24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Mai Xuyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp logistics có sự phân hóa theo từng nhóm trong quý 2/2024, vận tải biển và kho vận - hậu cần đa phần mang màu sắc tích cực, trong khi nhóm cảng biển có sự trái chiều.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2024 đạt 439.88 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 15.7%, nhập khẩu tăng 18.5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14.08 tỷ USD và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 427.7 triệu tấn, tăng 18%, trong đó sản lượng container đạt 14.4 triệu TEU, tăng 22%.

Theo thống kê từ VietstockFinance đối với 23 doanh nghiệp ngành logistics trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM), có 12 doanh nghiệp lãi tăng và 11 lãi giảm. Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhóm vận tải biển và kho vận – hậu cần đa phần mang màu sắc tích cực, trong khi nhóm cảng biển có sự trái chiều.

Nhiều doanh nghiệp cảng biển gặp khó bất chấp hoạt động cốt lõi tăng trưởng

Có 6/10 doanh nghiệp cảng biển giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, đa số doanh nghiệp giảm lợi nhuận bất chấp doanh thu tăng mạnh.

Giảm lợi nhuận mạnh nhất là CTCP Gemadept (HOSE: GMD), lên đến 82%, dù doanh thu tăng 29%. Tuy nhiên, lãi ròng GMD giảm mạnh còn hơn 303 tỷ đồng thực chất đến từ mức nền cao của quý 2/2023, thời điểm Công ty có khoản lãi tài chính “khủng” nhờ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ.

CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) lãi ròng giảm 34%, còn 73 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 33% được thúc đẩy bởi hoạt động khai thác cảng. SGP đối mặt với chi phí quản lý gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và chi phí quản lý khác tăng mạnh.

Tương tự, hoạt động cốt lõi tăng trưởng mạnh mẽ đưa doanh thu của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HOSE: DVP) tăng 43% lên gần 191 tỷ đồng. Nhưng do lãi suất tiền gửi thấp hơn cùng kỳ, bên cạnh việc chưa nhận được cổ tức năm 2023 từ Công ty TNHH Tiếp vận SITC Đình Vũ (cùng kỳ nhận 60 tỷ đồng) là những nguyên nhân chính khiến lãi ròng DVP giảm 27% còn 85 tỷ đồng.

Trường hợp có lợi nhuận giảm hơn 20% như CTCP Cảng Cát Lái (HOSE: CLL) còn gần 20 tỷ đồng là do công ty mẹ trích lập dự phòng khoản phải thu đối với Công ty TNHH MTV Quang Thái Hồng gần 3.4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Ở chiều ngược lại, 4 doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng. Trong đó, nổi bật hơn cả là CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) với lãi ròng 68 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ, nhờ hoạt động cốt lỗi tăng trưởng, đồng thời giảm đáng kể lỗ từ hoạt động tài chính.

Công ty con của VSC là CTCP Cảng Xanh Vip (UPCoM: VGR) với lãi ròng gần 93 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ, hỗ trợ bởi sản lượng container qua cảng tăng và chi phí khấu hao, sửa chữa lớn đều giảm.

Nhóm vận tải biển “được mùa”

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển đa phần có lợi nhuận tăng trưởng, dẫn đầu là CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) lãi ròng gấp hơn 243 lần cùng kỳ năm trước.

VOS là trường hợp hiếm hoi khi lỗ gộp nhưng sau cùng lãi ròng lại tăng mạnh nhất ngành. Mấu chốt của pha xoay chuyển tình thế đến từ thương vụ bán tàu Đại Minh, giúp thu về khoảng 400 tỷ đồng.

CTCP Logistics Vicem (HOSE: HTV) tăng trưởng lãi ròng 69%, lên gần 4 tỷ đồng. Trong kỳ, các nguồn hàng vận chuyển tăng trưởng đã góp phần tăng sản lượng và doanh thu vận chuyển, đồng thời tiết giảm được một số chi phí giúp giá vốn giảm.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) bão lãi ròng gần 111 tỷ đồng, tăng 15%, đồng thời cũng là mức lãi cao nhất 5 quý vừa qua. Công ty cho biết, lợi nhuận tăng nhờ tăng tàu đưa vào khai thác (Hải An Alfa và Hải An Beta), mở thêm tuyến ở cả chặng nội địa (Nghi Sơn, Chân Mây, Long An,…) và quốc tế (Singapore, Malaysia, Ấn Độ,…). Bên cạnh đó là giá cước vận tải bình quân và sản lượng vận tải tăng.
Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (UPCoM: SWC) lãi ròng hơn 62 tỷ đồng, tăng 12%.
Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Ở nhóm giảm lợi nhuận, CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) dẫn đầu với lãi ròng giảm 31%, còn hơn 24 tỷ đồng, do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm và chi phí quản lý tăng.

Bên cạnh VIP, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) cũng chứng kiến lãi ròng đi lùi 3%, còn hơn 287 tỷ đồng, bất chấp doanh thu tăng 41%, đạt gần 3 ngàn tỷ đồng. Kết quả chủ yếu do PVT chịu khoản lỗ khác tới 63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 57 tỷ đồng) và hoạt động tài chính kém hiệu quả.

Nhóm kho bãi – hậu cần đa phần tăng trưởng

4/6 doanh nghiệp nhóm kho bãi – hậu cần tăng trưởng và hai trường hợp giảm lợi nhuận trong kỳ.

Nhờ hoạt động cốt lõi tăng và lãi từ liên doanh, liên kết, CTCP Transimex (HOSE: TMS) dẫn đầu tăng trưởng lãi ròng 66%, lên hơn 43 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp còn lại cùng có mức tăng 19% là CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE: TCL)CTCP Kho Vận Tân Cảng (UPCoM: TCW). Riêng TCL còn tạo kỷ lục lãi ròng mới kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2009.

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Đối với hai doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, CTCP Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) chịu ảnh hưởng từ doanh thu tài chính giảm nên lãi ròng giảm 22% còn hơn 22 tỷ đồng. Còn CTCP ICD Tân Cảng - Long Bình (HOSE: ILB) giảm 18% lãi ròng về 19 tỷ đồng do tình hình khai thác các dịch vụ kho bãi gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thuê kho giảm, nhu cầu lưu kho một số mặt hàng chủ lực thấp. Bên cạnh đó, một số khách hàng lớn giảm diện tích thuê kho do kinh doanh khó khăn và thực hiện xuất khẩu trực tiếp tại cảng để giảm chi phí.

Đa số vượt hơn nửa chặng đường lợi nhuận năm

Khép lại 6 tháng đầu năm, đa số doanh nghiệp ngành logistisc đã thực hiện trên 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm. Một số trường hợp như VOS, VGR, PVT, GMD, SGP, SFI, VSC bứt phá mạnh mẽ hơn.

Kết quả đột biến quý 2 đưa lãi lũy kế 6 tháng đầu năm của VOS đạt hơn 427 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm. GMD thực hiện 72% mục tiêu lợi nhuận năm dù trải qua quý 2 giảm mạnh. Bởi GMD đã chủ động lập kế hoạch năm tính đến việc bị hụt đáng kể lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn công ty con.

Một số trường hợp chưa thể đi được nửa chặng đường như CLL, HTV hay TMS. Trong đó, TMS chỉ mới thực hiện 22% kế hoạch năm. Lưu ý rằng, TMS đã đặt ra mục tiêu cao cho năm 2024 với 419 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp đôi con số thực hiện năm 2023.

Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận 2024 của nhóm cảng biển

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Nguồn: VietstockFinance

Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận 2024 của nhóm vận tải biể

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Nguồn: VietstockFinance

Tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận 2024 của nhóm kho bãi – hậu cần

Doanh nghiệp logistics trên đà khởi sắc

Nguồn: VietstockFinance

Trên đà khởi sắc

6 tháng cuối năm, một số công ty chứng khoán cho rằng ngành logistics sẽ trên đà khởi sắc.

Bộ phận phân tích CTCK ACB (ACBS Research) nhận định bức tranh ngành nửa đầu năm tương đối tích cực nhờ diễn biến thương mại phục hồi. Những rủi ro gây áp lực lên chuỗi cung ứng và chi phí vận tải biển gia tăng do các cuộc xung đột địa chính trị đang có xu hướng leo thang đều là những yếu tố cần theo dõi trong giai đoạn còn lại của 2024.

Cũng theo ACBS Research, các chỉ số vận tải đều tăng trở lại, điển hình container quốc tế của Drewry (Drewy World Container Index), vận chuyển container toàn cầu (Freightos Baltic) và giá thuê tàu container (Harper Petersen Charter Rates Index); bên cạnh đó là xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ sẽ dẫn tới sự phục hồi không chỉ vận tải biển, mà còn vận tải hàng không.

Còn theo bộ phân phân tích CTCK KB Việt Nam (KBSV Research) trong một báo cáo phát hành cuối tháng 6/2024, sản lượng hàng qua cảng biển cả nước về cuối năm tiếp tục duy trì đà tăng tích cực so với cùng kỳ.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước trong năm nay dự kiến tăng trưởng 7 - 9% so với 2023 nhờ triển vọng xuất nhập khẩu tiếp tục khả quan về cuối năm; vốn FDI duy trì ở mức cao; các dự án nâng cấp cảng và cơ sở hạ tầng liên quan đang lần lượt được hoàn thiện.

KBSV Research điều chỉnh nhận định với các doanh nghiệp vận tải biển từ trung lập sang tích cực trong nửa sau 2024 nhờ giá cước vận tải biển dự kiến vẫn neo ở mức cao thời gian tới do nhu cầu tàu biển tăng cũng như nguy cơ về thiếu container rỗng dần hiện hữu; sản lượng vận tải tăng đến từ xu hướng tăng tích trữ hàng do lo ngại giá vận tải biển tiếp tục tăng phi mã sẽ còn kéo dài, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
41.35 +0.60 (+1.47%)
28.50 +0.35 (+1.24%)
32.00 +1.00 (+3.23%)
44.90 -0.10 (-0.22%)
58.10 -0.10 (-0.17%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả