Giá thép thế giới giảm mạnh, cổ phiếu thép liên tục dò đáy
Hàng loạt cổ phiếu ngành thép đã chạm tới mức sâu nhất trong nhiều tháng bất chấp khuyến nghị mua từ các công ty chứng khoán (CTCK), trong đó NKG lao dốc 34%, còn HPG giảm 22% so với đỉnh. Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Giá thép Mỹ rớt mốc 1,600 USD, giảm gần 20% so với đỉnh
Sau chuỗi tăng kéo dài từ giữa năm 2020, thị trường thép đã hạ nhiệt trở lại. Giá thép tại phần lớn thị trường giờ đã quay đầu giảm còn nhanh hơn lúc tăng.
Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu trọng tâm của nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam.
Tại Mỹ, giá thép HRC đã giảm xuống 1,581 USD/tấn, giảm gần 20% so với mức đỉnh 1,960 USD xác lập hồi cuối tháng 9/2021. Trong khi đó, giá HRC châu Âu cũng giảm hơn 300 USD xuống sát ngưỡng 1,000 USD/tấn. Tại Trung Quốc, giá thép HRC đã giảm từ đỉnh 1,000 USD xuống 750 USD.
Nhu cầu ảm đạm và nguồn cung thép cải thiện ở Mỹ và châu Âu được cho là nguyên nhân chính cho đà giảm mạnh của giá thép. Với Trung Quốc, đà giảm không chỉ xuất phát nhu cầu thấp mà còn từ sự vụ của Evergrande. Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Evergrande đã kéo giảm thị trường bất động sản – vốn chiếm 25% nhu cầu tiêu thụ thép ở nước này.
Hòa Phát giảm giá bán HRC xuống 790 USD/tấn
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tiêu cực, với Hòa Phát và Formosa vừa công bố giảm giá thép HRC trong tuần trước.
Trong đợt điều chỉnh giá tuần trước, Hòa Phát giảm giá bán HRC giao tháng 2/2022 xuống mức 790 USD/tấn, giảm hơn 200 USD so với đỉnh tháng 6/2021.
Trong khi đó, Formosa Hà Tĩnh thông báo với khách hàng giảm giá bán HRC, nhưng mức giá không cố định mà còn tùy thuộc vào thỏa thuận với từng người mua. Theo thông tin từ một thương gia Việt Nam, vì nhu cầu yếu, Formosa có khả năng chấp nhận bán ở mức 805-810 USD/tấn.
Trong khi đó, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cũng giảm xuống quanh mức 790-800 USD (giá CIF).
Động thái hạ mạnh giá bán thép cũng thể hiện cho nhu cầu yếu tại thị trường Việt Nam, nhất là khi thị trường sắp bước vào mùa thấp điểm trước dịp Tết Nguyên đán.
Một tín hiệu khác thể hiện cho nhu cầu ảm đạm tại Việt Nam là tiêu thụ thép các loại giảm xuống mức 2.3 triệu tấn trong tháng 11/2021, giảm 13.6% so với tháng trước và giảm 8.6% so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo từ VSA.
Giá cổ phiếu thép liên tục dò đáy
Cú lao dốc nhanh chóng của giá thép trên thế giới đang làm vơi bớt kỳ vọng về các doanh nghiệp thép và kéo theo đó là đà giảm trên diện rộng của cổ phiếu trong ngành.
Hàng loạt cổ phiếu ngành thép đã chạm tới mức sâu nhất trong nhiều tháng, trong đó cổ phiếu NKG đã lao dốc 34%, HSG sụt 31%, còn HPG giảm 22% so với đỉnh.
Diễn biến của một số cổ phiếu thép
Tính tới ngày 22/12
Đến nay, sắc đỏ đã đeo bám cổ phiếu ngành thép trong suốt 1 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu muốn buông tha các cổ đông ngành này. “Biết thế, cắt lỗ sớm thì đã không đau. Mỗi phiên cứa một chút mà lòng như sát muối vậy”, một nhà đầu tư ca thán trước cú giảm sâu của giá cổ phiếu thép.
Khó khăn trong dự báo cổ phiếu ngành thép
Cổ phiếu thép tuy giảm, nhưng điều đáng chú ý là các công ty chứng khoán vẫn khuyến nghị mua. Với những nhà đầu tư nghe theo một cách đơn thuần, họ có thể chịu khoản lỗ lớn.
Tuy vậy, một điều mà nhà đầu tư cần lưu ý là việc thị trường thép biến động nhanh thời gian qua dễ dàng làm cho những khuyến nghị vốn dựa theo các giả định chằng chịt của giới phân tích tại một thời điểm cụ thể không còn đúng.
Chẳng hạn, một CTCK đưa ra khuyến nghị mua NKG vào ngày 13/12 với giá mục tiêu 48,000 đồng/cp. Trên thực tế, mức giá mục tiêu này cũng đã được điều chỉnh giảm so với khuyến nghị trước đó là 62,000 đồng/cp để phản ánh diễn biến tiêu cực của giá thép.
Lý giải cho khuyến nghị mua, các chuyên viên phân tích đề cập 2 lý do chính: Nhu cầu thép nội địa cải thiện và cơ hội xuất khẩu thép nhờ chênh lệch giá bán thép so với Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, lập luận về cơ hội xuất khẩu được tính toán dựa trên giả định chênh lệch giá thép Mỹ-Việt Nam và châu Âu-Việt Nam ở mức tương ứng 1,253 USD và 279 USD.
Với đà giảm giá thép thế giới giảm nhanh chóng như hiện nay, giả định này dường như không còn được giữ vững. Tại ngày 17/12, chênh lệch giá thép Mỹ-Việt Nam và châu Âu-Việt Nam chỉ còn 800 USD và 220 USD. (Lưu ý, chênh lệch này chưa phải là lợi nhuận cuối cùng của các hãng thép vì còn phải tính tới nhiều chi phí khác như thuế và chi phí vận chuyển)
Ngoài ra, theo SteelMint, nhu cầu thép thành phẩm từ những quốc gia nhập khẩu từ thép Việt Nam, như Mỹ và châu Âu, cũng đã suy giảm. Xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đã giảm từ 1.37 triệu tấn trong tháng 8/2021 xuống 1.02 triệu tấn trong tháng 11/2021.
Xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2020-2021
Khi giả định quan trọng bị trật nhịp với thực tế, liệu mức giá khuyến nghị trên có còn hợp lý?
Nói như vậy để thấy rằng, việc dự báo cổ phiếu ngành thép đang dần nên khó khăn hơn nhiều giữa lúc giá thép biến động nhanh và mạnh. Dù vậy, một điều chắc chắn là tâm lý bi quan đang chiếm ưu thế trên thị trường thép thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận