menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Mức độ tăng vốn của các ngân hàng có thể ít hơn trong năm 2022

Sau mùa đại hội cổ đông, một số ngân hàng đang “rục rịch” triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, chủ yếu thông qua hình thức chia cổ tức hoặc chia thưởng bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, mức độ tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2022 được dự báo có thể sẽ ít hơn năm trước đó hoặc sẽ có sự điều chỉnh thời gian thực hiện, do diễn biến của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại không mấy thuận lợi.

“Rục rịch” tăng vốn

Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 là ngày 3/6. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 2/6/2022. Theo đó, ACB dự kiến phát hành trên 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ACB tổ chức cuối tháng 4/2022. Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ được thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán: SSB) cũng mới thông qua kế hoạch triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng trong quý II và quý III/2022 thông qua phát hành 211,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 12,7% để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 6,6% để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, SeABank sẽ phát hành 59,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022.

Đáng chú ý, sau khi hoàn thành các đợt phát hành trên, SeABank tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, hoặc chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu 228,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 13,78% vốn điều lệ hiện tại. Hình thức chào bán sẽ được quyết định cụ thể tại thời điểm triển khai. Như vậy, theo kế hoạch đến hết năm 2022, SeABank sẽ hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB), Hội đồng quản trị ngân hàng này cũng vừa công bố Nghị quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 theo chương trình ESOP đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Techcombank sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương hơn 0,18% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu; trong đó, 5,3 triệu cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam và 967.367 cổ phần phát hành cho người lao động nước ngoài.

Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau khi phát hành, mức vốn điều lệ sẽ tăng thêm 63,2 tỷ đồng lên 35.172 tỷ đồng.

Ngoài 3 ngân hàng trên, mùa đại hội cổ đông vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15-35% trong năm 2022, chủ yếu qua hình thức chia cổ tức hoặc chia thưởng bằng cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của các ngân hàng dự kiến có thể tăng lên 100.000 tỷ đồng trong năm nay.

Đáng kể nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB), với kế hoạch tăng vốn khủng từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng. Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm 9.334 tỷ đồng, từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán: MBB) dự kiến thêm khoảng 9.100 tỷ đồng, lên 46.882 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán: TPB) có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.300 tỷ đồng lên mức 21.143 tỷ đồng…

Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, 3/4 ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022; trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID) có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) cũng thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.

Khó đạt như kỳ vọng

Thực tế trong năm 2021, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, ngành ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh tăng vốn nhằm cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn, đạt được biên độ an toàn vốn lớn bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng.

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tuy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống duy trì ở mức tích cực trong giai đoạn từ 2011-2021, song vốn chủ sở hữu các ngân hàng mới chỉ tăng từ 9-10%. Do đó, nhu cầu gia tăng tiềm lực tài chính ở các ngân hàng thương mại là thiết yếu.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 còn 11,13% vào tháng 12/2020 và chạm 11,1% vào cuối tháng 6/2021. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đáp ứng quy định của Basel II (phiên bản thứ 2 của Hiệp ước Basel) và tương lai là Basel III với mức xét chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc vốn chủ sở hữu mở rộng cũng nâng cao năng lực cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau dịch COVID-19.

Trong báo cáo mới công bố, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV và nhóm cộng sự cũng đánh giá, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu sẽ tiếp tục được các tổ chức tín dụng chú trọng trong năm 2022.

Bởi, năm nay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ thị các tổ chức tín dụng không chi cổ tức bằng tiền mặt để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, và tiếp tục tăng vốn. Việc tăng vốn cũng là nhu cầu hiện hữu của các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) ở mức khá cao (14-15%). Tuy nhiên, mức độ tăng vốn sẽ ít hơn năm 2021, do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh, chịu nhiều rủi ro hơn và khả năng giảm điểm là cao.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán không mấy thuận lợi, thanh khoản thấp như hiện nay, các phương án tăng vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cần phải cân nhắc kỹ. Các ngân hàng sẽ khó huy động được nguồn lực như kỳ vọng khi thị trường chứng khoán rơi vào downtrend, chưa kể giá trị cổ phiếu bị pha loãng sau khi tăng vốn cũng khiến huy động khó khăn hơn. Ngoài ra, thị trường còn đang chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác như lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản…

Để tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng vốn vừa đảm bảo an toàn, vừa tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn phục hồi, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các tổ chức tín dụng; cho phép các tổ chức tín dụng giữ lại cổ tức; cho phép phát hành ESOP để vừa tăng vốn, vừa tăng gắn kết của nhân viên… Đồng thời, xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các tổ chức tín dụng nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng khả năng huy động.

Song song đó, các tổ chức tín dụng cũng cần chủ động thực hiện đề án cơ cấu lại, có phương án xử lý nợ xấu giai đoạn 2022 – 2023 trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn tăng nhanh; cũng như tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro và năng lực tài chính, nhất là tăng vốn chủ sở hữu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại