Lợi nhuận một số ngân hàng khởi sắc, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trả ngân hàng
Thời điểm này, một số ngân hàng rục rịch công bố kết quả kinh doanh của quý I/2024. Trong đó, nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận trước thuế có mức tăng tích cực.
Lợi nhuận của quý I/2024 của các ngân hàng dần lộ diện
Tính đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã tiết lộ lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024. Đa phần là các con số tích cực.
Như SeABank, hết quý I/2024, đơn vị đã đạt 1.506 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu nhập hoạt động của SeABank đạt 2.706 tỉ đồng, tăng 19,54%, trong khi tổng doanh thu đạt 6.438 tỉ đồng, tăng 4,6%. Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi đạt 705 tỉ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ.
Tính đến hết ngày 31.3, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 181.238 tỉ đồng, tăng ròng 1.487 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của SeABank được kiểm soát ở mức 1,95%, trong khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 86,84%.
Tính đến hết tháng 3.2024, tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỉ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỉ đồng so với cuối năm trước, vốn điều lệ ngân hàng ở mức 24.957 tỉ đồng.
Cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, tại ĐHCĐ, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch ACB cho biết, hết quý I, lợi nhuận của ACB ước đạt 4.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ khoảng 5% do cùng kỳ năm trước có khoản thu bất thường từ xử lý nợ.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, trong quý I, huy động vốn của ACB tăng trưởng 2,1% trong đó huy động vốn tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) tăng 6,4%, tỷ lệ CASA cải thiện 22% lên mức hơn 23%.
Còn tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, lợi nhuận trước thuế của OCB trong quý I/2024 đạt khoảng 1.000 - 1.200 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2023 đạt 983 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022).
Một ngân hàng khác là VIB, Tổng Giám đốc Đặng Khắc Vỹ trả lời cổ đông rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hết quý I/2024 ước đạt 2.600 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Theo như dự báo của Công ty Chứng khoán MBS, năm nay, nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý đầu năm, như VPBank, OCB có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn ngành, lần lượt ở mức 175% và 86%.
Mức tăng trưởng lợi nhuận quý I khoảng 43-44% được MBS đưa ra với VietinBank, HDBank, mức tăng cả năm lần lượt là 15% và 31%.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng dương trong quý I còn có Sacombank, Techcombank, BIDV, MB, Vietcombank.
Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan như MSB, TPBank, Eximbank.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi dù lực cầu còn yếu
Cùng với kết quả kinh doanh, lãnh đạo ACB cho biết, ACB ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng của toàn ngành, đồng thời cũng vượt trội hơn so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại VIB, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB ước đạt 1%; trong đó 95% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, chủ yếu là sổ hồng, sổ đỏ, cho dù các khoản vay nhỏ, lẻ như mua nhà… Tỷ lệ nợ xấu của VIB hiện nay khoảng 2,4% và các biện pháp giảm nợ xấu đang được VIB thực thi.
Tại OCB, lãnh đạo ngân hàng cho biết, tăng trưởng 4,6% trong quý I, khẳng định mức tăng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành.
Ngân hàng Nhà nước bơm lượng lớn tiền trả hệ thống ngân hàng
Hôm nay (8.4) là ngày đáo hạn của lô tín phiếu 28 ngày được NHNN phát hành trong phiên 11.3 (phiên hút tiền đầu tiên sau 4 tháng tạm dừng). Theo đó, số tiền được NHNN bơm trả có quy mô gần 15.000 tỉ đồng.
Khi tỷ giá USD/VND căng thẳng, NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống ngân hàng. Thông qua 19 phiên lượng tín phiếu lũy kế phát hành thành công đạt gần 172.500 tỉ đồng.
Nghiệp vụ này của NHNN cũng được cho là nguyên nhân khiến lãi suất qua đêm liên ngân hàng bật tăng lên vùng cao nhất trong gần 1 năm trở lại đây.
Ngoài ra, gần đây, NHNN đã bơm tiền qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) cho những ngân hàng cần.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, trong thời gian tới, NHNN sẽ sử dụng linh hoạt công cụ Mua kỳ hạn (OMO) và Tín phiếu trên thị trường mở.
"Động thái điều hành của NHNN trên thị trường mở, nhằm giảm áp lực tỷ giá cũng sẽ không gây ra những thay đổi quá nhanh về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng; thay vào đó, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn đang được ưu tiên" - nhóm phân tích của VCBS nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận