Ngôi vương EPS 9 tháng 2024 thuộc về ai?
Vẫn như thường lệ, doanh nghiệp có EPS cao nhất trong 9 tháng đầu năm nay là những cái tên “lừng lẫy” về lịch sử chia cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn cho cổ đông. Và có lẽ vì vậy mà giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng cao ngất ngưỡng trên thị trường chứng khoán.
EPS (tiếng Anh: Earnings Per Share) là lợi nhuận ròng (sau thuế) của doanh nghiệp phân bổ trên một cổ phiếu thông thường đang lưu hành ở trên thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và kỳ vọng ngày càng cao từ các nhà đầu tư, EPS đóng vai trò như một “kim chỉ nam” giúp nhà đầu tư phân biệt khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong cùng một ngành. Và tất nhiên không có gì là hoàn hảo, EPS cũng không thể đủ để kể câu chuyện toàn diện về một doanh nghiệp. Việc đánh giá EPS cao có tốt hay không cần đặt trong ngữ cảnh cụ thể và cân nhắc nhiều yếu tố khác. Nhà đầu tư nên xem xét thêm các chỉ số khác như P/E, ROE, và dòng tiền để hiểu rõ hơn về sức khỏe tài chính, chất lượng lợi nhuận và triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
- EPS có thể tăng do các yếu tố bất thường (bán tài sản, cắt giảm mạnh chi phí, hoặc sự kiện đặc biệt) thay vì tăng trưởng kinh doanh thực chất. Điều này có thể không bền vững trong dài hạn.
- EPS cao đôi khi đến từ việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành (mua lại cổ phiếu) chứ không phải nhờ tăng trưởng lợi nhuận.
- Một số ngành công nghiệp đòi hỏi tái đầu tư vốn lớn (như công nghệ, sản xuất) có thể chấp nhận EPS thấp tạm thời, nhưng có tiềm năng phát triển dài hạn.
EPS cao thường đi cùng cổ tức hấp dẫn và giá ngất ngưỡng
Nguồn: VietstockFinance
Theo dữ liệu VietstockFinance thống kê doanh nghiệp trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM), cổ phiếu có EPS cao nhất 9 tháng đầu năm nay thuộc về SLS (CTCP Mía Đường Sơn La) khi đạt 29,759 đồng, tiếp theo là WCS (CTCP Bến xe Miền Tây) với 21,749 đồng. Đây đều là những cái tên nổi tiếng với chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt ổn định và hấp dẫn nhất trên sàn chứng khoán.
Thống trị ngôi vương EPS 9 tháng nhưng mức EPS có phần giảm nhẹ so với cùng kỳ do lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2023-2024 (từ ngày 30/06/2023 đến ngày 31/03/2024) của SLS giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, còn hơn 291 tỷ đồng khi doanh thu thuần giảm 24%. Tuy nhiên điểm tích cực là biên lãi gộp của SLS cải thiện đáng kể, từ 29% lên hơn 34%.
Kết thúc niên độ 2023-2024 (30/06/2023 đến ngày 30/09/2024), Mía đường Sơn La ghi nhận doanh thu thuần gần 1,412 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ). Dù vậy lãi ròng vẫn tăng nhẹ 1%, đạt hơn 526 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục của SLS, phá kỷ lục thiết lập trong niên độ trước. Với kết quả này, SLS đã vượt 35% kế hoạch doanh thu và 284% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ.
Đánh giá triển vọng của SLS, CTCK An Bình (ABS) cho rằng SLS sẽ tiếp tục kinh doanh khả quan ở niên vụ tới khi Công ty có địa bàn kinh doanh tại Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, trong đó Hà Nội chiếm 75% tổng doanh thu. Là doanh nghiệp duy nhất có khả năng sản xuất đường RE tại miền Bắc và cả nước cũng chỉ có 5 doanh nghiệp có khả năng sản xuất đường RE. Mía đường Sơn La hiện có quy mô vừa trong ngành mía đường Việt Nam với khả năng sản xuất khoảng hơn 600,000 tấn đường/năm (chủ yếu là mía chế biến) cùng 8,000ha vùng nguyên liệu tại Yên Châu, Sơn La. Đặc biệt, vùng trồng của Mía đường Sơn La có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi cho mía đường có trữ đường cao.
Bối cảnh giá đường liên tục biến động do nguồn cung toàn cầu thiếu hụt bởi thời tiết cực đoan (hiện tượng Elnino gây tình trạng khô hạn nắng nóng) tuy nhiên giá thị trường nội địa Việt Nam không bị ảnh hưởng do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ bởi Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, chống lẩn tránh và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước đã giảm, mang lại tác động tích cực cho ngành mía đường Việt Nam.
ABS cho biết SLS cũng có lợi thế khi tỷ lệ chuyển đổi đường từ mía hiện cao nhất cả nước giúp giá thành sản xuất thấp. Cụ thể, tỷ lệ chuyển đổi đường ở mức 114 kg đường/tấn mía, so với mức 100 kg đường/tấn mía của các doanh nghiệp mía đường khác. Đặc biệt, đây là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với á quân WCS, EPS 9 tháng năm nay cũng là mức cao nhất từ trước tới nay nhờ lãi ròng 9 tháng kỷ lục trong 16 năm qua, tăng 17% so với cùng kỳ, lên gần 60 tỷ đồng.
Bến xe Miền Tây là một trong những bến xe lớn nhất TPHCM được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Năm 2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và tới năm 2020 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
EPS cao cho thấy lợi nhuận tạo ra trên mỗi cổ phiếu cao, đi cùng với đó là chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định và hấp dẫn càng khiến nhà đầu tư tin tưởng về khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. “Hàng ngon” sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, tăng nhu cầu sở hữu cổ phiếu trong khi nhà đầu tư hiện hữu không bán ra để dành “ăn cổ tức” ổn định. “Cung không đủ cầu” là lý do giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này “đắt đỏ” và thanh khoản thấp.
Vốn chủ sở hữu mạnh giúp EPS đáng tin cậy hơn
Nguồn: VietstockFinance
Việc tính toán EPS dựa trên lợi nhuận ròng và số lượng cổ phiếu đang lưu hành nên khi đánh giá EPS đều phải dựa trên cả 2 yếu tố lợi nhuận và vốn chủ sở hữu (số lượng cổ phiếu đã phát hành nằm ở vốn chủ sở hữu) sẽ giúp EPS đáng tin cậy hơn so với việc chỉ xét riêng từng yếu tố.
Trong 20 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất thị trường, có phân nửa ghi nhận EPS đạt trên 1,500 đồng.
Đứng đầu vốn chủ sở là CTCP Vinhomes (VHM) cũng có EPS ở mức cao với 4,511 đồng. So với cùng kỳ, mức EPS này giảm 39% khi lãi ròng 9 tháng 2024 giảm 39%, về còn 19,642 tỷ đồng trong khi số lượng cổ phiếu đã phát hành giữ nguyên hơn 43.5 tỷ cp.
EPS “phi bằng tên lửa”
Nguồn: VietstockFinance
Có thể ví tốc độ tăng lãi trên mỗi cổ phần của BTH (CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội) phi như “tên lửa” khi từ chưa đến 20 đồng ở 9 tháng đầu năm 2023 vọt lên gần 20,000 đồng ở 9 tháng đầu năm nay, gấp 1,231 lần. Đây cũng là mức tăng EPS mạnh nhất trên thị trường. Nhờ đó, từ EPS “dưới đáy” thị trường, cổ phiếu BTH còn được xướng tên trong top 3 doanh nghiệp có EPS cao nhất 9 tháng đầu năm 2024.
EPS của BTH “lên đời” nhờ kết quả lãi ròng 9 tháng đầu năm 2024 đột biến, cao hơn hàng chục lần so với kết quả những năm trước.
Theo BTH, lãi ròng bùng nổ đến từ việc Công ty ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN của 293/334 căn hộ và 2/25 căn liền kề trong khi cùng kỳ dự án đang giai đoạn đầu tư xây dựng chưa ghi nhận doanh thu.
Dù không nêu rõ doanh thu đến từ dự án nào nhưng khả năng cao BTH đang bàn giao sản phẩm thuộc khu hỗn hợp dịch vụ nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tại số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, do đây là dự án bất động sản duy nhất được Công ty nhắc đến trong báo cáo thường niên gần nhất.
Nguồn: VietstockFinance
Trái ngược với sự thăng hoa của BTH, vì lãi ròng rơi tự do 98%, Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC) có EPS giảm mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay, từ 9,842 đồng xuống chỉ còn 225 đồng. Tính đến 30/09/2024, khối lượng cổ phiếu đã phát hành giữ nguyên 1.22 tỷ cp. VOC cho biết lợi nhuận lao dốc do cơ cấu lại mô hình hoạt động kinh doanh cho phù hợp biến động nguồn cung ứng và các yếu tố tác động giá nguyên liệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường