menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
My Lăng

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Thống kê doanh thu ngành nhựa trong quý 1/2024 đạt 13.7 ngàn tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lãi ròng tăng 7%, đạt 597 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự ổn định giá hạt nhựa các loại.

Diễn biến doanh thu và lãi ròng ngành nhựa theo quý từ năm 2020 đến nay (Đvt: tỷ đồng)

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: VietstockFinance

Tiêu thụ ngành nhựa Việt Nam phần lớn từ nhu cầu vật liệu xây dựng, tiêu dùng như ống nhựa, bao bì… Sự khó khăn của thị trường bất động sản cũng như việc thắt chặt chi tiêu trong thời gian qua đã khiến doanh thu ngành nhựa đi lùi thấy rõ - giảm liên tục từ quý 4/2022 và hiện thấp nhất kể từ quý 3/2021.

Dù vậy, lợi nhuận ngành nhựa không theo xu hướng đó. Lãi ròng quý đầu năm nay đạt một trong những mốc cao nhất nhiều năm trở lại. Biên lãi gộp quý 1/2024 khoảng 15.2%, giảm so với mức 16.7% quý cuối năm ngoái, nhưng vẫn cao nhất kể từ quý 3/2020. Cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ này chỉ 13.9%.

Tính đến ngày 11/5, thống kê từ VietstockFinance cho thấy, có 28 doanh nghiệp nhựa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với hầu hết kết quả đều tích cực so với 1 năm trước; trong đó, quá nửa báo lãi tăng (16 doanh nghiệp), 2 công ty chuyển lỗ thành lãi và 3 công ty bớt lỗ. Ở chiều ngược lại, có 6 công ty giảm lãi và 1 công ty từ lãi thành lỗ.

Doanh thu “đầu tàu” ngành nhựa đồng loạt giảm

6 doanh nghiệp thu lãi đầu ngành gồm BMP, AAA, NTP, NHH, TTP và HII, chiếm gần 54% doanh thu và 89% lãi ròng cả ngành. Điểm chung của nhóm này là doanh thu đồng loạt giảm.

Doanh thu và lãi ròng các doanh nghiệp thu lãi đứng đầu

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: VietstockFinance

Một trong những doanh nghiệp lớn nhất về thương mại hạt nhựa, Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA) kỳ vừa qua lãi 135 tỷ đồng, tăng đến 150% so với quý 1/2023 và là mức cao nhất kể từ năm 2019. Biên lãi gộp duy trì trên 11% nhờ vào nguyên vật liệu đầu vào là hạt nhựa PE giá ổn định.

Tương tự, giá hạt nhựa PP - nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn của Nhựa Hà Nội (HOSE: NHH) - cũng đang ở mức thấp so với thời điểm 1-2 năm trước, giúp biên lãi gộp lên cao gần như kỷ lục, gần 20%. Lãi ròng của NHH nhờ đó tăng 23%, lên 40 tỷ đồng, dù doanh thu giảm 18%.

Diễn biến giá hạt nhựa PE và biên lãi gộp của AAA từ năm 2020 đến nay (Đvt: %)

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: Người viết tổng hợp

Cùng là ngành nhựa nhưng mảng nhựa xây dựng đợt này thất thu hơn. Đơn cử, doanh thu và lãi ròng của Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) mất tới hơn 30% trong quý 1/2024, chỉ còn 1 ngàn tỷ đồng và 190 tỷ đồng, một phần do nền cao của năm ngoái.

Tuy nhiên, biên lãi gộp của doanh nghiệp sản xuất ống nhựa vẫn tích cực, đạt 42.4%, nhờ giá hạt nhựa PVC thấp. Lãnh đạo BMP dự đoán thị trường PVC trong nửa cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục như quý 1, giá có thể tăng hoặc giảm một chút nhưng sẽ ổn định.

Thương hiệu ống nhựa lớn thị trường phía Bắc, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) cũng không khá hơn. Doanh thu và lãi ròng cùng giảm, lần lượt 27% và 8%, ghi nhận 949 tỷ đồng và 109 tỷ đồng.

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty trong lĩnh vực bao bì và sụt giảm giá bán khiến Bao bì Tân Tiến (UPCoM: TTP) hụt thu 13%, còn 370 tỷ đồng; nhưng nhờ cắt giảm các chi phí trong sản xuất, kiểm soát hao phí nên vẫn có lãi 36 tỷ đồng, tăng 30%. Biên lãi gộp của TTP đạt 14.4%, cải thiện hơn mức 12.7% ở thời điểm 1 năm trước.

Diễn biến giá hạt nhựa PVC và biên lãi gộp của BMP, NTP từ năm 2020 đến nay (Đvt: %)

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: Người viết tổng hợp

Doanh thu không đổi, lãi tăng gấp đôi

Nếu tính riêng 20 doanh nghiệp có kết quả cải thiện, doanh thu nhóm này đi ngang nhưng lãi lại tăng gấp đôi. VTZ, TPP, TDP, DNP tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành (HNX: VTZ), doanh thu tăng 43%, đạt 902 tỷ đồng, nhờ mở rộng và đa dạng kênh phân phối bán hàng. Doanh nghiệp kinh doanh nhựa tiêu dùng cũng kiếm về 16 tỷ đồng lãi ròng, tăng 60% và là kết quả cao nhất từ năm 2020.

Thị trường thuận lợi hơn năm 2023 được Tân Phú Việt Nam (HNX: TPP) cho là nguyên nhân chính giúp doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 38% và 67%, lên 695 tỷ đồng và 3.3 tỷ đồng.

Doanh thu Thuận Đức (HOSE: TDP) thuận lợi nhờ thị trường xuất khẩu đầu năm nay phục hồi mạnh và tăng 40%; lợi nhuận ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố lãi vay, đạt gần 18 tỷ đồng, tăng 70%

Ở nhóm từ lỗ thành lãi như VNP, TPC hay bớt lỗ như DPC, DAG chủ yếu do các doanh nghiệp tinh gọn hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí. VNP báo lãi nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Đối với nhóm lãi đi lùi, ngoài BMP, NTP đề cập ở trên, Công nghiệp Thương mại Sông Đà (HNX: STP) lãi giảm quanh 30% ở cả doanh thu và lãi ròng, một phần do tiêu thụ thành phẩm vỏ bao các loại giảm. Trong khi đó, An Tiến Industries (HOSE: HII) giảm nhẹ lãi ròng 3%, còn 22 tỷ đồng, do không còn phát sinh cổ tức cao như năm trước.

Duy nhất Văn hóa Tân Bình (HNX: ALT) lỗ 3.3 tỷ đồng, dù trước đó lãi 2.2 tỷ đồng, do doanh thu từ mảng dịch vụ, giải trí giảm mạnh.

Doanh thu và lãi ròng của các doanh nghiệp báo lãi giảm so với cùng kỳ

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: VietstockFinance

Lãi vay thấp là động lực quan trọng

Tác động tích cực đến mức lãi của ngành nhựa trong quý 1/2024 không chỉ nhờ giá nguyên vật liệu ổn định mà còn nhờ chi phí lãi vay thấp. Cũng dễ hiểu khi lãi suất thị trường đã liên tục giảm trong hơn 1 năm qua.

Ngành nhựa vừa dành 315 tỷ đồng để trả lãi, ít hơn 17% so với cùng kỳ và giảm 25% kể từ mức đỉnh quý 4/2022. Một số doanh nghiệp chi nhiều tiền để trả lãi vay có thể kể đến DNP, TDP, AAA, RDP hay TPP. Trong khi đó, BMP vẫn trung thành với mô hình kinh doanh chỉ dành vài triệu đồng trả lãi mỗi quý.

Cuối quý 1/2024, tồn kho ngành nhựa khoảng 9 ngàn tỷ đồng, giải phóng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng so với đỉnh quý 3/2022 đã giảm gần 30%, thời điểm thị trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bất động sản và xây dựng.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS), giá hạt nhựa có rất ít khả năng giảm trong tháng 5, do biên lợi nhuận hẹp từ phía nhà sản xuất. Do đó, có thể không còn khả năng cho những đợt tăng giá mới.

Các nhà cung cấp PVC dự tính tăng giá vào tháng 6, do người mua sẽ cần bổ sung hàng tồn kho vào một thời điểm nào đó trước kỳ nghỉ hè tháng 7, 8. Một người tham gia thị trường cho biết, đây là tháng cuối cùng để cố gắng tăng giá trước kỳ nghỉ hè và có thể chứng kiến việc bổ sung hàng trước kỳ nghỉ lễ khi người mua vận hành với lượng hàng tồn kho thấp.

Chi phí lãi vay và hàng tồn kho ngành nhựa từ năm 2020 đến nay (Đvt: tỷ đồng)

Ngành nhựa quý 1: Thu ít hơn nhưng lãi nhiều hơn, nhựa xây dựng đi lùi

Nguồn: VietstockFinance

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

100.00

+1.50 (+1.52%)

Biểu đồ mã BMP

6.08

+0.05 (+0.83%)

Biểu đồ mã HII
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả