Người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp bán lẻ gặp khó
Nền kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt hầu bao khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ giảm hiệu quả kinh doanh, mất đà tăng tốc, thậm chí phá sản.
Trong báo cáo gửi lên sàn chứng khoán Singapore mới đây, Parkson Retail Asia cho biết Parkson sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam (VN) sau 18 năm hoạt động vì không còn khả thi về mặt thương mại. Việc Parkson rời VN cho thấy sức mua trên thị trường bán lẻ đang suy giảm rất mạnh. Điều này khiến không chỉ Parkson mà những doanh nghiệp bán lẻ cũng lâm vào cảnh lao đao.
Nhiều ông lớn thất thu lớn
Nói thêm về việc Parkson rời thị trường VN, ông Tan Sri William Cheng, Giám đốc điều hành Parkson Retail Asia, cho biết giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra môi trường kinh doanh nhiều thách thức, chưa kể chi phí tăng cao, sức mua suy giảm kết hợp xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khiến công ty bế tắc.
Parkson VN cũng đã nộp đơn lên tòa án tại TP.HCM để bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện. Khi đại gia bán lẻ nước ngoài rơi vào tình trạng đóng cửa thì các ông trùm bán lẻ VN cũng bấp bênh không kém.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành TGDĐ, lý giải: Hiện tại, tình hình kinh tế của VN nói riêng và thế giới nói chung bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Lĩnh vực bán lẻ cũng bị tác động rất nhiều, đặc biệt là điện thoại và điện máy vì thuộc nhóm có giá trị sản phẩm cao.
“Chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới vì khách hàng có xu hướng thắt lưng buộc bụng để phòng thủ vì lo ngại kinh tế vẫn còn nhiều yếu tố bất định phía trước” - ông Hiểu Em nhận định.
Digiworld - một ông trùm bán lẻ trong ngành điện máy và điện thoại cũng nhìn thấy lợi nhuận bị bóp nghẹt trong quý I-2023. Lãi ròng quý đầu năm 2023 của Digiworld chỉ đạt gần 80 tỉ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.
Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld, sau thời gian bùng nổ nhu cầu do xu hướng làm việc và học tập tại nhà, đến nay nhu cầu máy tính, điện thoại giảm mạnh. Hơn nữa, tình hình kinh tế trong quý I không khả quan khiến người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, ảnh hưởng mạnh đến kinh doanh của các công ty bán lẻ.
Cẩn trọng trong lập kế hoạch kinh doanh
Ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail, cho biết trong quý I-2022, nhu cầu tiêu dùng cao và tăng trưởng ổn định đã giúp công ty có lãi đến 138 tỉ đồng. Nhưng đến quý I-2023, nhu cầu hàng hóa giảm mạnh do ảnh hưởng biến động của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô không thuận lợi cũng như lãi suất đang ở mức cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử đang diễn ra mạnh mẽ dẫn đến doanh thu giảm 20%, tương đương 1.113 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Nhìn ở mặt tích cực, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để tăng trưởng nếu có chiến lược kinh doanh phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail, đánh giá công ty đang rất cẩn trọng trong việc lập kế hoạch kinh doanh vì sức mua suy giảm. Trong tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải hạ giá để thu hút khách hàng. Đây là chiến lược không hay, vì dễ kéo các doanh nghiệp cùng đi xuống nhưng công ty cũng phải chấp nhận chiến lược hạ giá sản phẩm trong thời điểm này để giữ chân khách hàng.
“Nhìn chung, để tăng trưởng, chúng tôi phải tìm cách chuyển dịch cơ cấu sản phẩm để có biên lãi tốt hơn. Ngoài ra, có thể kỳ vọng quý III-2023, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tốt hơn vì Chính phủ đang có hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” - bà Điệp nhận định.
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, nhận định hiện nay sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, các quyết sách kinh tế vĩ mô, các hoạt động kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
“Chúng tôi đánh giá sức mua sẽ giảm trong vài quý tới nhưng PNJ vẫn tiếp tục tìm khách hàng mới để tăng trưởng. Điều này có thể thực hiện bằng cách phát triển chiến lược tiếp thị, tăng trải nghiệm khách hàng từ online đến offline” - ông Thông cho biết.
Theo ông Thông, để tiếp tục duy trì lợi nhuận, công ty sẽ tối ưu hóa chi phí và vận hành từ sản xuất cho đến từng cửa hàng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiết kiệm tối đa mà chú trọng tăng hiệu quả đầu tư của các chi phí. Có nghĩa là những khoản chi phí cần thiết để tạo ra lợi nhuận sẽ không giảm một cách tuyệt đối.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận