Khối ngoại đã bán ròng hơn 8 ngàn tỷ trên HOSE từ đầu năm
Nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã bán ròng hơn 8 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm trên sàn HOSE. Trong khi đó, mua ròng hơn 2 ngàn tỷ đồng trên HNX.
Cụ thể, khối ngoại một lần nữa “phá kỷ lục” về tháng bán ròng mạnh nhất năm, xác lập mức 4,264 tỷ đồng trong tháng 9 trên sàn HOSE. Lũy kế 9 tháng 2023, giá trị rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài lên tới 8,042 tỷ đồng. Còn trên HNX, các nhà đầu tư nước ngoài lại có tháng mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đạt 356 tỷ đồng. Qua đó, đưa số lũy kế 9 tháng đầu năm lên mức 2,031 tỷ đồng.
Khối ngoại mạnh tay bán ròng cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh TTCK có sự biến động mạnh. Thành quả của thị trường có được từ tháng 7 đã bị thổi bay. Chỉ số VN-Index điều chỉnh rất mạnh, từ vùng 1,240 điểm về còn 1,154 điểm, tương đương giảm gần 7%. Đáng nhớ nhất là phiên ngày 25/09, các nhà đầu tư cũng như giới phân tích đã phải chứng kiến một phiên bán tháo mạnh thứ 2 trong năm làm cho VN-Index bốc hơi gần 40 điểm, trước khi tiếp tục trải qua thêm một phiên xả hàng khác ngay sau đó, khiến thị trường rơi hơn 15 điểm. Điều đáng chú ý khác, khối ngoại lại bất ngờ mua ròng mạnh khó hiểu trong giai đoạn này, lũy kế gần 1,664 tỷ đồng từ 25-27/09. Kết phiên tháng 9, VN-Index dừng ở mức 1,154.15 điểm, giảm gần 6% so với cuối tháng trước và tăng 15% so với đầu năm.
Diễn biến của VN-Index trong tháng 9
Nguồn: VietstockFinance
Các yếu tố khiến thị trường phản ứng mạnh giai đoạn qua có liên quan đến câu chuyện tỷ giá, hoạt động thảo luận xoay quanh câu chuyện này ngày càng tăng, đi theo động thái từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan này gần đây đã quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, tổng khối lượng là 70 ngàn tỷ đồng với kỳ hạn 28 ngày trong 5 ngày làm việc liên tiếp. Theo SSI Research, động thái này được đánh giá là bước đầu nhằm hạn chế áp lực tỷ giá, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến đến gần hơn giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh và tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác.
Về phía Fed, đúng như kỳ vọng từ giới phân tích, NHTW hàng đầu thế giới quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tháng 9. Lãi suất quỹ liên bang (Fed funds rate) được giữ nguyên ở mức 5.25%-5.5%. Ngoài ra, biểu đồ dot-plot của Fed cũng được chú ý với kỳ vọng có thêm 1 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2023.
Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell vẫn cực kỳ chú ý tới rủi ro từ lạm phát và sẽ đưa ra quyết định chính sách tại từng cuộc họp dựa trên dữ liệu có được. Người đứng đầu NHTW Mỹ cho biết: “Fed sẵn sàng nâng lãi suất thêm nếu cần thiết”.
Tháng 10, thị trường toàn cầu sẽ còn nhiều biến động, ít nhất là trước khi dữ liệu quan trọng bảng lương phi nông nghiệp (non-farm payrolls) liên quan đến thị trường việc làm và thu nhập của Mỹ được công bố vào ngày 06/10 tới, trước khi biên bản cuộc họp FOMC của Fed được hé lộ sau đó 6 ngày. Các manh mối về hành động của Fed sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ, qua các thay đổi trong việc dùng từ ngữ trong biên bản.
Ngoài ra, việc giá dầu tăng vọt trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại công cuộc chống lạm phát của Fed sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11/2023 từng lập chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, có lúc chạm mốc 95 USD/thùng, sau đó lùi về 90.79 USD/thùng tại cuối tháng 9. Nguyên nhân do nguồn cung dầu thô thế giới, vốn do khối OPEC+ cầm trịch, đã thắt chặt hơn; mặt khác, Trung Quốc – một động lực chính ở phía cầu, có dấu hiệu hồi phục kinh tế.
Trở lại TTCK trong nước, một số quỹ ngoại như Fubon FTSE Vietnam ETF, iShares Frontier & Select EM ETF hay VanEck Vectors Vietnam (VNM ETF) chủ yếu bán ròng trong tháng 9.
Trên HOSE, cổ phiếu HPG là mã bị bán nhiều nhất, giá trị ròng lên đến 1,638 tỷ đồng, gần gấp đôi mã bị bán mạnh xếp sau là STB (839 tỷ đồng). Tính riêng Fubon, theo số liệu tại 15/09, quỹ ETF lớn thứ 2 tại Việt Nam đã bán 11 triệu cp HPG 7.7 triệu cp SHB, 3 triệu cp VHM và 2.3 triệu cp SSI. Các quỹ khác như VNM ETF và iShares Frontier & Select EM ETF cũng bán mạnh cổ phiếu HPG, SHB, SSI, VCI, VIC.
Ngược lại, cổ phiếu VPB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất 697 tỷ đồng, VNM xếp thứ 2 với 649 tỷ đồng.
Còn trên HNX, cổ phiếu SHS bị bán ròng mạnh nhất (44 tỷ đồng), xếp sau là các cổ phiếu DTD, NVB, MBS…gần như lực bán chiếm áp đảo. Ngược lại, 3 cổ phiếu HUT, IDC và PVS được mua ròng nhiều nhất lần lượt 195 tỷ đồng, 121 tỷ đồng và 89 tỷ đồng.
Đến nay, quá trình nâng hạn thị trường Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chỗ. Mới đây, trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018.
Trên thực tế, Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm nâng hạng thị trường trước năm 2025 thông qua nhiều cuộc họp để tìm cách tháo gỡ các nút thắt.
Trong chia sẻ gần đây, ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho rằng Việt Nam cần phải gỡ nút thắt pre-funding và room ngoại.
Việc nâng hạn thị trường thành công từ cận biên lên mới nổi sẽ giúp thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam. Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) ước tính sẽ có từ 4 - 10 tỷ USD đổ vào thị trường khi được nâng hạng.
Ông Thành cũng cho biết thêm nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm 2023, 2024 và 2025. P/E mục tiêu của thị trường Việt Nam sẽ tăng lên mức 18 lần.
Với định giá này, VN-Index có thể bứt phá lên mức 2,300 - 2,500 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận