Ngân hàng tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu
Thời gian gần đây, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu để huy động vốn vốn.
Từ tháng 09/2020, Nghị định 81/2020//NĐ-CP về phát hành TPDN (sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP) bắt đầu có hiệu lực với những quy định khắt khe hơn về phát hành riêng lẻ được coi là một trong những yếu tố làm cho các ngân hàng hạn chế vay vốn qua kênh trái phiếu. Song thực tế cho thấy, mức giảm không lớn bởi nhiều ngân hàng vẫn có nhu cầu vốn trung và dài hạn để cho vay và dự phòng cho rủi ro nợ xấu tăng cao.
Ngày 06/05/2021, ACB công bố đã phát hành riêng lẻ 2,000 tỷ đồng trái phiếu cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lãi trái phiếu được trả định kỳ 1 năm với mức lãi suất 4%/năm. Hình thức của trái phiếu là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không có tài sản đảm bảo.
ACB cho biết việc huy động nhằm phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn. Lô trái phiếu này nằm trong kế hoạch phát hành tối đa 4,000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2021 HĐQT ACB đã phê duyệt vào giữa tháng 4 vừa qua.
Ngày 10/05, TPBank (TPB) cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4.1%/năm. Ngày phát hành là 10/05/2021 và ngày đáo hạn là 10/05/2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải nợ thứ cấp, không có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền.
Ngày 12/05 ngay sau đó, TPBank tiếp tục phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là 3 năm. Tuy nhiên lãi suất phát hành là 3.8%/năm, thấp hơn so với lô 600 tỷ đồng trái phiếu trước đó cũng như so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của TPBank. Ngày đáo hạn là 12/05/2024.
Ngày 18/05/2021, HĐQT HDBank (HDB) chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1/2021 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1,500 tỷ đồng và 10,000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2/2021. Trước đó, HDBank thông báo sẽ mua lại 4,000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25/05-10/06/2021.
Cùng ngày 18/05, một nhà băng khác là SHB cũng vừa phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 3.8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Tiền lãi được trả sau, định kỳ 1 năm/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của SHB. Ngày phát hành là 18/5/2021, ngày đáo hạn là 18/5/2023. Mục đích phát hành là "tăng quy mô vốn hoạt động" và "bổ sung nguồn vốn cho vay khách hàng".
Cụ thể, ở đợt 1/2021, VietinBank phát hành 1,500 trái phiếu kỳ hạn 8 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho 1 tổ chức trong nước. Tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 1,500 tỷ đồng.
Lãi suất trái phiếu phát hành thực tế gần 6.5%/năm, cao hơn gần 1 điểm điểm phần trăm so với bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank.
Đồng thời, VietinBank cũng phát hành 85 trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất 6.7%/năm cho 1 tổ chức trong nước. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, do đó, tổng giá trị trái phiếu đạt 85 tỷ đồng.
Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của VietinBank và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2. Việc phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho ngân hàng, tăng vốn cấp 2, thực hiện cho vay nền kinh tế.
Dưới góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết việc huy động vốn qua trái phiếu hay khách hàng đến mở một sổ tiết kiệm là giống nhau, đều là việc vay nợ của ngân hàng và có nhiều hình thức như một một sổ tiết kiệm, phát hành trái phiếu, phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Hiện tại, trái phiếu có lợi cho ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn nhất là trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên 5 năm, và được chuyển đổi sang cổ phiếu. Loại trái phiếu này được cộng vào vốn chủ sở hữu.
Và điều này rất quan trọng đối với ngân hàng vì tại thời điểm này có nhiều ngân hàng mà vốn chủ sở hữu bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, hay đúng hơn là mất khả năng trả nợ hoặc vỡ nợ, do đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng. Khi chất lượng tài sản ngân hàng bị suy giảm, sẽ đẩy tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng về dưới 8%, do đó họ cần phải bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu có thời hạn ít nhất 5 năm hoặc trái phiếu chuyển đổi.
Theo một báo cáo của VietinBank được đưa ra hồi tháng 02/2021, nhu cầu phát hành trái phiếu của các NHTM trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR. Ngoài ra, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản pháp lý liên quan đã được ban hành và có hiệu lực kể từ đầu năm 2021 sẽ siết chặt hơn việc phát hành trái phiếu; lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng sẽ có liệu lực vào tháng 10/2021. Do vậy, nhiều khả năng lãi suất trái phiếu do các NHTM phát hành sẽ có xu hướng tăng nhẹ trở lại vào nửa cuối năm 2021 khi mức độ cạnh tranh về lãi suất huy động giữa các ngân hàng gia tăng để bảo đảm đầu ra cho tăng trưởng tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận