Ngân hàng nô nức phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ tăng vọt
Một loạt ngân hàng phát hành cổ phiếu trong 2-3 tháng trở lại đây nhằm tăng tỉ lệ an toàn vốn.
Thời gian gần đây, một loạt các ngân hàng tranh thủ phát hành lượng lớn cổ phiếu ra thị trường, tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu tạo thuận lợi để phát trển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng tăng vốn điều lệ lớn nhất sau phát hành cổ phiếu phải kể đến Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Vietinbank (mã: CTG). Sau khi phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tương đương hơn 5.642 tỉ đồng theo mệnh giá) hồi cuối tháng 8.2023, Vietinbank đã tăng vốn điều lệ lên mốc trên 53.700 tỉ đồng.
Được biết, vốn điều lệ của các ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xét đến, đồng thời là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn, xác định giới hạn cấp tín dụng (room)...
Cũng trong tháng 8, Ngân hàng Quân đội Việt Nam cũng phát hành thêm hơn 680 triệu cổ phiếu ra thị trường, đẩy vốn điều lệ vươn lên mốc hơn 52.140 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải hai "ông lớn" về vốn điều lệ. Vietcombank sau phát hành cổ phiếu cũng đạt vốn điều lệ lên mức là 55.890 tỉ đồng, xếp vị trí thứ nhì về vốn điều lệ trong nhóm ngân hàng niêm yết). Trong khi đó, vốn điều lệ của VPbank cao nhất nhóm ngành với 67.430 tỉ đồng.
Sang tháng 9, ACB huy động 2 lô trái phiếu mã ACBL2325004 có khối lượng 15.000 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành là 1.500 tỉ đồng và ACBL2325005 có khối lượng phát hành là 50.000 trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 5.000 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa có báo cáo ngân hàng đã phát hành thành công 685 triệu cổ phiếu cho gần 18.488 cổ đông theo tỉ lệ 50%. Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 13.699 tỉ đồng lên 20.548 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, một loạt ngân hàng khác như HDbank, Eximbank, SeABank, SHB, ACB... trong 2-3 tháng trở lại đây cũng đưa thêm tổng cộng gần 2,5 tỉ cổ phiếu mới vào sàn chứng khoán. Và tất nhiên, vốn điều lệ của các ngân hàng này cũng tăng theo.
Theo báo cáo của Chứng khoán VNDirect, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang suy giảm, theo số liệu từ quý vừa qua. Tổng lợi nhuận trước thuế của top 25 ngân hàng niêm yết hàng đầu Việt Nam đạt khoảng 61.600 tỉ đồng, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty AFA Capital cho rằng: Trên lý thuyết, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%.
"Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỉ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn" - ông Tuấn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận