ACV với mức tăng hơn 2%. Đa số Large Cap khác của sàn này cũng tăng nhẹ hoặc đứng yên tại tham chiếu, chỉ có vài mã giảm như VGI hay VGT, TVN.
Dù được dự báo vẫn ghi nhận lợi nhuận tốt nhất so với bất cứ nhóm ngành nào trên 3 sàn, nhưng nhóm ngân hàng vẫn mở cửa trong sắc đỏ. Riêng trên HOSE, nhóm này có 15 trên 17 mã giảm giá, và chỉ 1 mã HDB tăng giá. Mức giảm nói chung khoảng dưới 1%, nhưng sau ATO vài phút thôi, là có khá nhiều mã giảm hơn 1%, bao gồm cả VCB, BID, ACB, CTG, MSB…
2 đại gia HSG và NKG lại muốn bứt phá sau ATO khi tăng gần 2% bất chấp nhóm thép vẫn chìm trong sắc đỏ, kể cả HPG. Trong những phiên gần đây nhất, 2 đại gia nhóm tôn này thường xuyên có lúc tăng giá ấn tượng trong phiên (có lúc tăng hơn 3%), nhưng lại trở thành “bom xịt” vào cuối phiên, thậm chí cuối chiều qua còn giảm sâu. HPG sau khi giảm tại ATO thì hiện cũng tăng nhẹ 1 chút, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng.
Nhóm thủy sản đang có chút khởi sắc sau ATO vài phút, với sắc xanh hiện lên ở VHC, IDI hay MPC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận