Dòng tiền ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ
Thị trường trong nước ngày 18/2 đang trong nhịp tăng/giảm đan xen kể từ đầu tuần, dù chỉ có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm trong tuần này nhưng chỉ số VN-Index vẫn có thêm 1 tuần tăng điểm nhẹ và duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp.
Tuần này, dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tỏ ra vượt trội so với nhóm bluechips. Tín hiệu tích cực lúc này là thanh khoản thị trường đang tăng lên với độ rộng khá tốt.
Chỉ số VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,21%) còn 1.504,84 điểm |
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,21%) còn 1.504,84 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 9,04 điểm (0,59%) xuống 1.531,47 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 243 mã tăng/190 mã giảm, ở rổ VN30 có 5 mã tăng/25 mã giảm. Nhóm Midcap và Smallcap tiếp tục đà tăng, lần lượt cộng thêm 0,89% và 1,55%.
Các cổ phiếu lớn đã gây áp lực lên thị trường phiên này là: BID (2,83%), VHM (-1,36%), VIC (-1,08%), gAs (-1,43%), TCB (1,15%)... đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: VJC (+5,23%), DIG (+6,77%), HPG (+1,18%), HVN (+1,87%), DHG (+6,87%)... Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX tiếp tục tăng so với phiên hôm qua, đạt 21.105 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mà thanh khoản lên mức cao nhất trong 4 phiên vừa qua, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Khối ngoại mua ròng 62,66 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như KBC, MSN, DXG, GMD, PNJ... Ở chiều ngược lại, SSI, NVL, VND, HPG, VRE... là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường tăng/giảm đan xen trong tuần này với sự xoay vòng của dòng tiền. Dù giảm nhẹ ở phiên cuối tuần nhưng thị trường đang tương đối tích cực khi thanh khoản tăng và độ rộng tốt. Bên cạnh đó, tín hiệu đáng chú ý là thị trường dường như bỏ qua ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu bluechips. Ngoài ra, thị trường đang được sự hỗ trợ mua ròng từ khối ngoại.
“Chúng tôi cho rằng, thị trường đang có sự phân hóa khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt lần lượt được luân phiên sử dụng, do vậy nhà đầu tư nên kiên trì với danh mục đã chọn, hạn chế đua giá cao trong phiên tăng mạnh. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp và giữ vững ngưỡng 1.500 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ thị trường hướng về vùng đỉnh cũ ở 1.536 - 1.556 điểm. Dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ khi đà phục hồi ở nhóm cổ phiếu này đang rất tích cực kèm độ rộng có sức lan tỏa”, đại diện MBS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, dòng tiền ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Trái ngược với trạng thái trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai, VN30 giảm điểm trở lại trong ngày cuối tuần với 25 mã đóng cửa dưới tham chiếu. Chỉ số đại diện cho nhóm Largecap giảm -0,59%, đạt 1.531,47 điểm và gây áp lực tới vận động của thị trường chung. VN-Index giảm -0,21%, đạt 1.504,84 điểm tuy nhiên chỉ số cũng đã thu hẹp đáng kể mức giảm đầu phiên
Dòng tiền ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, qua đó giúp VN Midcap và VN Smallcap Index tăng tương ứng +0,89% và +1,55%. Tại nhóm vốn hóa trung bình, DIG dẫn đầu về mức đóng góp cho chỉ số khi kết phiên sát mức giá trần, bên cạnh động lực từ DXG (+2,1%), DGC (+2,9%), CII (tăng trần)... Tại nhóm vốn hóa nhỏ, FRT, NKG, LDG... đóng vai trò tương tự
Quan sát theo nhóm ngành, lĩnh vực Ngân hàng quay lại với trạng thái đồng thuận giảm điểm. Ở chiều ngược lại, sắc xanh chiếm ưu thế là diễn biến chính tại nhóm Thép - Tôn mạ, Vận tải biển, Chứng khoán, Xây dựng, Hàng không…
“Nhìn chung, có hai câu chuyện đầu tư đang dẫn dắt vận động của dòng tiền trong thời gian vừa qua, là tăng trưởng giá hàng hóa và tái mở cửa nền kinh tế sau dịch”, đại diện SSI cho hay.
Công ty CP Chứng khoán BOS thì cho biết, áp lực bán xuất hiện ở nhóm vốn hóa lớn ngay từ đầu phiên khiến cho VN-Index có thời điểm mất hơn 15 điểm. VHM, VIC, GAS, VNM, SAB… giảm điểm đã tạo áp lực lớn lên chỉ số. Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực cung gia tăng, với nhiều mã vốn hóa lớn giảm mạnh như BID, CTG, VCB, TCB... Sắc đỏ cũng chiếm chủ đạo ở nhóm dầu khí khi POW, PVD, PVS, PVC, POS… đều giảm điểm.
Ở diễn biến ngược lại, nhóm bất động sản, xây dựng bất ngờ tăng điểm tốt trong phiên chiều như CEO, DIG, LDG, FCN, DXG… Nhóm chứng khoán cũng xuất hiện sự hồi phục tích cực trong phiên khi có đến 30/35 mã tăng với nhiều mã nổi bật như VND, VCI, SSI, HCM… Diễn biến tích cực còn xuất hiện nhiều nhóm ngành khác như thép, hàng không, hóa chất… Thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.727 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, BOS cho biết, chỉ số VN-Index đang thiếu dòng tiền dẫn dắt. Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 18/02. Căng thẳng Ukraine - Nga đang ở thời điểm then chốt, với Kiev cáo buộc lực lượng ly khai ủng hộ Moscow ở miền đông tấn công một ngôi làng gần biên giới. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán trong nước đóng cửa trái chiều. Chỉ số VN-Index có thời điểm áp sát tham chiếu nhưng vẫn chưa thể hồi phục do thiếu sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu bluechip.
Về kỹ thuật, VN-Index điều chỉnh sau khi vượt mốc 1.500 phiên ngày hôm qua. Tuy nhiên dòng tiền tích cực đổ vào nhiều nhóm ngành khác nhau đã giữ cho VN-Index không bị giảm xuống dưới mức 1.500 sau phiên cuối tuần. Thanh khoản dù chưa vượt lên mức trung bình 20 phiên nhưng đã cao hơn 3 phiên gần nhất, đã phát đi những tín hiệu tích cực hơn về dòng tiền.
“Xu hướng đi ngang tiếp tục được duy trì khi giá tạo ra trạng thái đi ngang của MA20 và MA50. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì danh mục hiện tại và hạn chế giải ngân trong các phiên tăng điểm của thị trường”, BOS khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận