Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Lác đác vài lệnh mua
Thị trường trong tuần từ ngày 29/7-2/8/2024 tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm mạnh, do đó lãnh đạo và người thân đua nhau “thoát hàng” cổ phiếu đang nắm giữ.
IFC không bán được hết 3 triệu cp PVI đăng ký
Do điều kiện thị trường không thuận lợi, từ ngày 26/6-25/7 Internation Finance Corporation (IFC) mới bán gần 2.4 triệu cp trong tổng số 3 triệu cp đăng ký của CTCP PVI (HNX: PVI). Lý do không bán hết cổ phiếu PVI đã đăng ký được IFC đưa ra “do điều kiện thị trường không thuận lợi”.
Tạm tính theo giá PVI đóng cửa phiên 25/7, IFC có thể thu về khoảng 122 tỷ đồng sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại PVI từ 1.8% (4.2 triệu cp) xuống còn 0.79% (1.8 triệu cp).
Trước đó, IFC và 2 quỹ thành viên gồm IFC Financial Institutions Growth Fund (Quỹ Tăng trưởng hướng tới các định chế tài chính IFC) và IFC Emerging Asia Fund (Quỹ châu Á Mới nổi IFC) cùng đăng ký bán số lượng 3 triệu cp PVI. Qua đó, nhóm IFC muốn bán tổng cộng 9 triệu cp PVI trong cùng thời gian từ 26/6-25/7.
Sau khi nhóm IFC đăng ký thoái vốn, phiên 23/7, HDI Global SE đã mua 1.98 triệu cp PVI trong tổng số 7 triệu cp đăng ký. Theo đó, phiên 23/7, PVI ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng đúng bằng khối lượng giao dịch của quỹ đầu tư. Giá trị giao dịch gần 96 tỷ đồng, tương ứng 48,400 đồng/cp. Phiên này, PVI đóng cửa ở mức 53,700 đồng/cp.
Sau giao dịch, HDI Global SE tăng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 40.21% (94.2 triệu cp) lên 41.05% (96.2 triệu cp), tiếp tục giữ vững vị trí cổ đông lớn nhất của PVI.
Tân Chủ tịch SBT hoàn tất thoái hơn 9% vốn
Trong thời gian từ 12-26/7/2024, bà Đặng Huỳnh Ức My - tân Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) đã hoàn tất bán ra 70 triệu cp SBT, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 19.02% xuống còn 9.84%, tương đương gần 75 triệu cp.
Chiếu bình quân giá đóng cửa các phiên trong thời gian giao dịch (12,864 đồng/cp), ước tính bà My thu về hơn 900 tỷ đồng từ thương vụ.
Một điểm đáng chú ý khác là trong thời gian này, cổ phiếu SBT lần lượt ghi nhận khối lượng giao dịch gần 39 triệu cp trong phiên 19/7 và hơn 35 triệu cp trong phiên 22/7. Đây là hai phiên có mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch Fahasa muốn bán 3 triệu cp trước đợt trả cổ tức
Ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Phát hành Sách TP.HCM (Fahasa, UPCoM: FHS) đăng ký bán 3 triệu cp từ ngày 5-30/8/2024, theo hình thức thỏa thuận.
Ông Thuận hiện đang là cổ đông lớn nhất của Fahasa, nắm giữ hơn 4.8 triệu cp, tương đương tỷ lệ 37.8%. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ của Chủ tịch sẽ giảm về khoảng 14.3%, tương đương hơn 1.8 triệu cp.
Phiên 2/8, cổ phiếu FHS tạm dừng ở mức 28,100 đồng/cp. Với mức giá này, ước tính ông Thuận có thể thu về hơn 84 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu CRE giảm sâu, Shark Hưng muốn gom thêm 5 triệu cp
Ông Phạm Thanh Hưng (được biến đến với tên gọi Shark Hưng) - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Land đăng ký mua 5 triệu cp CRE, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, trong thời gian từ 6/8-4/9/2024, với nhu cầu đầu tư cá nhân.
Nếu giao dịch thành công, Shark Hưng sẽ nâng sở hữu từ gần 13.3 triệu cp (tỷ lệ 2.86%) lên gần 18.3 triệu cp (tỷ lệ 3.94%) tại CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, HOSE: CRE).
Động thái của Shark Hưng diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CRE đang ở vùng thấp nhất 1 năm qua. Đóng cửa phiên 01/8, giá cổ phiếu CRE dừng ở mức 6,830 đồng/cp, giảm hơn 20% so với đầu năm, với thanh khoản trung bình gần 451 ngàn cp/phiên. Tạm tính theo mức giá này, ước tính Phó Chủ tịch HĐQT Cen Land cần chi hơn 34 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 29/7-2/8/2024
Nguồn: VietstockFinance
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 29/7-2/8/2024
Nguồn: VietstockFinance
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường