Hàng tỉ cổ phiếu ngân hàng bơm vào thị trường chứng khoán
Tính sơ bộ về việc 7 nhà băng công bố kế hoạch gần đây, số lượng cổ phiếu ngân hàng mới gia nhập sàn chứng khoán đã tăng thêm 3,9 tỉ đơn vị.
Hôm qua 30.8, gần 377,3 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, mã chứng khoán HDB) được đưa vào giao dịch trên sàn HOSE với mục đích trả cổ tức. Tổng số cổ phiếu của ngân hàng này trên sàn chứng khoán nhờ đó đạt hơn 2,97 tỉ đơn vị, vốn điều lệ theo đó cũng tăng lên 29.076 tỉ đồng.
Trước đó ngày 29.8, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) cũng vừa công bố HĐQT đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. VietinBank dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu vào Quý III và Quý IV/2023, tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 5.643 tỉ đồng.
Cùng ngày 29.8, hơn 680 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội chính thức được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Như vậy tính đến nay, có tổng cộng hơn 5,2 tỉ cổ phiếu MBB đưa vào giao dịch trên sàn chứng khoán.
Đây là số cổ phiếu mới được ngân hàng phát hành thêm để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 22% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Từ đó cũng nâng vốn điều lệ lên mức hơn 52.140 tỉ đồng.
Không những thế trong vòng hai tháng nay, nhiều ngân hàng khác như: Eximbank, SeABank, SHB, ACB... cũng đưa thêm tổng cộng khoảng 1,97 tỉ cổ phiếu mới vào sàn chứng khoán.
Quy mô lớn nhất phải kể đến Vietcombank khi ngân hàng này thay đổi số lượng chứng khoán niêm yết từ hơn 4,73 tỉ cổ phiếu lên mức gần 5,6 tỉ cổ phiếu sau khi phát hành thêm gần 857 triệu cổ phiếu mới để thực hiện trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm gần 8.566 tỉ đồng lên mức 55.892 tỉ đồng, vươn lên vị trí thứ hai trong hệ thống, chỉ sau VPBank (67.430 tỉ đồng).
Năm 2023, chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là: VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MBB. Các nhà băng còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu để giữ lại lợi nhuận. Bởi theo chuyên gia từ Chứng khoán VPBankS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng dự báo sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10 - 12%. Sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận sẽ diễn ra giữa các nhóm ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá từ Chứng khoán VNDIRECT, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt. Tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực.
Vì thế, khối ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục đặt mục tiêu tỉ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận