Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động
Tuần qua tiếp tục có thêm nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động, nâng tổng số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong tháng 5 lên con số hơn 20. Thậm chí có ngân hàng tăng 2-3 lần trong vòng 1 tháng.
Lãi suất quay trở lại mốc 6%
NCB vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động kể từ 24/5, với mức tăng thêm 0,2%/năm đối với tất cả kỳ hạn tiền gửi. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng và là lần thứ tư trong vòng chưa đầy hai tháng, NCB tăng lãi suất huy động . Trước đó, ngày 4/5, NCB tăng 0,2%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 6-10 tháng và 12-36 tháng.
Trong ngày 23/5, ABBank cũng thay đổi lãi suất. Đây là lần tăng thứ 3 kể từ đầu tháng 5. Tuy nhiên, qua 3 lần điều chỉnh, ABBank chỉ tập trung tăng lãi suất ở duy nhất kỳ hạn 6 tháng. Mức tăng mỗi lần là 0,1%/năm vào các ngày 15, 16 và 23/5.
Trước ABBank, VIB cũng đã có 3 lần tăng lãi suất huy động vào các ngày 4/5, 8/5 và 21/5.
Các ngân hàng CB, SeABank, NCB là những ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất.
Theo thống kê từ đầu tháng 5/2024, có loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank và MB.
Sau đợt điều chỉnh vừa qua, mặt bằng lãi suất tiết kiệm cao nhất đã quay trở lại mốc trên 6%/năm.
Hiện, lãi suất ngân hàng PVcomBank ở mức cao nhất, với 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm; OCB áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng; OceanBank và Cake by VPBank cũng áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 24 tháng.
Lãi suất điều hành liệu có sớm tăng trở lại?
Làn sóng tăng mạnh lãi suất trở lại trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng bởi các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, vàng đang là kênh có biên độ tăng giảm lớn, hấp dẫn nhà đầu tư lướt sóng. Bất động sản đang hút dòng tiền sớm quay trở lại khi sự phục hồi ngày càng rõ nét. Kênh đầu tư chứng khoán cũng đang khởi sắc. Thế nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Để giữ chân được tiền nhàn rỗi, các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng. Sau giai đoạn trì trệ đầu năm, tăng trưởng tín dụng từ đầu quí II có thể sẽ khởi sắc hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng đã được NHNN giao 14% từ đầu năm. Hiện lãi suất đã tăng từ 0,2- 0,5%. MBS, UOB… dự báo lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5-1%, tuỳ kỳ hạn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm 2024. Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, mức giảm giá gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn. Gần đây, NHNN đã có những động thái nhằm ổn định tỷ giá như phát hành tín phiếu, ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở. Hiện lãi suất cho vay OMO của NHNN đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25% lên 4,5%.
Các nhà phân tích bắt đầu đưa thêm kịch bản lãi suất ở cả thị trường liên ngân hàng và thị trường tiền gửi sẽ tăng trong thời gian tới, dù lãi suất cho vay đầu ra vẫn còn là một dấu hỏi vì áp lực hồi phục kinh tế.
Vẫn có không ít yếu tố có thể giúp kìm hãm đà đi lên của lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, nhà điều hành càng có lý do để giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Một kịch bản “đẹp” được kỳ vọng là lãi suất huy động sẽ không tăng quá cao, không cần phải tăng lãi suất cơ bản. Cho đến nay, các yếu tố hỗ trợ khác cho tỷ giá vẫn đang có tín hiệu tích cực, chẳng hạn như thặng dư thương mại tăng, kiều hối, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh.
Trong toạ đàm kinh tế mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói rằng, chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, trong bối cảnh việc điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng đầu năm 2024 là rất khó khăn, dưới sức ép từ cả quốc tế và nội địa. Theo đánh giá của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang đứng trước bài toán cân bằng giữa ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cần đủ cao để giảm áp lực tỷ giá, nhưng không quá cao đến mức chính sách thắt chặt tiền tệ cản trở tăng trưởng GDP.
Thanh khoản trên thị trường vẫn ổn định. Lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp. Hiện, VietinBank là ngân hàng duy nhất trong số 4 nhà băng này duy trì mức lãi suất 5%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 và 36 tháng. Cùng kỳ hạn này, mức lãi suất tại BIDV, Agribank, và Vietcombank lần lượt là 4,8%/năm, 4,7%/năm, và 4,6%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận