Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh trong quý I/2024
Bất chấp quý I đầy khó khăn với tăng trưởng tín dụng chậm chạp, song đa phần các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận khá khả quan. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn nhiều nhà băng báo lãi thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm này, bức tranh lợi nhuận các ngân hàng đã sáng rõ. Điểm tích cực là bất chấp một quý đầu năm đầy khó khăn với tăng trưởng tín dụng hầu hết quý I “ở dưới mặt đất” thì các ngân hàng vẫn tìm kiếm được các nguồn thu nhập bù lại và giữ được tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng niêm yết đạt hơn 72.000 tỷ đồng, tăng 11% so với quý I/2023.
Vietcombank tiếp tục ở vị trí dẫn đầu toàn ngành với lãi trước thuế quý I/2024 đạt 10.718 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với quý I năm ngoái, ngân hàng này đã giảm gần 4,5% lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính của Vietcombank, hầu hết các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều ghi nhận sụt giảm. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm gần 1%, xuống 14.078 tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng này, thu nhập lãi thuần đi xuống do tác động từ việc giảm lãi suất sâu.
Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, mảng kinh doanh ngoại hối của Vietcombank ghi nhận lãi thuần giảm tới 29,8% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 53,1%...
Có 10 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý I/2024
Ở vị trí "á quân", Techcombank lại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ấn tượng 39%, đạt 7.802 tỷ đồng trong quý I. Ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn được cải thiện.
Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 28%; thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư tăng 164%... Trong khi đó, chi phí dự phòng của Techcombank lại giảm gần 26%, qua đó, giúp lợi nhuận Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng.
Các ngân hàng tiếp theo nằm trong top 5 lợi nhuận lần lượt là BIDV (7.390 tỷ đồng, tăng trưởng 7%), VietinBank (6.210 tỷ đồng, tăng trưởng 4%) và MB (5.795 tỷ đồng, giảm 11%).
Trong đó, trường hợp sụt giảm lợi nhuận của MB chủ yếu đến từ việc thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan (thu nhập lãi thuần giảm 11,4% so cùng kỳ) và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng (tăng 46,4% so cùng kỳ).
Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng có kết quả khả quan. Chẳng hạn, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 37%; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 24,5%...
Ở các vị trí tiếp theo, những ngân hàng có lợi nhuận cao lần lượt là: ACB (4.892 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ), VPBank (4.182 tỷ đồng, tăng 64% so cùng kỳ), HDBank (4.028 tỷ đồng, tăng 47%), SHB (4.017 tỷ đồng, tăng 33%), LPBank (2.886 tỷ đồng, tăng 84%).
Trong 28 ngân hàng niêm yết, thống kê có 18 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương. Trong đó, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là BVBank với lợi nhuận tăng 165% so cùng kỳ, đạt 69 tỷ đồng. Tiếp theo là LPBank với tăng trưởng 84%, theo đó giúp ngân hàng này vượt qua loạt tên tuổi khác như Sacombank, VIB, TPBank để lọt Top 10 toàn ngành.
Với 10 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, ngoài 3 cái tên trong Top 10 nêu trên (Vietcombank, MB và ACB) thì còn có: ABBank giảm 71% (đạt 178 tỷ đồng), VietBank giảm 63% (đạt 73 tỷ đồng); Saigonbank giảm 35% (còn 68 tỷ đồng); PGBank giảm 24% (116 tỷ đồng); Eximbank giảm 24% (còn 661 tỷ đồng); VIB giảm 7% (còn 2.500 tỷ đồng).
Nhóm ngân hàng có lợi nhuận kém khả quan tiếp tục ghi nhận NCB lỗ 42 tỷ đồng trong quý đầu năm, so với mức lãi 6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận