Kịch bản nào cho chứng khoán trong tháng 12?
Khi thị trường điều chỉnh mạnh về mốc 1.200 điểm, đã có nhiều nhà đầu tư cá nhân “bắt đáy” cũng như khối ngoại có tuần “đảo chiều” mua ròng. Ván đặt cược ngắn hạn đã thành công, nhưng liệu VN-Index có tiếp tục hướng đến mốc 1.300 điểm trong tháng 12 hay không?
Phục hồi mạnh nhưng thanh khoản thấp
Trên thực tế đã có khá nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tích cực “bắt đáy” khi thị trường giảm dần từ mức đỉnh gần nhất trong tháng 10, diễn biến này vẫn tiếp tục trong tháng vừa qua. Tính đến 29-11, “ván cược” đã thành công xét về điểm số chung, khi VN-Index tăng 22,3 điểm trong tuần trước, tương ứng 1,82%, đồng thời giữ mạch tăng theo tuần thứ hai liên tiếp. “Thị trường đang tăng lên trong nghi ngờ”, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset bình luận.
Hầu hết các nhà phân tích đánh giá lý do thị trường tăng tích cực là nhờ nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, đến từ cả khu vực quốc tế lẫn trong nước, bên cạnh yếu tố kỹ thuật khi đi lên từ vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm.
Đà tăng cũng lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trần vào phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, đặc biệt là FPT hướng về mức đỉnh lịch sử mới. Nhóm tài chính, chủ yếu là ngân hàng cũng tăng mạnh trở lại.
Câu chuyện quốc tế cũng có nhiều điểm tích cực. Trong số này phải kể đến việc tỷ giá hạ nhiệt đang kể, sau khi chỉ số DXY về lại vùng đỉnh gần nhất trong tháng 7 là 108 điểm.
Ngoài ra, một yếu tố tích cực khác là động thái mua ròng trở lại của khối ngoại trên sàn chứng khoán, từ đó phần nào giảm sức ép đối với tâm lý giao dịch chung. Cụ thể, khối ngoại kết thúc chuỗi bán ròng kéo dài 7 tuần liên tiếp và mua ròng gần 1.000 tỉ đồng trong tuần trước, với tâm điểm xoay quanh các cổ phiếu như FPT và MSN, dù điểm trừ là các quỹ ETF (đầu tư theo chỉ số) vẫn tiếp tục rút ròng.
Dù thị trường tăng điểm, sự lo ngại của các nhà phân tích vẫn nằm ở chỗ thanh khoản vẫn ở mức thấp. Trong tuần trước, thanh khoản giao dịch giảm 15,2% tính theo tuần, còn nếu tính theo tháng thì giảm 10,5% so với tháng 10 và giảm 18,9% so với cùng kỳ, đồng thời cũng là mức thấp nhất từ tháng 5-2023. Lo ngại về thanh khoản khiến nhiều nhà đầu tư càng thêm băn khoăn về kịch bản thị trường trong tháng cuối cùng của năm.
Kịch bản nào cho tháng cuối năm?
Nhịp giảm điểm của thị trường trong đợt vừa qua là hơn 100 điểm kể từ vùng đỉnh tháng 10, tương đương giảm 8%, có nét tương đồng với nhịp giảm mạnh vào tháng 4 và tháng 7 năm nay (cũng giảm hơn 9%), theo thống kê của Công ty chứng khoán MBS.
Sau phiên phục hồi đáng kể, có nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng chỉ số sẽ hướng trở lại mốc 1.300 điểm mà thị trường đã từng chạm tới nhưng không giữ vững thành công; nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn lo ngại về kịch bản VN-Index trở lại về mức 1.200 điểm.
Dự báo về thị trường vì thế được phân thành 3 kịch bản: một là hướng đến mốc 1.300 điểm, hai là điều chỉnh dần về 1.200 điểm, và kịch bản mang tính trung bình là thị trường sẽ đi ngang. Tuy vậy, trong các xu hướng này thì các nhà phân tích đang nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp cận mốc 1.300 điểm.
Một lý do thị trường khó giảm sâu hơn, về dưới mốc 1.200 điểm là vì hầu hết các nhà phân tích theo xu hướng kỹ thuật đều cho rằng trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã củng cố nền tảng hỗ trợ vững chắc tại vùng tâm lý quan trọng này.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), kịch bản thị trường giảm sâu khó xảy ra, vì trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại mạnh tay bán ròng trong thời gian qua nhưng mốc 1.200 điểm vẫn chưa bị xuyên thủng, cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Bên cạnh đó, điểm tích cực khác là dòng tiền nội đang trở lại nhưng vẫn tương đối thận trọng, cũng như chỉ số VN-Index đã dao động trong biên rộng nhưng đang được thu hẹp dần.
“Nếu trong trường hợp chỉ số VN-Index xây nền tại mốc 1.255 điểm kèm thanh khoản tăng thì xác nhận chỉ số ổn định và tiếp tục phục hồi vào cuối năm. Song, vùng 1.300 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay”, ông Sơn bình luận.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, đánh giá chỉ số VN-Index đã có pha phục hồi sau khi tỷ lệ đòn bẩy của nhà đầu tư giảm tương đối, trong bối cảnh dòng tiền bán ròng của khối ngoại yếu đi. Hiện nay, yếu tố tích cực cho kịch bản thị trường đi lên là định giá VN-Index vẫn ở mức phải chăng (chỉ số P/E ở mức 13 lần), cũng như động lực từ việc nâng hạng thị trường, dù “vẫn còn nhiều thách thức”.
“Triển vọng vĩ mô vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, bao gồm áp lực tỷ giá do chỉ số DXY neo cao, tỷ giá đang gần ngưỡng cao nhất năm và lãi suất tiền gửi tăng nhẹ”, ông Lâm bình luận.
Tương tự, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, rủi ro trước mắt lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là khả năng đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá.
“Nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng, mức giảm tỷ giá có thể vượt qua ngưỡng quan trọng 5% trong năm, khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để hỗ trợ tiền đồng”, ông nói.
Nhìn chung, kịch bản hiện nay đặt cược vào hai câu chuyện, một là diễn biến quốc tế và hai là sự phục hồi của các doanh nghiệp nội địa. Giai đoạn cuối năm hiện nay cũng là thời điểm có nhiều thông tin đang được chờ đợi, không chỉ câu chuyện quốc tế như Fed giảm lãi suất, nước Mỹ chính thức có Tổng thống mới, mà cả câu chuyện trong nước như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng thị trường và vĩ mô hơn là tăng trưởng GDP liệu có tích cực.
Kịch bản thị trường vì thế vẫn sẽ tiếp tục thử thách niềm tin và sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư lựa chọn chốt lời ngắn hạn vì lo ngại thị trường chung khó có thể đi lên trong thời gian tới vì thiếu dòng tiền đi vào. Còn Bảo Ngọc, nhà đầu tư nêu trên, cho biết vẫn nắm giữ các cổ phiếu được kỳ vọng là sẽ hưởng lợi trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu trung hạn nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường