Lãi suất cho vay thấp, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng bật tăng trong nửa cuối năm
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6% trong quý II/2024. Đà hồi phục đang tiếp tục, các chuyên gia cho rằng tín dụng sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm để đóng góp vào đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng, nhưng vẫn cách xa mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.
Mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo công bố của BIDV, lãi suất cho vay bình quân tại ngân hàng này chỉ là 5,82%/năm, mức thấp nhất hệ thống. Chênh lệch lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân là 3,13%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,84%/năm.
Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân trong kỳ công bố tháng 6 là 5,9%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,2%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan huy động vốn và sử dụng vốn là 1,5%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng này hiện là 6,1%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân là 2,4%/năm.
Còn Agribank, lãi suất cho vay bình quân hiện nay được công bố là 7,06%/năm. Tuy nhiên, theo ngân hàng này, lãi suất cho vay dành cho khoản vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ là 4%/năm. Lãi suất cho vay thông thường đối với khoản vay ngắn hạn là 5%/năm và khoản vay trung, dài hạn là 5,5%/năm. Lãi suất cho vay thẻ tín dụng là 13%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay với chi phí vốn tại Agribank chỉ ở mức 1,4%/năm
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, mức lãi suất cho vay công bố có sự khác biệt đáng kể.
Như Techcombank, lãi suất cho vay bình quân cho khách hàng doanh nghiệp áp dụng trong tháng 5/2024 là 5,92%/năm; chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân là 2,67%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay bình quân là 7,03%/năm, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân là 3,78%/năm.
Tại ACB, lãi suất cho vay bình quân cho các khoản vay giải ngân trong tháng 5 là 6,7%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,44%/năm (chưa bao gồm chi phí dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng).
Tại Sacombank, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay giải ngân trong tháng 5 là 7,53%/năm (giảm 0,1%/năm so với tháng liền trước). Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay là 3,43%/năm (cũng giảm so với con số 3,5% tháng liền trước).
Tại VIB, mức lãi suất cho vay áp dụng với khách hàng cá nhân bình quân là 6,81%/năm, với khách hàng doanh nghiệp là 5,8%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay là 2,96%/năm.
Bất động sản "cứu" tín dụng tại nhiều ngân hàng
Lãi suất cho vay giảm đã kích thích nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.
Chia sẻ về tình hình tín dụng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa tốt dẫn tới tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 5 mới đạt chưa đến 4%, riêng Vietcombank mới tăng được 1,6%.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank đánh giá, từ tháng 4-5, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Theo ông Tùng, với việc thị trường bất động sản "ấm" trở lại và các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu có kế hoạch mở rộng kinh doanh, Vietcombank sẽ tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời tài trợ vốn cho các dự án lớn thuộc lĩnh vực hạ tầng hàng không, cảng biển, giao thông, công nghiệp...
“Dự kiến đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng có thể đạt 10% và nếu tiến độ giải ngân tốt có thể đạt đến 15%, bất chấp tín dụng 5 tháng mới tăng 1,6%”, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.
Thực tế, khảo sát của VnBusiness từ báo cáo tài chính quý I của nhiều nhà băng cho thấy những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt đều có dư nợ cho vay bất động sản cao. Như MB cho vay kinh doanh bất động sản đến cuối quý I/2024 đạt 45.267 tỷ đồng, tăng 4,6% (hơn 2.000 tỷ đồng) so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này chỉ đạt 615.316 tỷ đồng, tức chỉ tăng 0,7% (hơn 4.200 tỷ đồng). Như vậy, tăng trưởng tín dụng của MB có đóng góp gần một nửa từ bất động sản.
Đáng chú ý, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác từng là chủ lực cho vay của MB lại tăng trưởng âm 0,5% trong quý I, sụt về mức 164.646 tỷ đồng.
Còn tại VPBank, tín dụng hợp nhất chỉ tăng 2,1% so với đầu năm, đạt gần 613.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 582.691 tỷ đồng, tăng hơn 16.400 tỷ đồng. Nếu gộp cả cho vay kinh doanh bất động sản lẫn cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở thì VPBank có dư nợ hơn 207.500 tỷ đồng ở cuối quý I/2024, tăng hơn 6.820 tỷ đồng.
Tốc độ "bơm" tiền vào bất động sản của VPBank giảm hơn so với mức tăng ấn tượng hồi quý cuối năm ngoái, nhưng vẫn đóng góp hơn 40% mức tăng tổng dư nợ cho vay khách hàng trong quý đầu năm nay.
Các chuyên gia tại VCBS dự báo nhu cầu tín dụng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. “Tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 12-13%”, các chuyên gia phân tích tại VCBS nêu.
Trong đó, động lực cho tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, việc thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà cũng là động lực cho tăng trưởng tín dụng cả năm.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, cho biết tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt trên 10% và dự kiến cả năm có thể tăng 15% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao.
Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến chia sẻ, trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng thấp, LPBank vẫn có những động lực riêng để hỗ trợ tăng trưởng, trong đó có tín dụng cá nhân. Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng ghi nhận mức tăng tốt khi thị trường này đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực từ đầu quý II.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận