menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Duy Công

Giá vàng, bất động sản, cổ phiếu khó lường, nhà đầu tư gặp khó

Gần đây, nhiều nhà đầu tư gặp khó khi các kênh đầu tư trở nên khó lường: giá vàng chao đảo, chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp...

Dòng tiền có dấu hiệu trở lại một kênh đầu tư, song sự thận trọng vẫn còn rất lớn.

Tìm kiếm một kênh đầu tư

Gần đây, ông Nguyễn Văn Tám ở quận 2, TP.HCM đang tìm kiếm một kênh đầu tư sinh lời tốt hơn. Ông tính tới kênh trái phiếu doanh nghiệp, nơi mà lợi tức cao gấp khá nhiều so với lãi tiền gửi ngân hàng. Điều ông Tám quan tâm là tìm một doanh nghiệp lớn, ổn định, ít rủi ro phá sản trong 5 năm tới, có dòng tiền đều đặn để trả lãi, tới hạn trả gốc trái phiếu.

Ông Tám vốn là nhà đầu tư trên thị trường bất động sản và từng thắng lớn ở mảng này.

Trong hơn 10 năm qua, ông Tám từng bội thu từ những mảnh đất ở một số khu đắc địa tại Sài Gòn như Thảo Điền, Thủ Thiêm,... Sau này, ông cũng kiếm khá đậm nhờ chứng khoán, rồi đầu tư một vài mảnh đất ở gần sân bay Long Thành và ở quận 9 đối diện bên kia Vinhomes Grand Park... cũng như có một lượng tiền tương đối gửi ngân hàng khi lãi suất còn ở mức cao để nghỉ hưu sớm.

Gần đây, lãi suất ngân hàng về mức khá thấp, nhà đầu tư này tính trở lại kênh chứng khoán nhưng thử một vài lần đều dự báo sai nên không dám mạo hiểm.

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư gặp khó khi các kênh đầu tư trở nên khó lường. Giá vàng miếng SJC sau khi lên đỉnh lịch sử 92,5 triệu đồng/lượng hôm 10/5 đã quay đầu giảm 15 triệu đồng mỗi lượng, xuống chưa tới 77 triệu đồng/lượng theo giá bán của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh.

Vàng giảm giá nhanh khiến hoạt động đầu tư/tích trữ chùng lại. Bên cạnh đó, việc mua vàng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn mua với số lượng lớn. Có nhiều quy định giới hạn việc mua bán vàng, sắp tới có thể Nhà nước sẽ đánh thuế.

Lãi suất huy động của các ngân hàng được đẩy lên đôi chút nhưng vẫn ở mức thấp, hầu hết dưới 5%/năm.

Trong khi đó, giá bất động sản tăng cao ở nhiều khu vực. Ông Tám tính ra tìm ở vùng ven Hà Nội - nơi có mật độ dân số rất cao và triển vọng tăng giá về dài hạn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá căn hộ chung cư cũng như nhà đất tại đây tăng rất mạnh 20-50%. Có nơi ngoài vành đai 3, giá biệt thự lên tới 1 tỷ đồng/m2, 500m2 có giá hơn 500 tỷ đồng, ngang ngửa đất ở khu phố cổ.

Giá đất tại Đà Nẵng cũng ở mức cao nhưng triển vọng kém tươi sáng hơn. Ở TP.HCM, thị trường bất động sản được cho là còn khá trầm lắng.

Trên thực tế, số người là nhà đầu tư cá nhân muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không nhiều sau các vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,... Các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng khá chặt chẽ.

Dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực hơn trong bối cảnh thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn.

Trái phiếu doanh nghiệp: Tích cực hơn, song tiềm ẩn rủi ro

Gần đây, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có nhiều doanh nghiệp báo cáo phát hành thành công các lô trái phiếu.

Hôm 31/5, chuỗi dịch vụ cầm đồ cho vay thế chấp F88 phát hành thành công lô trái phiếu thứ 3 kể từ đầu năm 2024, kỳ hạn 1 năm, thu về tổng cộng 3 đợt là 150 tỷ đồng với lãi suất 11-11,5%/năm.

Trước đó, hồi giữa tháng 5, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phát hành thành công lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 12,5%/năm. Trong chưa đầy hai tháng, Vingroup đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn 8.000 tỷ đồng từ trái phiếu, thông qua 4 đợt phát hành. CTCP Vinhomes (VHM) cũng có lô trái phiếu giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%...

Chưa biết cả năm 2024, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ ra sao, nhưng kênh huy động vốn này được Chính phủ rất quan tâm để giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Trong năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp địa ốc phát hành tăng hơn 40% so với năm 2022.

5 tháng đầu năm 2024, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 71% so với cùng kỳ, lên gần 60 nghìn tỷ đồng. Lượng phát hành ra công chúng đạt gần 8.900 tỷ đồng, còn lại là phát hành riêng lẻ.

Có thể thấy, kênh trái phiếu doanh nghiệp gần đây thu hút sự quan tâm trở lại của giới đầu tư, trong đó có cả các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Mức lãi suất 11-12%/năm, gấp hơn 2 lần so với gửi tiết kiệm ngân hàng, thực sự hấp dẫn đối với nhiều người. Thị trường chứng khoán vẫn khá ì ạch, mãi vẫn quanh ngưỡng 1.200-1.300 điểm.

Hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền từ nơi lợi tức thấp sang nơi có lợi tức cao là bình thường. Tại Trung Quốc, kể từ đầu năm người dân nước này rút tiền khỏi ngân hàng rất mạnh và chuyển qua đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm quản lý tài sản.

Ở Việt Nam, sự dịch chuyển của dòng tiền chậm hơn nhiều sau những cú sốc nói trên. Sau năm bùng nổ 2021, niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp lung lay. Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp vực dậy thị trường này.

Dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian qua, đối tượng phát hành trái phiếu chính là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Không ít doanh nghiệp địa ốc còn khó khăn và đang đối mặt với một lượng lớn trái phiếu đáo hạn ngay trong năm nay.

Theo Bộ Tài chính, dư nợ trái phiếu bất động sản là hơn 351.000 tỷ đồng. Trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn hơn 99.500 tỷ đồng. Nhiều ông lớn bất động sản nợ trái phiếu lớn như: TNR Holdings Việt Nam khoảng 9.300 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Hano-vid khoảng 9.500 tỷ đồng, Novaland 6.500 tỷ đồng...

Theo FiinRatings, áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023. Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa sắp xếp được dòng tiền trả nợ.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, trước đó cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô kênh này còn nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP vào cuối 2023, cách khá xa so với mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.

Theo một số chuyên gia, hiện nay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn dài 5-7 năm như trước cũng rất khó, thay vào đó là kỳ hạn khá ngắn, chủ yếu 12-24 tháng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

42.10

+0.10 (+0.24%)

Biểu đồ mã VIC

38.30

(0.00%)

Biểu đồ mã VHM
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả